Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ

Theo tổng hợp của các ngành chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có 475 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có khoảng 8.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động thường xuyên, giải quyết việc làm cho hơn 170 nghìn lao động. Trong thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid – 19, suy thoái kinh tế, xung đột giữa Nga và Ukraina đã tác động trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất hiện nay các doanh nghiệp gặp phải là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn; lãi suất ngân hàng cao; sản phẩm sản xuất ra tồn kho nhiều...

Cụ thể giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng từ 3-5 lần làm tăng chi phí sản xuất; giá vật liệu xây dựng (VLXD) ngoài thị trường tăng khoảng 30 – 40% so với giá thành các cơ quan chức năng công bố. Một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung ứng linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất, trong khi ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến quý III/2023 tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh, hàng tồn kho không bán được. Một số doanh nghiệp dệt may, sản xuất hàng mỹ ký phải giảm giờ làm và cho một bộ phận người lao động nghỉ việc. Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng khó khăn do bị giới hạn bởi tài sản bảo đảm, trong khi đó lãi suất ngân hàng cho vay vẫn ở mức cao.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, từ cuối năm 2022 đến nay đang chịu tác động mạnh mẽ bởi giá các loại vật liệu xây dựng ngoài thị trường tăng cao, trong khi đó giá công bố của các cơ quan quản lý nhà nước chưa điều chỉnh kịp thời. Tính đến đầu tháng 6/2023, giá xi măng tăng khoảng 30 - 50% so với quý I/2022; giá nhựa đường, đá xây dựng, cát đổ nền, gạch lát đường… tăng khoảng 30 - 35% so với cuối năm 2022. Riêng đến thời điểm này, giá thép xây dựng, giá gạch nung giảm so với năm 2022. Hầu hết các loại giá VLXD tăng cao, dẫn tới nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn, trong khi đó chủ đầu tư lại nợ vốn kéo dài.

Ông Bùi Minh Luật, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Minh Luật (Bình Lục ) cho biết: Đối với một số mặt hàng như cát san lấp, cát vàng, đá xây dựng các loại tăng 30 – 40%  so với giá của các cơ quan nhà nước công bố khiến cho các doanh nghiệp xây dựng gặp không ít khó khăn khi phải bù lỗ. Hơn nữa, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư lại chậm trả vốn, có những công trình chủ đầu tư nợ 3-5 năm vẫn chưa thanh toán xong, dẫn tới càng khó khăn thêm. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách bình ổn giá VLXD và các cơ quan chức năng điều chỉnh, công bố giá VLXD sao cho phù hợp với giá thị trường để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với các công trình đã làm xong, đưa vào sử dụng, chủ đầu tư cũng cần bố trí nguồn vốn cho nhà thầu theo đúng cam kết trong hợp đồng. 

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Ông Nguyễn Huy Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thành Đạt (thành phố Phủ Lý) cho biết: Thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đó sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm. Một số doanh nghiệp xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước không chỉ chịu nhiều áp lực về giá vật liệu tăng cao so với giá công bố của Nhà nước, mà còn do chủ đầu tư nợ đọng vốn kéo dài. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đầu vào cho doanh nghiệp; điều chỉnh giá VLXD phù hợp với giá thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; chủ đầu tư nhanh chóng bố trí vốn cho nhà thầu xây dựng theo kế hoạch; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án…

Năm 2023 thực sự là một năm khó khăn, các doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc chia sẻ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, ngành.

ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Điện lực Hà Nam nỗ lực bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các hội doanh nghiệp đầu tháng 7/2023, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, trong đó tập trung rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để ứng dụng hiệu quả công nghệ số, triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các hồ sơ thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành, nghề cho người lao động. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc bảo đảm nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các thủ tục điều chỉnh tiến độ các dự án đầu tư; thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất; báo cáo bộ, ngành Trung ương cho phép đầu tư điện năng lượng mặt trời và được đấu nối với hệ thống điện lưới chung.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Cùng với đó, đẩy nhanh thủ tục, tiến độ đầu tư xây dựng khu công nghệ cao; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, các dự án thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh với doanh nghiệp của tỉnh ở các khâu tạo ra giá trị cao và từng bước chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong tỉnh; tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phục vụ người lao động; ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Đại diện Hội Doanh nghiệp thị xã Duy Tiên nêu khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hiện nay tại Hội nghị Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc, lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Các ngành chức năng cũng đã phân chia từng nhóm doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đối với doanh nghiệp trong KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp thời tham mưu với tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư. Đối với các doanh nghiệp ở địa phương, huyện, thị xã, thành phố gặp mặt trực tiếp và thông qua các kênh nắm bắt thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, qua tổng hợp tại các KCN trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này đã thu hút được hơn 500 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có hơn 450 dự án đi vào hoạt động, đang giải quyết việc làm cho hơn 90 nghìn người, trong đó hơn 70% số lao động trong tỉnh, còn lại lao động ngoài tỉnh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, đặc biệt một số mặt hàng như dệt may, hàng mỹ ký, đồ chơi trẻ em, quần áo may sẵn, vải các loại... xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Để đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, những tháng cuối năm, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch đăng ký đi vào sản xuất năm 2023, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, tuyển chọn lao động cho các doanh nghiệp...

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Riêng đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh, khi xây dựng công trình, chủ đầu tư cần xác định rõ nguồn vốn mới đầu tư xây dựng, tránh tình trạng cứ xây dựng tràn lan, nợ chồng chất ảnh hưởng đến doanh nghiệp và công trình thi công, giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Đối với nợ đọng cũ, các địa phương cần tập trung khai thác nguồn vốn để trả nợ nhà thầu, trong đó đẩy nhanh việc đấu giá quyền sử dụng đất, thu ngân sách trả nợ công. Các cơ quan chuyên môn công bố đơn giá VLXD bám sát việc tăng giá của thị trường, bảo đảm công bố mức giá của Nhà nước phù hợp với giá trị trường, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Phối cảnh nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp (TP.Phủ Lý) vừa được khởi công xây dựng tháng 5.2023.

Ngoài các giải pháp trên, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; tập trung đầu tư vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chủ động cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho các doanh nghiệp. Hiện, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng bám sát các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, tập trung nguồn vốn cho khách hàng vay phát triển kinh tế theo từng nhóm lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ - thương mại, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, hỗ trợ khách hàng kịp thời phục hồi sản xuất, kinh doanh.Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Đối với lĩnh vực hải quan, thuế tăng cường hỗ trợ triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, thu nộp ngân sách để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu và tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp về các chính sách mới; đối thoại thường niên với doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế. Các ngành chức năng và địa phương cũng đã tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số doanh nghiệp, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay...

Nội dung: Trần Thoan.

Thiết kế: Đức Anh.

baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy