Sau hơn 4 tháng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid - 19, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh. Để “tiếp sức” kịp thời cho các doanh nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết những vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phục hồi, mở rộng sản xuất.
Đối tác hạn chế nhập hàng, cước vận chuyển tăng cao, việc thuê công-ten-nơ gặp nhiều khó khăn... đó là tình trạng sản xuất của Công ty TNHH SAVINA Hà Nam ở xã Thanh Sơn (Kim Bảng) trong quý III và quý IV năm 2021. Bước sang năm 2022, tín hiệu vui cho doanh nghiệp khi các nước từng bước thích ứng an toàn với dịch bệnh, việc xuất khẩu hàng hóa cũng thuận lợi hơn và công suất lò vôi của doanh nghiệp đã từng bước điều chỉnh tăng theo tháng.
Ông Ngô Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH SAVINA Hà Nam cho biết: Công ty chuyên sản xuất vôi xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Khi dịch bệnh bùng phát đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất của doanh nghiệp. Nếu như cuối năm 2021 công ty phải giảm sản lượng tới 70%, 30% còn lại sản xuất ra tiêu thụ cũng rất chậm. Thì hiện tại sản phẩm vôi của doanh nghiệp sản xuất ra đạt 50 – 60% công suất lò và đang xuất khẩu đi một số nước châu Á rất thuận lợi. Qua đó cho thấy, sản xuất công nghiệp bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay việc thuê công-ten-nơ xuất hàng nhanh chóng, không bị ách tắc và chờ đợi như trước đây. Thời gian tới, các nước trên thế giới khống chế được dịch bệnh, giao thương kết nối trở lại bình thường, hàng hóa tiếp tục xuất khẩu được, sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng như Công ty TNHH SAVINA Hà Nam, Công ty TNHH Minh Hiếu ở xã Nguyên Lý (huyện Lý Nhân) chuyên sản xuất gạch nung cũng đã nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Khi dịch bệnh bùng phát, kinh tế khó khăn, người dân cũng hạn chế xây dựng nhà ở dẫn tới gạch nung của doanh nghiệp sản xuất ra khó tiêu thụ, sản phẩm làm ra tồn bãi nhiều. Cả năm 2021, doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất một lò nung với công suất đạt khoảng hơn 10 triệu viên/tháng, trong đó sản phẩm gạch tồn bãi rất nhiều. Bước sang năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng đã ấm dần, nhu cầu xây dựng của người dân tăng cao, công ty đã cho đốt 2 lò với công suất đạt khoảng 20 triệu viên/tháng. Đặc biệt, đầu năm sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, bảo đảm duy trì việc làm ổn định cho hàng chục công nhân lao động.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn nhất vẫn là các ngành kinh doanh du lịch lữ hành, khách sạn, vận tải hành khách, xuất nhập khẩu hàng hóa, dệt may. Tuy nhiên, trong 3 tháng trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tại các KCN trong quý I, có khoảng hơn 400 doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, trong đó có hàng chục doanh nghiệp năm 2021 tạm ngừng hoạt động hoặc thu gọn sản xuất đến nay đã sản xuất trở lại. Các sản phẩm trong KCN như xe máy, điện điện tử, thức ăn chăn nuôi, sợi, sữa... vẫn duy trì sản xuất tương đối ổn định và có chiều hướng gia tăng. Đối với các doanh nghiệp ngoài KCN cũng đang phục hồi sản xuất tích cực. Nhóm phục hồi mạnh nhất vẫn là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại, sản xuất đồ tiêu dùng và một số mặt hàng vật liệu xây dựng.
Để có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, các ngành chức năng trong tỉnh cũng đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể từ khi có dịch đến hết tháng 1/2022, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 526 khách hàng với số vốn dư nợ 2.201 tỷ đồng; miễn giảm lãi hơn 123 tỷ đồng cho 2.981 khách hàng. Doanh số lũy kế các ngân hàng cho 11.806 khách hàng vay từ 23/01/2020 đến hết tháng 1/2022 đạt hơn 38.430 tỷ đồng.
Ngoài các giải pháp trên, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành nắm bắt kịp thời những khó khăn của từng nhóm doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND tỉnh tập trung giải quyết. Trước hết, các ngành đã rà soát lại thủ tục hành chính, tham mưu cho cấp trên cắt giảm những thủ tục rườm rà, chồng chéo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Các sở, ngành công khai minh bạch, cập nhật các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Chi cục Hải quan Hà Nam đã vào cuộc hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa. Cục Thuế tỉnh nhanh chóng triển khai các thủ tục hỗ trợ miễn giảm, gia hạn các loại thuế phí cho doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước. Các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng các KCN đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng theo đúng cam kết để phục vụ các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các ngành nghề mới, đặc biệt là phát triển những ngành nghề phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Hà Nam, trong đó ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, có công nghệ sản xuất hiện đại, đóng góp ngân sách lớn. Đồng thời tỉnh luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt là kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh, góp phần cùng với các doanh nghiệp từng bước ổn định lại sản xuất sau đại dịch.
Trần Hữu