Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu cảng dùng chung cố định bằng bê tông

Xóa bỏ cầu cảng bằng phao nổi tự phát, xây dựng cầu cảng bê tông cố định dùng chung sẽ hạn chế được ô nhiễm môi trường ở khu vực phía Tây sông Đáy. Xác định rõ việc này, các doanh nghiệp được cấp phép xây dựng cầu cảng dùng chung cố định bằng bê tông đang triển khai thực hiện dự án.

Cầu cảng cố định của Công ty cổ phần Nam Hà mới được đưa vào hoạt động.

Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, vào thời gian cao điểm dọc tuyến sông Đáy có gần 70 cầu cảng tự phát bằng phao nổi tập trung ở các xã: Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Thủy, Thanh Hải, thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm); Thanh Sơn, Thi Sơn, Tượng Lĩnh, Tân Sơn, Liên Sơn (huyện Kim Bảng). Sự phát triển ồ ạt của cầu cảng tự phát đã gây ra hệ lụy ô nhiễm môi trường, làm cản trở dòng chảy của sông Đáy.

Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã quy hoạch xây dựng cảng dùng chung phục vụ nhu cầu bốc xếp, vận chuyển vật liệu xây dựng và trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Nguyên tắc quy hoạch và xây dựng cầu cảng tập trung phải bảo đảm các tiêu chí: trên sông Đáy, quy hoạch cảng phục vụ các loại xà lan, tàu thuyền dùng để chuyên chở vật liệu xây dựng, xi măng, xăng dầu, than. 

Không bố trí cảng gần vị trí CCN Kiện Khê để bảo đảm môi trường tại khu vực này. UBND tỉnh đã giao đất cho Công ty TNHH Sơn Hữu, Công ty cổ phần Nam Hà, Công ty TNHH Hữu Trí… xây dựng cầu cảng dùng chung ven sông Đáy, đồng thời chỉ đạo huyện Thanh Liêm phải nhanh chóng tháo dỡ tất cả các cầu cảng bằng phao nổi tự phát trái phép.

Đến thời điểm này, Công ty cổ phần Nam Hà đã xây dựng được 14 cầu cảng bằng bê tông; Công ty TNHH Sơn Hữu cũng đang xây dựng 5 vị trí cầu cảng tập trung, trong đó có 2 vị trí đã đi vào hoạt động; còn Công ty TNHH Hữu Trí đang triển khai xây dựng. 

Theo đánh giá của các doanh nghiệp khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, việc đưa cầu cảng dùng chung vào hoạt động bước đầu đã hạn chế được tình trạng gây ô nhiễm môi trường phía Tây sông Đáy.

Ông Trương Minh Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Hà cho biết: Đầu tư xây dựng cầu cảng dùng chung rất tốn kém, khoảng 5-7 tỷ đồng/cầu cảng, nếu như hạch toán chỉ để kinh doanh thu 5-7 nghìn đồng/m3 làm dịch vụ thì mất rất nhiều thời gian mới thu hồi được vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cầu cảng dùng chung, trước hết phục vụ chính doanh nghiệp sản xuất, sau đó mới làm dịch vụ cho các doanh nghiệp khác. Đến thời điểm này, Công ty cổ phần Nam Hà cơ bản xây dựng xong cầu cảng dùng chung cố định bằng bê tông và đã đưa vào sử dụng. 

Cầu cảng dùng chung của Công ty cổ phần Nam Hà có hệ thống mái vòm che, khi ô tô vào cảng đổ vật liệu xây dựng xuống thuyền lượng bụi phát tán ra ngoài sẽ hạn chế. Hiện tại công ty cũng đã thiết kế hệ thống vòm che xuống tận thành xà lan, bảo đảm hạn chế tối đa lượng bụi phát tán ra bên ngoài khi đổ đá xuống xà lan.

Cùng với Công ty cổ phần Nam Hà, Công ty TNHH Sơn Hữu cũng đang triển khai xây dựng cầu cảng tập trung và hệ thống kho bãi có diện tích khoảng 5 ha. Đến nay, doanh nghiệp đã hoàn thành được 2 cầu cảng cố định, đưa vào sử dụng và đang triển khai xây dựng ở một số vị trí khác. 

Anh Nguyễn Văn Hải, Công ty TNHH Sơn Hữu cho biết: Việc triển khai xây dựng cầu cảng tập trung phụ thuộc vào mùa nước và khâu thiết kế thi công. Bởi, thiết kế cầu cảng cố định bằng bê tông phải bảo đảm chiều cao cho tàu ra vào, song không ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy của sông Đáy. Khi thi công phải đợi vào mùa khô, sông Đáy cạn mới có mặt bằng xây dựng. Hiện, doanh nghiệp đã cho ép cọc toàn bộ những vị trí cầu cảng và đang cho thi công phần mặt cảng, phấn đấu trong năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa toàn bộ hệ thống cảng cứng vào hoạt động.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện nay tiến độ triển khai xây dựng cầu cảng cố định dùng chung của các doanh nghiệp còn chậm. Một số doanh nghiệp nhận đất song mới triển khai thiết kế mẫu cảng, kè bờ sông, chưa thi công cầu cảng, mặc dù cam kết đến hết năm 2018 sẽ hoàn thành. Việc xây dựng cảng dùng chung chậm trễ dẫn tới các doanh nghiệp phải xin thời gian gia hạn hoàn thành; đồng thời vẫn phải dùng cầu cảng phao nổi để trung chuyển vật liệu xây dựng từ đường bộ xuống đường thủy.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu cảng dùng chung, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền phải thường xuyên vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng cần có giải pháp chỉ đạo doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu cảng dùng chung. Tránh tình trạng có những doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian xây dựng cầu cảng dùng chung, để sử dụng cầu cảng phao nổi cho doanh nghiệp khác thuê kiếm lời. 

Trần Thoan

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy