Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm 

Chế biến thực phẩm hiện là một trong những nhóm ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và khai thác được tiềm năng thế mạnh ở địa phương. Xác định được tầm quan trọng này, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Nam đã mời gọi thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao sản lượng, giá trị của nông sản sau khi chế biến. 

Năm  2014, bà Trần Thị Thanh Thoan ở xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) xây dựng trang trại nuôi bò kiểu mẫu với diện tích 6 ha, trong đó có 1.500m2 chuồng trại, diện tích còn lại trồng cỏ. Trang trại có 100 con bò sữa, được chăn nuôi theo quy trình khép kín (gồm 5 không: không sử dụng cám công nghiệp, không sử dụng hoóc-môn tăng trưởng, thức ăn biến đổi gen; không tồn dư kháng sinh; không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác; không chất bảo quản, hương liệu). Khai thác hiệu quả nguồn sữa tươi từ trang trại bò, bà Thoan đã nghiên cứu chế biến thành công các loại sữa tươi cung cấp cho thị trường và từ đó Công ty cổ phần sữa Hà Nam (HANAMILK) đã được thành lập. Hiện tại, công ty đang cung cấp cho thị trường những sản phẩm sữa tươi thanh trùng, sữa chua, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm mang thương hiệu HANAMILK có mặt tại hơn 300 hệ thống các cửa hàng, siêu thị khắp các tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm 
Kiểm tra sản phẩm sữa chua nếp cẩm của Công ty cổ phần sữa Hà Nam trước khi xuất ra thị trường.

Bà Thoan chia sẻ: Qua tìm hiểu tôi thấy thị trường sữa rất đa dạng, sản phẩm phong phú, mẫu mã đẹp và có thương hiệu, nhưng mong muốn lớn nhất của khách hàng là có một nguồn sữa tươi tự nhiên, được kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu thức ăn và minh bạch về thông tin. Khách hàng muốn biết cốc sữa mà con mình đang uống được lấy từ đâu, kiểm soát thế nào để họ tự đưa ra quyết định lựa chọn. Việc đó không chỉ đơn giản chỉ nuôi một con bò khỏe mạnh, vắt sữa và đem đi bán là được mà phải tìm tòi nghiên cứu, đầu tư dây chuyền bảo quản, chế biến hiện đại. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, HANAMILK đã thu gom toàn bộ sữa bò của trang trại gia đình và thu mua một phần sữa của các trang trại để chế biến cung cấp cho thị trường. Với quy trình khép kín, từ sản xuất sữa nguyên liệu đến chế biến thành phẩm cung cấp cho thị trường, giá trị đem lại gấp 5 lần so với giá sữa bò chưa qua chế biến. Trung bình một năm HANAMILK đem lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 23 lao động. 

Cũng phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, Dự án tổ hợp chế biến thịt lợn của Tập đoàn Masan (KCN Đồng Văn IV) có nguồn vốn đầu tư lên tới 1.000 tỷ đồng. Mô hình nhà máy được chuyển giao công nghệ từ Đan Mạch, trong đó các thiết bị, dụng cụ vật liệu tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm trong quá trình sản xuất đều tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ. Nhà máy có công suất chế biến khoảng 1,4 triệu con lợn/năm, tương đương 140.000 tấn/năm, chuyên cung cấp sản phẩm thịt mát, ngon và an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Cuối năm 2020, Tập đoàn Masan lại tiếp tục thuê 16 ha đất xây dựng dây chuyền chế biến thực phẩm tại KCN Đồng Văn IV. Sau khi dây chuyền này hoàn thành, Tập đoàn Masan tạo ra một chuỗi khép kín trên địa bàn tỉnh từ thu mua lợn thịt, giết mổ, cung cấp thịt lợn mát, ngon, an toàn và chế biến các sản phẩm từ thịt lợn cung cấp cho người tiêu dùng. 

Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, UBND tỉnh đã mời gọi thu hút các doanh nghiệp chế biến thực phẩm mở rộng phát triển sản xuất trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm thuộc các nhóm ngành sữa, nước giải khát, bia, rau, củ, quả, bánh kẹo các loại, chế biến thịt lợn, thóc gạo… đã ký kết thu mua nông sản của nông dân, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành chế biến thực phẩm, để phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm bền vững, địa phương cần có sự đầu tư bài bản vào sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Giữa doanh nghiệp chế biến thực phẩm và hộ nông dân cần bảo đảm chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến sau thu hoạch; trong đó, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm có vai trò dẫn đầu, tạo nên mạng lưới sản xuất, chế biến thực phẩm chất lượng cao, không chỉ tiêu thụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phải nhanh chóng áp dụng công nghệ vào quản trị sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nhằm kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào sản xuất nông sản sạch, hướng tới thực hiện tốt việc gắn sản xuất với chế biến nông sản, cung ứng thực phẩm sạch ra thị trường. 

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy