Theo ước tính của ngành chức năng, năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh đạt 116.503 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ, bằng 95% kế hoạch. Đây cũng là năm có mức tăng trưởng thấp nhất về giá trị sản xuất công nghiệp trong nhiều năm qua. Ngành công thương đang nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp theo kế hoạch đã điều chỉnh.
Theo kế hoạch năm 2020, ngành công nghiệp phấn đấu giá trị sản xuất đạt khoảng 120.500 tỷ đồng, bằng 98,3% kế hoạch năm, tăng 12,4% so với thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, ngành công thương đã đề xuất điều chỉnh lại giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó phấn đấu cả năm đạt 112.880 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo nhận định của ngành công thương, trong năm nay giá trị sản xuất công nghiệp bị giảm mạnh, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tỉnh bị tác động mạnh mẽ do dịch bệnh.
Cụ thể, tại các KCN, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, song nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực bị ảnh hưởng mạnh do dịch Covid - 19. Các doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng dệt may, hàng mỹ ký, điện, điện tử và mặt hàng từ nhựa xuất khẩu... bị ảnh hưởng nặng nhất.
Theo ước tính, sản phẩm công nghiệp chủ lực trong KCN như thức ăn chăn nuôi, dệt may, điện, điện tử..., trung bình mỗi năm chiếm 40 - 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trong năm nay sản lượng, giá trị cũng bị giảm. Chỉ có duy nhất mặt hàng xe máy vẫn duy trì tốt, với sản lượng ước đạt hơn một triệu xe các loại. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa khi dịch bệnh bùng phát, một số nước hạn chế thông quan hàng hóa, lao động ở nước ngoài vào Việt Nam hạn chế.
Cùng với doanh nghiệp trong KCN, sản phẩm của các doanh nghiệp ngoài KCN, như đá xây dựng, xi măng, gạch nung, các loại vật liệu chế biến từ đá cũng bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19. Hiện tại ở khu vực tây Đáy thuộc hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng có hơn 70 doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác đá với khoảng gần 80 mỏ đá vôi chuyên khai thác, chế biến làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong năm 2020, sản lượng khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có những doanh nghiệp giảm tới 30 - 50% sản lượng.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, khi Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản với thời gian dài, các ngành đã tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, hầu hết các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, có những năm sản xuất và cung ứng cho thị trường hàng chục triệu m3 đá các loại. Nhiều sản phẩm từ đá ở Hà Nam sau khi chế biến thành bột đá, đá xây dựng các loại, đá hộc xuất khẩu đã được nhiều bạn hàng đánh giá cao về chất lượng, đá xây dựng là một trong những nhóm ngành sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng quan trọng của tỉnh.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, kinh tế gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách giảm, nguồn vốn đầu tư cho các công trình cũng giảm đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Nếu như trước đây, mùa khô là thời điểm các doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ nhiều hàng, trong năm nay lại rất cầm chừng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong hơn một tháng cuối năm toàn tỉnh phấn đấu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp và ước cả năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 116.503 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Để đạt được kết quả này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tập trung vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và các cơ quan quản lý các cửa khẩu nắm bắt thông tin, thông báo kịp thời tới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu qua biên giới để doanh nghiệp chủ động trong công tác xuất nhập khẩu hàng hóa.
Các ngành chức năng triển khai kịp thời những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, khôi phục, mở rộng sản xuất, kinh doanh; thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư và nâng cao chất lượng thẩm định, lựa chọn dự án đầu tư vào địa bàn hiệu quả; khuyến khích dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Tích cực thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ công, như: điện, nước, xử lý nước thải, tiêu thoát nước... bảo đảm phục vụ kịp thời các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Trần Thoan