Nhiều ngành công nghiệp tiếp tục gặp khó

Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh hiện nay đang tiếp tục gặp khó. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, nhất là ở một số lĩnh vực, ngành hàng như: dệt may, đồ uống, đồ chơi và sản xuất phương tiện vận tải... Nguyên nhân chủ yếu do các thị trường xuất khẩu lớn phục hồi chậm.

Báo cáo của ngành chức năng cho thấy, trong 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 với mức tăng là 10,68%. Nhìn lại bức tranh tăng trưởng toàn ngành công nghiệp những năm gần đây có thể thấy, mức tăng trưởng này là khá cao so với mặt bằng chung nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này cũng cho thấy sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp trong việc ứng phó với những khó khăn. Tuy nhiên, đây lại là con số khá khiêm tốn so với tăng trưởng công nghiệp trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 8 tháng năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 16,16% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong 2 năm 2021 – 2022, mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh lần lượt là 14,21% và 12,88%.

Theo lý giải của ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới vẫn tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài, xung đột ở Ukraina. Nền kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm ở nhiều ngành hàng. Trong 2-3 tháng trở lại đây, mặc dù số lượng đơn hàng và thị trường xuất khẩu của một số ngành hàng công nghiệp đã có sự chuyển biến nhưng còn khá chậm. Chi phí đầu vào phục vụ sản xuất đã giảm, song vẫn giữ ở mức cao. Nguyên vật liệu cho sản xuất phần lớn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài nên sức cạnh tranh chưa cao.

Nhiều ngành công nghiệp tiếp tục gặp khó
Sản xuất tại Công ty TNHH QP Việt Nam, KCN Thanh Liêm 2, phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hải Yến

Số liệu báo cáo của Cục Thống kê tỉnh cũng cho thấy, trong 8 tháng năm 2023, nhiều ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ như: ngành dệt; sản xuất trang phục; đồ uống; sản xuất phương tiện vận tải; đồ chơi trẻ em; công nghiệp chế biến, chế tạo khác… với mức giảm từ 2% đến 13,63%. Chẳng hạn như với mặt hàng đồ chơi trẻ em, từ đầu năm 2023 đến nay, sản phẩm này đều đạt mức tăng trưởng âm trong hầu hết các tháng. Trong 8 tháng năm 2023, sản lượng tiêu thụ của sản phẩm này ra thị trường giảm trên 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Vinh Hạnh Hà Nam, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên cũng đang nằm trong “dòng chảy” chung của tình hình kinh tế thế giới. So với những năm trước, 8 tháng năm 2023, sản lượng sản phẩm xuất khẩu của công ty sụt giảm khoảng 20% bởi cũng như nhiều ngành hàng khác, mức cầu hàng hóa đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em giảm mạnh đã khiến cho quy mô nhiều đơn hàng truyền thống của công ty giảm sút theo.

Ông Lê Mạnh Hoàn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vinh Hạnh Hà Nam cho biết: Sản phẩm đồ chơi của Vinh Hạnh được sản xuất trên dây chuyền, công nghệ tiên tiến, đạt yêu cầu khắt khe nhất của thị trường châu Âu. Chính vì thế, trong giai đoạn 2020-2022, về cơ bản, công ty vẫn duy trì lượng hàng xuất khẩu đều đặn. Thế nhưng trong 8 tháng năm 2023, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraina và lạm phát tăng cao ở nhiều nước đã khiến quy mô một số đơn hàng bị ảnh hưởng. Dự báo, trong thời gian tới, ảnh hưởng này sẽ còn lớn hơn, ngành sản xuất đồ chơi sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Vì thế, Vinh Hạnh vẫn đang nỗ lực cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để tăng uy tín, sức cạnh tranh ở những thị trường tiềm năng. Đây cũng chính là giải pháp giúp Vinh Hạnh vượt qua khó khăn và duy trì sản xuất ổn định trong những năm qua.

Tương tự, xi măng và clinker cũng là mặt hàng liên tục gặp khó về thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu do xây dựng dân dụng phục hồi chậm sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19; các công trình, dự án cũng chậm triển khai vì gặp khó khăn về nguồn vốn. Từ đầu năm 2023 đến nay, một số doanh nghiệp thậm chí không có đơn hàng xuất khẩu clinker trong nhiều thời điểm. Theo ông Đỗ Tiến Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn, năm 2022 và khả năng là tiếp tục trong năm 2023, các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu của công ty sẽ không đạt so với mục tiêu đề ra. Từ đầu năm đến nay, riêng sản phẩm clinker có lượng tiêu thụ thấp, cả năm 2023 ước đạt 50% so với năm 2022. Đứng trước khó khăn, thách thức, Vicem Bút Sơn vẫn đang tiếp tục tập trung nghiên cứu, xử lý các nút thắt về dây chuyền công nghệ, vận hành ổn định hệ thống sử dụng nhiên liệu thay thế nhằm giảm tối đa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng; đa dạng hoá sản phẩm nhằm đáp ứng tối đa các phân khúc thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn, có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm sút, tình hình kinh tế trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, trong đó có hoạt động sản xuất công nghiệp. Tin tưởng rằng, với kinh nghiệm, sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp trong việc ứng phó với những khó khăn, năm 2023, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh sẽ giữ được đà tăng trưởng so với năm trước, đóng góp chung đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy