Tăng cường hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất

Năm 2019, anh Trần Đức Thuật ở thôn Nhất Trì (phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên) mua 2 máy đục gỗ CNC. Từ đây công việc sản xuất đồ mộc của anh Thuật trở nên thuận tiện hơn và sản phẩm được sản xuất đồng loạt, mẫu mã đồng nhất đã giúp anh cắt giảm đáng kể nhân công, chi phí, năng suất lao động tăng lên trông thấy.

Sản xuất hàng thêu ren tại Công ty TNHH Tuấn Quyên LHK, xã Thanh Hương (Thanh Liêm).

Anh Thuật phấn khởi nói:  Trước đây tôi cứ nghĩ phải ở những cơ sở sản xuất lớn hay làng nghề mới cần đến loại máy này. Nay dùng rồi mới biết hộ sản xuất nhỏ như tôi cũng rất hữu ích. Một máy có thể thay cho 5-7 người làm trước đây. Thu nhập của lao động cũng tăng lên 6-7 triệu đồng/tháng (trước đây chỉ hơn 4 triệu đồng). Có máy cắt gỗ CNC, anh Thuật mạnh dạn làm và có được những đơn hàng lớn hơn, lên tới 100-200 trăm triệu đồng, trước đây chỉ vài triệu đồng/đơn hàng.

Còn tại Công ty TNHH Tuấn Quyên LHK (xã Thanh Hương, Thanh Liêm), từ khi được hỗ trợ mua máy thêu ren do Hàn Quốc và Nhật Bản sản xuất, sản lượng hàng hoá tăng lên gần gấp hai lần. Máy thêu là dòng máy mới có tốc độ vòng quay nhanh đã khắc phục được nhiều hạn chế của thêu tay và dòng máy cũ. Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Quyên LHK cho biết: Công ty được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) hỗ trợ 194 triệu đồng đổi mới thiết bị máy móc. Thiết bị hiện đại không những giúp tiết kiệm điện mà đặc biệt là sản phẩm có độ sắc nét cao, cạnh tranh được với nhiều cơ sở sản xuất khác. Sản phẩm được sản xuất trên máy mới, khi mang đi chào hàng, khách hàng rất hài lòng. Nhiều nơi còn đến đề nghị mời doanh nghiệp hợp tác sản xuất lâu dài. Công ty cũng ký được nhiều hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Được biết, trong 2 năm 2018-2019, thực hiện chương trình Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất gồm các lĩnh vực: May mặc, đồ gỗ mỹ nghệ, hàng thêu ren xuất khẩu... đã có 20  cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được hỗ trợ 4,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương trang bị, đổi mới thiết bị máy móc, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm như: Công ty TNHH may Hoàng Tuyên, Công ty TNHH may Lâm Mai (thành phố Phủ Lý); Công ty TNHH đầu tư phát triển và xây dựng Hùng Phát (thị xã Duy Tiên); Công ty TNHH Tuấn Quyên LHK (huyệnThanh Liêm); Công ty TNHH Hợp Phát (huyện Bình Lục)... 

Khi được hỏi, nhiều cơ sở CNNT đều phấn khởi nói: Nhờ được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến nên cơ sở sản xuất trở nên hiện đại, năng suất hơn. Ngoài ra, chương trình còn giúp các cơ sở CNNT được tiếp cận với thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến để có cơ hội mở rộng, phát triển sản xuất. Anh Thuật cho biết: “Làm nghề đã chục năm nay và đã biết máy đục gỗ CNC nhưng phải đến bây giờ tôi mới mua được máy. Thú thực cơ sở ở nông thôn, sản xuất nhỏ lẻ, kinh phí khó khăn, nếu không được khuyến công tỉnh hỗ trợ thì tôi khó có thể mua được máy CNC để làm”.

Không chỉ tích cực thực hiện chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) còn làm tốt công tác xúc tiến thương mại. 

Cụ thể đã tổ chức tham gia và vận động các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong hai năm qua, trung tâm đã vận động khoảng 300 lượt doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia 30 hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố bạn như: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế… 

Tại mỗi hội chợ, trung tâm đều nhận được bằng khen của UBND các tỉnh vì đã có thành tích góp phần vào sự thành công chung của hội chợ. Đặc biệt năm 2018, lần đầu tiên trung tâm tham mưu tổ chức thành công Hội chợ Công Thương Đồng bằng sông Hồng - Hà Nam tại Hà Nam, với quy mô 300 gian hàng tiêu chuẩn của trên 200 doanh nghiệp tham gia. Hội chợ thu hút hoảng 15.000 khách tới tham quan mua sắm, tổng doanh thu bán hàng của các đơn vị đạt khoảng 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với các địa phương tổ chức tốt các phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi”. Các phiên chợ được triển khai ở những xã vùng sâu, vùng xa, những nơi mà người dân ít có điều kiện được tiếp cận với hàng hóa có chất lượng cao do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. 

Ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” đã giúp nâng cao nhận thức cho các tầng lớp dân cư, doanh nghiệp trong tỉnh về khả năng sản xuất và chất lượng sản phẩm hàng hóa; tạo được lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa Việt Nam, làm thay đổi dần tâm lý trong việc lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng; góp phần tích cực vào quá trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Quảng bá sâu rộng cho các mặt hàng, sản phẩm CN-TTCN trong tỉnh sản xuất, trung tâm chú trọng nâng cao chất lượng vận hành và khai thác hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Nam nhằm kết nối cung cầu giữa nhà phân phối, người tiêu dùng. Sau hơn 8 tháng đưa vào hoạt động đã có gần 1.000 sản phẩm được giới thiệu và bán trên sàn của gần 100 doanh nghiệp, thu hút khoảng 100.000 lượt người truy cập và theo dõi. Bên cạnh đó, trung tâm còn duy trì, phát triển trang tin thương mại điện tử; tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hà Nam, của các doanh nghiệp, làng nghề đến với bạn bè trong nước và quốc tế. 

Ông Nguyễn Liên Hồng cho biết thêm: Thời gian qua, công tác khuyến công và xúc tiến thương mại đã thực hiện theo kế hoạch đăng ký, bảo đảm về tiến độ thời gian. Nội dung khuyến công đa dạng và phong phú, hiệu quả hơn. Quy mô, chất lượng các đề án được nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển công nghiệp ở nông thôn, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Công tác xúc tiến thương mại đã góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh nhà đến các tỉnh, thành trong cả nước.

Căn cứ yêu cầu thực tế của địa phương, nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh, năm 2020 hoạt động khuyến công tiếp tục hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khâu lưu thông hàng hoá, thúc đẩy sản xuất ngày càng phát triển.

Tiến Đoàn

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy