Giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí logistics, giá thành gói thầu xây dựng tăng cao, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp khó khăn, lãi suất tăng cao… đó là những khó khăn tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp hiện nay. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tích cực vào cuộc, rà soát, điều chỉnh, nắm bắt kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, củng cố nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ các KCN, kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo tổng hợp của ngành chức năng, trong 10 tháng năm 2022 toàn tỉnh có 526 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 82,6% so với cùng kỳ, trong đó có 465 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động, 61 doanh nghiệp giải thể. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 8.179 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 5.593 doanh nghiệp đang hoạt động thường xuyên, giải quyết việc làm cho hơn 166.000 lao động.
Trong thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid – 19, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn do giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng từ 3-5 lần làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh; giá thành gói thầu xây dựng tăng từ 18-30% theo từng thời điểm, dẫn tới mức độ tăng về chi phí của doanh nghiệp cao hơn mức độ tăng về doanh thu trong quý III/2022 so với những quý trước đó và cùng kỳ năm trước. Một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất, trong khi ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến cuối năm nay tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh, hàng tồn không bán được. Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng khó khăn do “room” tín dụng bị giới hạn, trong khi đó lãi suất ngân hàng đang tăng cao. Nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề cao.
Ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đó sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm. Một số doanh nghiệp xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước chịu nhiều áp lực về giá vật liệu tăng cao, chủ đầu tư nợ đọng vốn kéo dài, trong khi đó Nhà nước điều chỉnh giá vật liệu xây dựng có thời điểm chưa sát với giá thị trường. Các doanh nghiệp kiến nghị, ngân hàng nới “room” tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất phù hợp. Ngoài ra, Nhà nước sớm có chính sách bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đầu vào cho các doanh nghiệp; điều chỉnh giá vật liệu xây dựng cho phù hợp với thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; chủ đầu tư nhanh chóng bố trí vốn cho nhà thầu xây dựng theo kế hoạch…
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Các ngành và địa phương nắm bắt kịp thời những kiến nghị của các doanh nghiệp, củng cố nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ các KCN, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong thu hút đầu tư, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng bố trí quỹ đất sạch để các nhà đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất theo nhóm, nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và nâng cao hiệu quả trong sản xuất công nghiệp; chủ động khảo sát nhu cầu nhập linh kiện, thiết bị của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn FDI để có giải pháp kết nối giữa các doanh nghiệp trong việc sản xuất sản phẩm cung cấp cho nhau; vận động các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp FDI dùng sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp nội nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển và tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp trong nước. Kịp thời hỗ trợ và vận động các doanh nghiệp tập trung chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Đối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, khảo sát nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, kiến nghị với cấp trên điều chỉnh “room” tín dụng cho phù hợp để giải ngân nguồn vốn hỗ trợ khách hàng. Chi cục Hải quan Hà Nam tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp đăng ký sản xuất năm 2022 - 2023 nhập khẩu thiết bị máy móc, nhập nguyên vật liệu đầu vào. Các ngành chức năng và địa phương tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số doanh nghiệp, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Thực hiện các giải pháp trên, hy vọng trong thời gian tới các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ giảm bớt được khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp tích cực cho kinh tế của tỉnh.
Trần Hữu