Những món ngon từ "thịt rồng"

Đây là "thịt rồng" từ thực vật, tức quả của dây đậu rồng lúc lỉu trên cành. Đậu rồng thuộc họ đậu, còn có tên khác là đậu khế, đậu vuông, hay đậu cánh (winged bean), tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus. Cây đậu rồng có thân leo như các loại dây nho, cao trung bình khoảng 3-4m và sống lâu năm, trái thuộc dạng quả đậu nhưng có rìa tạo thành 4 cánh mép dợn sóng, trong chứa nhiều hạt to. Nhà nông trồng đậu rồng để lấy trái ăn như các loại rau xanh khác. Ngày nay người ta cho lai nhiều giống như màu vàng, trắng, tím, khi ăn sống có mùi thơm nhẹ. Loại quả này được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á như Ấn Độ, Burma, Sri Lanka, Thái lan, Philippines và Indonesia... Ở nước ta đậu rồng được trồng nhiều tại các tỉnh phía Nam. Đậu rồng là món ăn hàng ngày của người Phillipines, họ gọi là "Sigarilyas".

Giá trị dinh dưỡng cao

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, 100 gram đậu rồng chứa 29,65g protein (gần bằng với lượng protein có trong đậu nành), 41,7g carbohydrate, 25,9g chất xơ, 409 kcal. Các loại vitamin như vitamin A, B, C và chất chống oxy hóa. Rất nhiều khoáng chất có lợi như canxi, sắt, mangan, kali, magie, natri, photpho, kẽm, folate,... Phần củ của đậu rồng vị ngọt, chứa nhiều đường và tinh bột, lượng protid còn cao hơn khoai lang và khoai tây. Lá cây cung cấp nhiều vitamin C và vitamin A đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của con người. Tương tự như đậu nành, đậu rồng là lựa chọn hoàn hảo thay thế cho đạm động vật. Ngoài ra đậu rồng rất tốt cho người bị cao huyết áp, tiểu đường, mắc bệnh về tim mạch, giảm cân, táo bón, hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn, làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường miễn dịch, tốt cho sức khỏe thai phụ...

Những món ngon từ thịt rồng
Những món ngon từ thịt rồng
Hình minh họa: Quả và hạt đậu rồng do tác giả chụp.

 Món xào và ăn sống

Hoa và lá non của đậu rồng được dùng làm món xà lách hoặc rau ghém. Trong khi trái non có thể kết hợp với thực phẩm khác để tạo ra những món xào thơm lừng hay bát canh chua nóng hổi. Nhưng dù chế biến món gì đi chăng nữa thì đậu rồng ăn sống vẫn là ngon nhất. Nó vừa nhanh lại không mất đi hương vị vốn có. Chỉ cần bước ra vườn, hái một ít quả mang vào rửa sơ rồi ăn kèm với cơm là quá tuyệt vời. Đậu rồng giòn sật sật, vị ngọt nhẹ, thơm phớt, nhai rất đã răng. Ngoài ra hạt đậu rồng khô có thể làm giá đỗ, rau mầm rất bổ dưỡng và ngon miệng. Riêng hạt đậu rồng già ăn rất bùi thơm như hạt đậu gián.

Nấu chè và làm xôi

Người ta thường làm xôi đậu đen, đậu xanh, xôi lạc, xôi gấc,... còn xôi đậu rồng thì nghe hơi lạ tai. Nhưng hãy làm thử một lần cũng ngon lắm đấy. Quả đậu rồng sau khi già khô, tước vỏ lấy hạt, đem phơi vài nắng.  Vẫn công thức làm xôi y hệt nhưng không giống như các loại xôi nói trên, xôi đậu rồng có vị rất khó diễn tả. Mùi của hạt đậu rồng hữu cơ quyện với mùi gạo nếp tạo nên một hương thơm rất lạ: hơi hăng nhẹ nhưng ăn rất bùi béo, dẻo ngọt. Xôi có màu vàng đậm, hoặc cánh gián cũng trông rất bắt mắt. Riêng cách nấu chè (cũng như các loại chè đậu khác), phải ngâm hạt đậu rồng lâu hơn vì nó khá to và cứng.

Hạt đậu rồng chữa đau dạ dày

Theo Nam dược, hạt đậu rồng có thể chữa đau dạ dày an toàn. Đem 15 – 20 hạt đậu rồng rang cho vàng rồi để nguội. Mỗi lần sử dụng, người bệnh chỉ cần lấy một vài hạt đậu rồng để nhai cho nhuyễn rồi nuốt trôi cùng với một ít nước. Dùng hạt trước mỗi bữa ăn khoảng 20 – 30 phút và mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần.

Hoặc có thể rang hạt đậu rồng cho vàng cùng với một ít muối ăn. Khi hạt đã ngả sang màu vàng óng, tắt bếp và để cho nguội. Đem hạt đậu rồng xay nhuyễn thành bột mịn rồi cất trữ trong hũ thủy tinh có nắp để sử dụng dần. Lưu ý, bạn nên bảo quản loại bột này ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Mỗi lần sử dụng 1 muỗng cà phê bột hạt đậu rồng để nhai và nuốt, hoặc hòa cùng với một ít nước ấm để dùng (có thể pha cùng với mật ong nguyên chất). Dùng nó vào mỗi buổi sáng trước khi ăn. Các triệu chứng của bệnh đau dạ dày dần được đẩy lùi nếu người bệnh thực hiện đều đặn mỗi ngày cho đến khi dứt hẳn, không được ngắt quãng.

Đặng Văn Trung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy