Thiếu tá Trần Kiến Quốc “Mỗi khi tháng Tám về trong lòng tôi lại dâng trào cảm xúc rất đặc biệt”

Là một trong số những người góp phần vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội, Thiếu tướng Trần Tử Bình (quê ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) được nhắc đến rất nhiều trong các bộ phim về Cách mạng Tháng Tám. Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Thiếu tá Trần Kiến Quốc (con trai nhà cách mạng Trần Tử Bình) về vai trò của Thiếu tướng Trần Tử Bình và những nhà cách mạng ở Ủy ban Khởi nghĩa, Xứ ủy Bắc Kỳ trong thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

P.V: Thưa Thiếu tá Trần Kiến Quốc, cách đây gần chục năm, VTV có phát sóng bộ phim tài liệu nhiều tập về Cách mạng Tháng Tám, ông là một trong hai người tham gia dẫn chuyện trong phim. Lý do nào để ông làm việc này khi đó không phải là nghề chính của mình?

Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Tôi nhớ, khoảng tháng 8 năm 2014, anh Hoàng Quang Vinh, bạn học với em tôi, đang sống ở Phan Thiết về Thành phố Hồ Chí Minh, anh em gặp nhau, ngồi nói chuyện về Hà Nội, nhớ về Hà Nội. Vinh nói: “Này, anh Quốc ơi, anh nắm được nhiều tư liệu về Cách mạng Tháng Tám, lại quen nhiều các cụ trong Ủy ban Khởi nghĩa, nên chăng chúng ta làm một bộ phim về Cách mạng Tháng Tám, để tặng nhân dân Hà Nội nhân dịp Kỷ niệm 70 năm  Cách mạng Tháng Tám ở Hà  Nội?”. Tôi thấy đây là ý tưởng hay và đồng ý rủ anh em trong nhà cùng tham gia. Hoàng Vinh nói chơi thân với đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, công tác ở Hãng phim Tài liệu Thời sự Trung ương. Anh ấy sẽ làm đạo diễn phim này, còn Hoàng Vinh viết kịch bản văn học.

Tôi nói rằng, nếu phim được phát trên truyền hình, ý nghĩa của nó lớn lắm, bởi vì, thời điểm này các nhân chứng lịch sử tham gia cuộc khởi nghĩa còn rất ít, một số vấn đề lịch sử chúng ta chưa khai thác hết, lần này nếu có thể sẽ làm sáng tỏ thêm giá trị của nó. Đó chính là lực lượng nòng cốt tham gia cuộc Cách mạng Tháng Tám khi đó chủ yếu là thanh niên, trí thức, học sinh của Hà Nội. Người trong ban lãnh đạo khởi nghĩa lúc ấy lớn tuổi nhất là cụ Trần Đình Long, 41 tuổi, sau đến ông cụ nhà tôi ngoài 30 tuổi; còn lại cụ Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy và cụ Lê Trọng Nghĩa, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ lúc đó mới 23 tuổi; cụ Lê Đức Vân, Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên Cách mạng Thành Hoàng Diệu mới 17 tuổi…

Từ trước tới nay, có nhiều bộ phim tài liệu, phim điện ảnh nói về cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khai thác rất sâu về vai trò của quần chúng, của tập thể, nhưng ít nói đến vai trò cá nhân. Vì thế, ở bộ phim này, chúng tôi còn muốn khắc họa sâu hơn vai trò các cá nhân Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngay sau đó, tôi bay ra Hà Nội gặp các nhân chứng lịch sử, đó là thời gian quý giá của chúng tôi khi làm phim này… Tên  phim là “Những người làm Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội”, dài 6 tập.

Thiếu tá Trần Kiến Quốc “Mỗi khi tháng Tám về trong lòng tôi lại dâng trào cảm xúc rất đặc biệt”
Thiếu tá Trần Kiến Quốc dẫn chuyện trong bộ phim tài liệu "Những người làm Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội".

P.V: Thật may mắn là khi ấy những nhân chứng lịch sử còn sống. Khi  gặp họ, trò chuyện với họ, ông có cảm giác đặc biệt gì?

Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Khi ra Hà Nội làm phim, gặp gỡ các chú, các bác, một cảm giác khó tả nhất chính là tình cảm của các chú, các bác dành cho tôi và đoàn làm phim thật chân thật, giản dị, nghĩa tình không thể nói hết. Cha tôi mất sớm nhưng bạn bè của cha tôi vẫn còn sống, coi chúng tôi như con cháu trong nhà. Cho nên, có những câu chuyện chỉ chúng tôi mới hỏi được các cụ cặn kẽ và biết được chân thực đến như thế!

P.V: Qua lời của các nhân chứng lịch sử, rõ ràng Xứ ủy Bắc Kỳ có vai trò rất to lớn trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đúng không, thưa ông?

Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Tất nhiên là như vậy! Khi chúng tôi gặp được cụ Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, khi đó cụ 99 tuổi, vẫn nhớ và nói về bối cảnh lúc bấy giờ. Tuy không trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, nhưng Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Văn Trân là người chỉ đạo cấp cao nhất ở Bắc Kỳ để có cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ông cụ nói, trước khi đi Tân Trào, Tuyên Quang dự họp Hội nghị Quốc dân vào hai ngày 16 và 17 tháng 8, cụ giao cho ông Nguyễn Khang và cha tôi đều là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ khi thấy thời cơ chín muồi, phải chớp thời cơ cho Hà Nội khởi nghĩa. “Các anh phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân tộc!”. - Cụ kể “Sau Hội nghị Trung ương, đang từ Việt Bắc về thì ở Hà Nội đã làm khởi nghĩa rồi”.

Tôi biết, các nhà cách mạng ở Hà Nội khi đó bằng linh cảm đã nhận định rất cụ thể thời cơ đang đến rất gần. Khi nghe tin Nhật đầu hàng, chấp nhận giải giáp vũ khí, cha tôi lập tức triệu tập các xứ ủy viên về họp Hội nghị Xứ ủy hai ngày ở làng Vạn Phúc, bàn bạc, trao đổi và đi đến quyết định quan trọng phải khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ. Trong tay Xứ ủy đã có Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, nhưng lại chưa có Nghị quyết Hội nghị Quốc dân ở Tân Trào, kể cả Quân lệnh số 1 đêm hôm 13/8 vẫn chưa về đến nơi. Vậy mà, ngày 14 và 15 tháng 8, những nhà cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ đã ra Thông cáo của Kỳ bộ Việt Minh chỉ thị cho các địa phương có điều kiện thì cứ nổi dậy và ra Quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, tức là Ủy ban Khởi nghĩa.Thiếu tá Trần Kiến Quốc “Mỗi khi tháng Tám về trong lòng tôi lại dâng trào cảm xúc rất đặc biệt”

Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định khởi nghĩa vào 11h ngày 19/8 để làm chỗ dựa cho các tỉnh ủy khác giành chính quyền. Cha tôi có kể lại, nếu để chờ có Chỉ thị mà thời cơ qua đi thì chúng ta có tội với Đảng, có tội với nhân dân. Thời cơ lúc đó chỉ có 5 ngày từ 17 tháng 8 đến 21 tháng 8 là thời gian Nhật ngừng bắn.

P.V: Ông là con thứ 4 của Thiếu tướng Trần Tử Bình. Khi Thiếu tướng còn sống, các con có nhiều thời gian gần gũi cha không? Nghe những cái tên của anh em ông, có một điều gì đó rất đặc biệt…

Thiếu tá Trần Kiến Quốc “Mỗi khi tháng Tám về trong lòng tôi lại dâng trào cảm xúc rất đặc biệt”
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung). Ảnh: blog của Thiếu tá Trần Kiến Quốc.

Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Năm 1939, mẹ tôi thoát ly từ Thái Bình sang làm giao liên cho Xứ ủy với Liên khu C mà cha tôi làm Bí thư. Mẹ tôi là đồng chí của cha tôi, bà đã có tình cảm với cha tôi nhưng giấu kín trong lòng. Cuối năm 1943, khi cha tôi bị mật thám Pháp bắt, tống giam vào nhà pha Hỏa Lò. Sau khi vượt ngục thành công cùng gần 150 tù chính trị Hỏa Lò vào tháng 3 năm 1945,  cha mẹ tôi gặp lại nhau, rồi được tổ chức “tác hợp” cho xây dựng gia đình. Khi sinh chúng tôi, họ đã suy nghĩ rất nhiều, không giống những người khác là đặt tên con sao cho dễ nuôi, sau này thành đạt hoặc là khá giả… Họ nghĩ, đặt tên nào phải gắn với sự kiện đất nước.

Thí dụ như chị Trần Yên Hồng, chị cả! Sau khi khởi nghĩa thành công, tháng 11 sinh chị, được đặt tên Yên Hồng với hàm ý “cờ hồng bay trên đất Hưng Yên”, vì mẹ tôi tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở đó. Còn  anh thứ 2 sinh sau ngày 19/12/1946 nên đặt tên là Kháng Chiến. Anh thứ 3 sinh đầu năm 1950, lúc đó ta đang chuẩn bị cho Chiến dịch Biên Giới, hy vọng chiến dịch thắng lợi nên đặt tên Thắng Lợi. Còn tôi, sinh sau Đại hội Đảng lần thứ II, Bác Hồ bảo “Kháng chiến rồi phải chuẩn bị kiến quốc” thế là ông bà tôi đặt tên tôi là Kiến Quốc. Em tôi được sinh ra sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ nên tên là Thành Công. Trong kháng chiến chống Pháp, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc mà Trường Lục quân Việt Nam được sang đóng trên đất này, có điều kiện an toàn để đào tạo 1 vạn cán bộ chỉ huy, góp phần làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ và các mặt trận nên người em thứ 6 có tên là Hữu Nghị. Những em sau này là Hạnh Phúc, Việt Trung… đều được đặt tên gắn với những suy nghĩ rất riêng của cha mẹ tôi.

P.V: Điều ông nhớ nhất về Thiếu tướng Trần Tử Bình là gì?

Thiếu tá Trần Kiến Quốc “Mỗi khi tháng Tám về trong lòng tôi lại dâng trào cảm xúc rất đặc biệt”
Chân dung Thiếu tướng Trần Tử Bình trong cuốn sách Từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu Hà Nội.

Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Do lịch sử, chúng tôi được sinh ra trong những năm tháng khó khăn của đất nước, cha mẹ lại là những người tham gia cách mạng. Cơ hội để chúng tôi ở cạnh cha như những gia đình khác là hiếm hoi. Ngay cả khi cha tôi mất, Tết năm 1967, ba anh em tôi đang sơ tán xa nhà, không có mặt. Nhưng đó lại là khoảnh khắc làm cho tôi nhớ mãi về cha mình.

Đầu năm 1967, tôi cùng anh Thắng Lợi và em Thành Công theo Trường Thiếu Sinh quân Nguyễn Văn Trỗi sơ tán sang Quế Lâm (Trung Quốc). Tháng 1 năm ấy, nghe tin cha tôi sẽ từ Bắc Kinh xuống Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam – 3 tỉnh có biên giới với Việt Nam. Mừng lắm, vì lâu ngày cha con chưa gặp nhau. Nhưng tới Côn Minh (Vân Nam), ông được điện khẩn gọi về nước dự Hội nghị Trung ương. Lúc này, Mỹ đang tiến hành “chiến tranh cục bộ”, còn ta phải khẩn trương mở các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Có lẽ do phải bàn bạc nhiều, căng thẳng cùng căn bệnh huyết áp mãn tính mà một buổi trưa về nghỉ, ông bị cảm nặng, huyết áp tăng đột ngột, phải cấp cứu vào Bệnh viện Việt Xô. Sau mấy ngày điều trị, thấy sức khỏe có khá lên.

Chiều 30 Tết, mẹ và em Hạnh Phúc đang ngồi trò chuyện với cha thì thấy cửa phòng bệnh mở, Bác Hồ bước vào. Bác vui vẻ nói: “Tết năm nay, đồng chí Chu Ân Lai gửi ít lê, táo sang làm quà cho Bác. Bác mang mấy quả cho chú bồi dưỡng. Vậy chú là bệnh nhân đặc biệt được Đảng và nhân dân hai nước Việt – Trung quan tâm đấy. Phải cố gắng điều trị để sớm về làm việc. Lúc này cách mạng rất cần đến chú!”. Thấy cha tôi phấn chấn hẳn lên. Vậy mà chỉ ba ngày sau, đúng sáng mồng 3 Tết, ông vĩnh viễn ra đi.

Sáng hôm đó, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin buồn, bác Quỳnh - Chính ủy nhà trường cho gọi ba anh em lên chia buồn. Rồi, chúng tôi kéo ra sân vận động, ôm lấy nhau khóc trong cái giá lạnh. Những tưởng được đón cha khi xuống các tỉnh phía nam, có cơ hội gặp cha, ai dè sẽ chả còn bao giờ! Khoảnh khắc ấy làm chúng tôi mãi không quên.

Sau này, chúng tôi luôn tâm niệm những điều cha dạy khi còn sống: Chỉ có lao động mới có tự do chân chính; sống phải trung thực, chân thành, rộng rãi, và luôn tự trọng; không được tơ hào cái gì không phải do tay mình làm ra…

Thiếu tá Trần Kiến Quốc “Mỗi khi tháng Tám về trong lòng tôi lại dâng trào cảm xúc rất đặc biệt”
Thiếu tá Trần Kiến Quốc về thăm lại trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi ở Quế Lâm (Trung Quốc) cùng các bạn học.

P.V: Mùa Thu trong ông chắc cũng rất đặc biệt?

Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Cứ mỗi khi tháng Tám về, trong lòng tôi, gia đình tôi lại dâng trào cảm xúc rất đặc biệt. Chúng tôi cùng nhau xem lại những bộ phim về Cách mạng Tháng Tám, mong muốn trở lại Hà Nội hòa vào không gian của mùa Thu, thưởng thức hương vị của mùa Thu, đến thăm Nhà tù Hỏa Lò - nơi cha tôi đã vượt ngục, rồi cùng những người bạn, đồng chí của ông làm nên một kì tích, góp phần vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại…Thiếu tá Trần Kiến Quốc “Mỗi khi tháng Tám về trong lòng tôi lại dâng trào cảm xúc rất đặc biệt”

P.V:Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Chu Uyên.

Thiết kế: Đức Anh.

baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy