Theo tổng hợp của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, đến thời điểm này, các KCN tỉnh đã thu hút được gần 500 dự án đầu tư, trong đó có 341 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ 870 triệu USD. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid - 19, song giá trị sản xuất của các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày một phát triển.
Trong tổng số 341 dự án FDI, đến nay đã có 285 dự án FDI đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và 56 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng.
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid – 19, các doanh nghiệp FDI đã nỗ lực vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và có sự đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI chiếm 70,7% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; nộp ngân sách chiếm 36,4% tổng thu ngân sách và có giá trị xuất khẩu chiếm 80,8% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong toàn tỉnh. Một số doanh nghiệp FDI đóng ngân sách lớn, như: Chi nhánh Công ty TNHH Honda Việt Nam gần 3.700 tỷ đồng, Công ty TNHH Frieslandcampina Hà Nam 258 tỷ đồng...
Có được kết quả trên, trong nhiều năm qua UBND tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh xây dựng đồng bộ hạ tầng các KCN; đồng thời, UBND tỉnh luôn cam kết đồng hành và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai các hoạt động đầu tư, trong đó có sự hỗ trợ tích cực từ phía các ngành chức năng của tỉnh; hỗ trợ các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án, phấn đấu đi vào hoạt động theo đúng cam kết. Khi thu hút đầu tư, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án lớn, trong đó có chính sách thu hút nhà đầu tư phụ trợ đi cùng và có thể dành ra một khu riêng biệt cho doanh nghiệp đầu tư theo nhóm ngành.
Điển hình như tỉnh đã ưu tiên xây dựng KCN Đồng Văn III, giai đoạn I chuyên để thu hút các doanh nghiệp phụ trợ của Nhật Bản. Đến nay, các nhà đầu tư của Nhật Bản đã cơ bản đầu tư theo đúng cam kết và đi vào hoạt động ổn định. Cách làm này đã giúp các doanh nghiệp lớn khi đầu tư vào Hà Nam thu hút thêm được nhà đầu tư phụ trợ vào cùng địa bàn hoạt động, không chỉ giảm chi phí nguyên liệu đầu vào mà còn tạo ra khâu sản xuất khép kín trong KCN.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid – 19, song tỉnh Hà Nam vẫn là một trong những địa phương có kết quả tốt về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và điều chỉnh dự án đầu tư trong các KCN. Toàn tỉnh đã thu hút được 35 dự án đăng ký mới đầu tư vào các KCN, trong đó có 20 dự án FDI và 15 dự án đầu tư trong nước.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng điều chỉnh 170 lượt dự án, với tổng nguồn vốn (kể cả thu hút mới và điều chỉnh dự án tăng thêm) hơn 536 triệu USD và hơn 9.405 tỷ đồng, vượt 81% kế hoạch năm. Đây là một kết quả đáng mừng khi mà nhiều tỉnh thành gặp khó khăn trong thu hút đầu tư, trong khi đó tỉnh Hà Nam vẫn là điểm hấp dẫn của nhà đầu tư.
Dự báo trong năm 2022, xu hướng nhiều nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… vẫn tiếp tục đầu tư vào địa bàn tỉnh. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, với công nghệ sản xuất hiện đại đã tìm hiểu môi trường thu hút đầu tư của tỉnh và hứa sẽ về đầu tư vào các KCN. Tỉnh Hà Nam cũng đã có gần 200 ha đất sạch với cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ để chào đón các nhà đầu tư vào các KCN.
Trong giai đoạn 2021– 2025, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, với công nghệ sản xuất hiện đại, thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính khi thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh sớm đi vào sản xuất ổn định.
Trần Hữu