kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Cơ hội đối với ngành dệt may từ Hiệp định EVFTA

Cơ hội đối với ngành dệt may từ Hiệp định EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hà Nam nói riêng; trong đó, dệt may là một trong những ngành được đánh giá sẽ được hưởng lợi nhiều từ EVFTA. 

Cơ hội đối với ngành dệt may từ Hiệp định EVFTA
Công ty cổ phần May Kinh Bắc, Cụm Công nghiệp Cầu Giát (thị xã Duy Tiên).

Chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hằng năm trên 250 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) đang là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Vì vậy, cơ hội để ngành dệt may Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đến từ Hiệp định EVFTA là rất có triển vọng, đặc biệt là trong bối cảnh ngành dệt may của Việt Nam đang gặp khó khăn lớn do liên tiếp chịu tác động “kép” từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh Covid-19.

Tại hội nghị trực tuyến “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU” diễn ra vào đầu tháng 8/2020, Bộ Công thương cũng đã phân tích rõ, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Thống kê của Bộ Công thương cũng cho thấy, đối với mặt hàng dệt may, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Những lợi thế này đang tạo nhiều hứng khởi cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may khi các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 của châu Âu đang phát huy tác dụng.

Hiện, những công ty dệt may có kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam như: Công ty TNHH Dệt Hà Nam (KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý); Công ty TNHH May Kim Bình (CCN Kim Bình, thành phố Phủ Lý), Công ty TNHH MTV Seyang   Corpotation, Công ty TNHH May Sao Việt (CCN Nhật Tân, Kim Bảng); Công ty cổ phần May Kinh Bắc (CCN Cầu Giát, thị xã Duy Tiên)… đang kỳ vọng EVFTA sẽ giúp họ sớm lấy lại được đà sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU trong thời gian tới để giảm bớt những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid - 19. Đơn cử như Công ty TNHH May Kim Bình, CCN Kim Bình, thành phố Phủ Lý, thị trường xuất khẩu chính của công ty là Mỹ. Theo đó, May Kim Bình đã bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh Covid-19. Phần lớn đơn hàng của công ty xuất đi Mỹ đã bị hủy trong những tháng đầu năm nên lượng hàng hóa xuất khẩu trong 8 tháng năm 2020 của May Kim Bình chưa đạt 50% so với mục tiêu đề ra. Vì vậy, EVFTA sẽ mở ra cơ hội để May Kim Bình mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Chia sẻ về kỳ vọng này, ông Sun Jian Jun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May Kim Bình cho biết: Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt bình quân trên 30 triệu USD/năm với phần lớn đơn hàng xuất đi Mỹ. May Kim Bình hiểu rõ, EU là thị trường tiềm năng đối với ngành dệt may nhưng có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ. Để khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này, May Kim Bình hướng tới việc sử dụng vải có xuất xứ từ các nước có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU để có thể tận dụng được lợi ích từ EVFTA.

Theo thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 245 doanh nghiệp ngành dệt may, tăng 36 doanh nghiệp so với năm 2017. Số liệu từ Chi cục Hải quan Hà Nam cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may có sự tăng trưởng khá qua từng năm. Nếu như năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt trên 331,7 triệu USD thì riêng 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 346 triệu USD với thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc, Nhật Bản... Con số này cho thấy, mặc dù bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid – 19 và hầu hết các doanh nghiệp không đạt mục tiêu đề ra nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn rất nỗ lực thực hiện đa dạng hóa sản phẩm may mặc, nhất là chuyển sang may mặt hàng khẩu trang và tìm kiếm thị trường mới để duy trì đà xuất khẩu. 

Bên cạnh những cơ hội từ EVFTA, việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA trong bối cảnh ngành thời trang châu Âu đang rơi vào khủng hoảng tài chính cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc. Ngoài ra, quy tắc về xuất xứ hàng hóa “từ vải trở đi” của EVFTA cũng là một thách thức nữa đối với ngành dệt may Việt Nam khi doanh nghiệp chưa có đủ vải chất lượng cao để sản xuất hàng xuất khẩu vào EU. Thế nhưng, EVFTA vẫn được đánh giá là sẽ mang lại những lợi ích dài hạn cho ngành dệt may sau khi EU xóa bỏ thuế quan kim ngạch xuất khẩu sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Những thách thức hiện tại chính là cơ hội để doanh nghiệp dệt may đổi mới, sáng tạo hơn, giao hàng nhanh hơn để đáp ứng tốt cả yêu cầu của những đơn hàng nhỏ, hướng tới lợi ích lâu dài và bền vững.
Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng tận dụng tốt những lợi ích từ EVFTA và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU tiềm năng, thời gian qua, Sở Công thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh, trong đó có doanh nghiệp ngành dệt may tham gia các hội nghị trực tuyến về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA do Bộ Công thương tổ chức; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về thách thức, cơ hội của EVFTA đối với các nhóm ngành hàng…

Trong thời gian tới, Sở Công thương và các sở, ngành liên quan sẽ tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, về EVFTA nói riêng, giúp doanh nghiệp nắm bắt thêm thông tin để có kế hoạch sản xuất phù hợp đối với từng dòng sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp; hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… phù hợp với chuẩn mực quốc tế và yêu cầu khắt khe của thị trường EU.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy