Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu rộng lớn. Đây được coi là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới toàn diện, chất lượng cao với mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết. Thời gian này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang quan tâm nghiên cứu để hướng tới xuất khẩu các mặt hàng vào các nước châu Âu.
Thị trường Liên minh châu Âu (EU) bao gồm 27 quốc gia, dân số 450 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỷ USD cho thấy sự rộng lớn và sức hấp dẫn với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu sang thị trường này. Hiện, thị trường các nước thuộc EU - thành viên của EVFTA là những thị trường xuất, nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU 41,7 tỷ USD, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Những nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, như: điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử; nhóm nông lâm thủy sản; dệt may, giày dép; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… đều xuất hiện ở các nước thành viên EU. Tỉnh Hà Nam đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU, như: hàng điện tử, quần áo, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ là cơ hội để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trong tỉnh phát triển và nâng cao được giá trị xuất khẩu.
Ông Khuất Duy Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Hội Vũ cho hay: EVFTA có hiệu lực sẽ là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Bởi thực tế đây là một thị trường tiềm năng với việc nhập khẩu đa dạng các sản phẩm công, nông nghiệp. Tuy nhiên, EU cũng đòi hỏi rất khắt khe, nếu doanh nghiệp nào đáp ứng được sẽ rất thành công. Đơn cử, Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Hội Vũ có rất nhiều bạn hàng ở các nước EU, song hiện tại đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số nước thành viên EU đòi hỏi nông sản dưa bao tử, cà chua muối xuất khẩu, khâu sản xuất phải đạt tiêu chuẩn VietGap, trong khi đó sản xuất ở các HTXDVNN và hộ nông dân lại không đáp ứng yêu cầu (như còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình chăm sóc cây trồng không đạt tiêu chuẩn…) nên doanh nghiệp không dám ký hợp đồng. Hiện tại, một năm công ty chế biến và xuất khẩu khoảng 1.000 tấn dưa chuột, cà chua, chủ yếu xuất sang Nga. Về lâu dài, để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường EU đòi hỏi Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ bà con sản xuất nông sản xuất khẩu, trong đó hướng tới mở rộng mô hình sản xuất nông sản sạch và doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm, chế biến xuất khẩu.
Ngoài mặt hàng nông sản, hiện ở tỉnh ta cũng có nhiều doanh nghiệp có hàng xuất khẩu có thể mở rộng vào thị trường EU, như: hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo, linh kiện điện tử, túi sách thân thiện môi trường, đồ gỗ. Nổi bật là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN), trong mấy năm qua giá trị xuất khẩu năm sau đều cao hơn năm trước. Nếu như năm 2017, giá trị xuất khẩu trong các KCN mới chỉ đạt 1.642 triệu USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (1.748,7 triệu USD), thì đến năm 2019 đạt hơn 2,2 tỷ USD. Các mặt hàng chủ lực trong các KCN xuất khẩu, như: điện, điện tử; linh kiện xe hơi; dệt may; sản phẩm từ nhựa, trong đó có nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường EU. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ là điều kiện cho nhiều doanh nghiệp trong các KCN tận dụng tối đa cơ hội từ giảm thuế mang lại. Tuy nhiên, muốn vào được thị trường EU, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng chuẩn EU, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ và cập nhật chính sách mặt hàng, tìm hiểu rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng thành viên EU… để tránh những rủi ro trong quá trình giao thương hàng hóa.
Ngoài xuất khẩu, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu hàng hóa từ các thành viên EU. Cụ thể, năm 2019, nước ta nhập khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Iceland với tổng trị giá đến gần 2,3 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng, như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dược phẩm; hàng tiêu dùng, ô tô nguyên chiếc và các mặt hàng thực phẩm: trứng, sữa, mật ong, thịt gà, thịt bò, rau củ xứ lạnh… từ các nước thành viên EU. Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt nam sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất...
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, EVFTA có hiệu lực sẽ cơ cấu lại các mặt hàng xuất nhập khẩu, đầu tư, giúp Việt Nam tạo thế chủ động về thị trường và chuỗi cung ứng đa dạng, giảm rủi ro về gián đoạn trong thương mại và chuỗi cung ứng do thay đổi các mối quan hệ thương mại, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 lan rộng trên toàn cầu, làm chao đảo hầu hết các nền kinh tế thì việc ký kết EVFTA đi vào thực thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Để hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự đến được và trụ vững trên thị trường châu Âu thì ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, yếu tố quyết định chính yếu vẫn là nỗ lực phấn đấu của bản thân mỗi doanh nghiệp. Đây là một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức khi EVFTA chính thức có hiệu lực.
EU là thị trường hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia EU mới tận dụng được thời cơ của EVFTA. Bên cạnh những cơ hội, EVFTA cũng đặt các doanh nghiệp trong nước trước hàng loạt thách thức. Đó là việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật...
Trần Thoan