kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng, chống. Trong đó, công nghệ thông tin (CNTT) đang trở thành công cụ đóng vai trò quan trọng. Để hiểu rõ hơn việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết việc ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua?

Ông Nguyễn Duy Tuấn: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh triển khai ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 4 cơ sở cách ly tập trung (Trung đoàn 151- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở Hà Nam) để phòng, chống dịch Covid-19. 

Ngành đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Tổ công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam. Đẩy mạnh triển khai việc quét mã QR Code để quản lý thông tin người ra vào các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai việc khai báo y tế điện tử, quét mã QR Code tại các chốt kiểm dịch. Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan triển khai sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19, nhất là 03 nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung đang được triển khai trên toàn quốc (nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR Code; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19).

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid19
Cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông quét mã QR Code khi đến cơ quan làm việc.

Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh về việc đề nghị người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên điện thoại thông minh hoặc truy cập vào Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 để đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế điện tử, theo dõi thông tin về chứng nhận tiêm vắc- xin Covid-19 và cập nhật sự cố, phản ứng bất lợi sau tiêm chủng vắc-xin. Các doanh nghiệp viễn thông thực hiện gửi tin nhắn SMS về khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng tới tất cả các số thuê bao điện thoại di dộng trên địa bàn tỉnh do đơn vị quản lý. 

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính giúp giảm thiểu thời gian đi lại, hạn chế tiếp xúc của người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã. Các trường học, cơ sở giáo dục đã triển khai hình thức dạy và học trực tuyến qua mạng internet trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. 

Tính đến ngày 09/9/2021, toàn tỉnh có 483.794 người dùng điện thoại thông minh, trong đó có 162.745 người cài đặt ứng dụng Bluezone đạt tỷ lệ 19,08% dân số của tỉnh, xếp thứ 32 toàn quốc; 18.260 thuê bao điện thoại đã cài đặt ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”; 38.222 lượt người đăng ký tiêm chủng thông qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Có 80.663/90.924 tổng số mũi tiêm thực tế đã được cập nhật trên nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia (đạt 88,71%).

Hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp, các chốt kiểm soát ra vào tỉnh đã triển khai quét mã QR Code để kiểm soát người ra vào cơ quan, chốt kiểm soát, khai báo y tế điện tử.

P.V: Trong quá trình triển khai thực hiện còn những khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Tuấn: Việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hộ (Facebook, Zalo) về tình hình dịch Covid-19 còn gặp nhiều khó khăn do nhân lực của sở có hạn. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Công an tỉnh xử lý vi phạm hành chính đối với 10 cá nhân lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính của các vụ việc là 65 triệu đồng.

Một vấn đề nữa, tỷ lệ người dân cài đặt các ứng dụng (Bluezone, Ncovi, Sosuckhoedientu...) để khai báo y tế điện tử, đăng ký tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 chưa cao so với yêu cầu. Điều này xuất phát một phần từ nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân về ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, người dân ở vùng nông thôn, người nghèo chưa có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh để cài đặt các ứng dụng này. Đây chính là những hạn chế để phát huy tối đa hiệu quả của CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19. 

P.V: Để việc ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Tuấn: Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai các hệ thống: Phản ánh kiến nghị và Tổng đài 1022 để hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; tổng đài thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) Cyberbot. Các hệ thống này sẽ giúp nâng cao năng lực tiếp nhận, giải đáp thắc mắc, kiến nghị, phản ánh của người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp và người dân sử dụng các nền tảng công nghệ để khai báo y tế điện tử, đăng ký tiêm chủng vắc - xin phòng Covid-19; quét mã QR Code để kiểm soát người ra vào các cơ quan, chốt kiểm soát. Phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ liên quan để triển khai các giải pháp công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác rà soát thông tin trên mạng để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để giải quyết thủ tục hành chính.

Tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam; đề nghị các cơ quan tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy