Để tưởng nhớ những người phụ nữ đã qua đời vì nạn bạo lực gia đình, một nghệ sĩ kiêm nhà thiết kế đồ họa đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mà ai cũng khó lòng bỏ qua.
Vahit chọn truyền bá thông điệp trên bức tường có diện tích khoảng 260 mét vuông
Nghệ sĩ có tên Vahit Tuna đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Anh đã gắn tổng cộng 440 đôi giày cao gót lên bức tường xung quanh 2 tòa nhà thuộc trung tâm thủ đô Instanbul. Mỗi đôi lại tượng cho cho một người phụ nữ bị chồng bạo hành dẫn tới qua đời vào năm 2018.
Tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng và ám ảnh này được tạo ra nhằm thu hút sự chú ý của công chúng về vấn đề lạm dụng trong gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ, một vấn đề thường xuyên bị che giấu. Hai tòa nhà san sát nhau cũng mang đầy ý nghĩa biểu tượng khi một tòa nhà thuộc khu Kabatas của Instanbul trong khi một tòa nhà lại thuộc quận Beyoglu.
Thay vì để tác phẩm của mình được trưng bày bên trong tòa nhà, Vahit lại chọn cách khác biệt. Anh muốn thu hút sự chú ý của những nhà nghệ thuật và cả người đi đường, những người vô tình lướt qua.
“Chúng tôi muốn tất cả mọi người qua đường đều có thể xem và chiêm ngưỡng. Đây là lý do tại sao chúng tôi không muốn tổ chức triển lãm trong một khu vực kín.
Điều mà dự án này làm là nâng cao nhận thức về những vụ giết hại phụ nữ do bạo hành và cụ thể hóa vấn đề này, giống như một tác phẩm điêu khắc hay tượng đài. Những đôi giày sẽ tiếp tục được trưng bày ở đó trong vòng 6 tháng tới”, Vahit chia sẻ với giới truyền thông.
Khán giả của tác phẩm là tất cả những người đi qua khu vực này
Ở một số vùng thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, người ta thường để giày của người qua đời bên ngoài bức tường nhà họ. Với ý tưởng tương tự, Vahit đã chọn 440 đôi giày cao gót màu đen, vì hình dáng ấn tượng của chúng cũng như những gì chúng biểu tượng.
Nghệ sĩ giải thích với truyền thông rằng giày cao gót là một dấu hiệu của sự độc lập và thách thức, pha trộn giữa sức mạnh nữ tính và quyền lực. Vahit cho rằng những người phụ nữ đã chết đều không có cơ hội sống một cuộc đời tự lập.
Số lượng phụ nữ bị giết hại hàng năm ở Thổ Nhĩ Kỳ đang có xu hướng tăng lên trong những năm qua. Trong năm 2017 đã có 409 phụ nữ bị chồng giết hại và đến năm 2018, con số này đã tăng lên đến 440 người.
Theo Dân trí
Trương Dũng