Từ những tác động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 trong những năm vừa qua cho thấy, may mặc là một trong những ngành dễ bị “tổn thương” nhất trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tại nhiều quốc gia, sức tiêu thụ đối với sản phẩm may mặc giảm đáng kể để dành ưu tiên cho những hàng hóa thiết yếu. Điều này đã buộc các doanh nghiệp may mặc phải kịp thời thay đổi, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh để tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Nhiều khó khăn, thách thức
Dịch bệnh Covid -19 đã khiến cho ngành may mặc gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài vừa qua. Riêng từ năm 2022 trở lại đây, tại nhiều thời điểm, doanh nghiệp may mặc gần như không ký được đơn hàng mới, trong khi các đơn hàng cũ cũng bị hủy vì lý do hàng bị tồn kho. Nguyên nhân là bởi tình hình lạm phát tại các thị trường lớn như Mỹ và EU tăng cao khiến cho người dân cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu, trong đó có hàng may mặc. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu truyền thống, như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… lại áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm may mặc của Việt Nam nói chung và trong tỉnh nói riêng.
Ông Ngô Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Chung, xã Tiêu Động (Bình Lục) cho biết: So với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát, sản lượng hàng hóa tiêu thụ của công ty giảm 40%-50%, nhất là từ nửa cuối năm 2022 trở lại đây. Để duy trì hoạt động, tại một số thời điểm, công ty phải cắt giảm giờ làm, tìm kiếm đối tác mới để mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong những tháng đầu năm 2023, thị trường tiêu thụ tuy đã có sự khởi sắc so với cuối năm 2022 nhưng còn chậm, số lượng và quy mô đơn hàng còn hạn chế.
Theo Sở Công thương, trong 2 tháng đầu năm 2023, quần áo may sẵn là một trong những sản phẩm công nghiệp của tỉnh có sản lượng giảm mạnh (giảm 14%) so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 1, sản lượng quần áo may sẵn trong toàn tỉnh giảm tới 31,4% so với cùng tháng năm 2022. Dự báo, tình hình khó khăn đối với ngành may mặc có thể còn kéo dài trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trên đà rơi vào suy thoái.
Theo bà Cù Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Phần lớn trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý, điều hành và trong các khâu sản xuất còn rất hạn chế. Để duy trì và phát triển trong điều kiện khó khăn như hiện nay buộc các doanh nghiệp phải mau chóng chuyển đổi số. Nếu không, doanh nghiệp sẽ bị đào thải, khó tiếp cận với các thị trường xuất khẩu.
Chuyển đổi số để thích ứng, phát triển
Thực tế hoạt động của ngành may mặc trong những năm vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để thích ứng với thách thức của thị trường. Điều này thể hiện rõ ở việc doanh nghiệp may mặc đã nỗ lực tìm nguyên, phụ liệu thay thế ở trong nước và các quốc gia khác ngoài Trung Quốc; đồng thời chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, xuất khẩu ngành dệt may không còn chỉ phụ thuộc vào những thị trường truyền thống như trước đây là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, mà bắt đầu chuyển dịch sang Nga, Mexico, nhiều nước tại EU và châu Phi... Bên cạnh đó, khi đối mặt với tình trạng đơn hàng bị sụt giảm, các doanh nghiệp đã sắp xếp lại giờ làm hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần để bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành cũng thích ứng rất nhanh khi chuyển dịch đầu tư vào công nghệ và tự động hóa để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Là một trong những doanh nghiệp đón đầu xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực may mặc, Công ty TNHH May Kim Bình, Cụm công nghiệp Kim Bình (thành phố Phủ Lý) đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Hiện nay, hầu hết các khâu sản xuất từ cắt vải, may vắt sổ, may đỉa quần, kiểm đếm hàng hóa cho đến việc chấm công, lương đều được điều khiển trên máy tính điện tử, giúp tăng năng suất, sản lượng lên 40% so với trước đây.
Bà Lê Thị Phương Linh, Quản đốc xưởng may Kim Bình, Công ty TNHH May Kim Bình cho biết: Trước đây, phần lớn các công đoạn trong quá trình sản xuất đều phải làm thủ công, nhất là việc phải cần đến nhiều người để căng vải cắt, dùng kéo để cắt chỉ may thừa trên sản phẩm, dùng tay điều chỉnh và dập từng con đỉa quần bằng máy may… vừa mất thời gian, vừa tốn nhiều công lao động mà sản phẩm không đồng đều. Quá trình tự động hóa, chuyển đổi số tại May Kim Bình đã và đang mang lại hiệu quả nhất định về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Năng suất được nâng lên giúp doanh nghiệp đáp ứng được tiến độ các đơn hàng có quy mô lớn với chất lượng bảo đảm. Từ đó, May Kim Bình tăng được uy tín trên thị trường. Đây là yếu tố tất yếu để doanh nghiệp ngành may tồn tại, phát triển trong điều kiện khó khăn, thách thức như hiện nay.
Việc áp dụng các phần mềm, đầu tư thiết bị máy móc tự động hóa vào quy trình sản xuất cũng đang giúp cho Công ty TNHH YIC Vina, Khu công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) cắt giảm được khoảng 30% chi phí nhân công, giảm trên 90% sản phẩm bị lỗi hoặc không giống nhau so với trước. Bởi, mỗi máy tự động trong từng khâu sản xuất hiện nay có thể thay thế cho 3-4 nhân công và một công nhân được đào tạo giám sát cho từ 3-5 máy cùng một lúc.
Ông Park Jeong Seok, Giám đốc điều hành công ty cho biết: Chuyển đổi số là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất, trong đó có doanh nghiệp ngành may mặc. Những năm qua, YIC Vina đã đầu tư hệ thống sử dụng phần mềm công nghệ để quản trị và ứng dụng cho toàn bộ dây chuyền sản xuất với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh các tiêu chí về năng suất, chất lượng sản phẩm, nhờ công nghệ số, việc phát hiện sản phẩm bị lỗi hay chấm công lao động, tính sản lượng hàng hóa làm ra của công nhân lao động hiện nay cũng rất chính xác, nhanh chóng và được thể hiện rõ qua từng ngày làm việc.
Nhìn thấy xu hướng, yêu cầu tất yếu phải sớm thực hiện chuyển đổi số là vậy, song không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng khi thực hiện. Các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh hầu hết là doanh nghiệp nhỏ nên quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư do giá thành các thiết bị tự động hóa còn khá cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp may mặc nói riêng hiện nay còn gặp khó trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Bên cạnh đó, trình độ lao động cũng chưa đáp ứng được công nghệ chuyển đổi số và các quy trình công nghệ cao, vì vậy doanh nghiệp phải tốn kinh phí để đào tạo. Từ thực tế đó, các doanh nghiệp trong ngành mong muốn nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính, giảm lãi suất ngân hàng để tạo thuận lợi hơn trong việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nhanh và phát triển bền vững.
Nguyễn Oanh