Để đạt mục tiêu về doanh thu và sản lượng đề ra trong năm 2023, ngay sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn, giúp DN phục hồi chuỗi cung ứng và nguồn lao động, tạo thuận lợi cho các dự án trọng điểm công nghiệp sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới.
Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các DN trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt ra quân sản xuất với khí thế sôi nổi, quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra và kỳ vọng có mức tăng trưởng cao hơn năm trước. Riêng tại các khu công nghiệp (KCN) có 355/427 DN với trên 79% lao động quay trở lại làm việc vào ngày 27/1 (tức mùng 6 tháng Giêng). Đến ngày 31/1 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng), 100% doanh nghiệp với xấp xỉ 100% lao động đã trở lại làm việc. Một số DN do nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn duy trì nhà máy hoặc bộ phận làm việc trong dịp Tết Nguyên đán, như: Công ty TNHH SRE Việt Nam, Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina… Ngoài ra, các DN dịch vụ cung cấp điện, nước và các đơn vị quản lý khai thác hạ tầng KCN vẫn duy trì hoạt động thông suốt cả kỳ nghỉ Tết để vận hành KCN. Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Từ tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh và sự nỗ lực của các DN, không khí thi đua lao động, sản xuất tại nhiều đơn vị đã diễn ra sôi nổi ngay từ những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023. Tính đến ngày mùng 5 Tết đã có 28 DN với trên 8.000 lao động làm việc. Năm nay, hầu hết các DN đều đặt mục tiêu về doanh thu, sản lượng cao hơn năm trước và thể hiện sự quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu năm với mong muốn sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Trong không khí hân hoan đầu xuân mới, sáng 9/2, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (xã Thanh Sơn, Kim Bảng) đã tổ chức lễ khởi công dự án “Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện”; triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023 đề ra các mục tiêu năm 2023 và những năm tiếp theo, Vicem Bút Sơn sẽ giải quyết được bài toán về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Với khí thế, quyết tâm và kỳ vọng mới, năm 2023, Vicem Bút Sơn đặt ra mục tiêu: Doanh thu đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Sản lượng clinker và xi măng tiêu thụ ra thị trường lần lượt đạt 520.000 tấn và 3.350.000 tấn (tăng lần lượt là 58% và 6% so với năm 2022). Để đạt mục tiêu đề ra, Vicem Bút Sơn duy trì hoạt động của cả dây chuyền sản xuất trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với sản lượng xi măng và clinker sản xuất ra mỗi ngày đạt 16-18 tấn.
Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm, Vicem Bút Sơn cũng đang tập trung nghiên cứu, xử lý các nút thắt về dây chuyền công nghệ, vận hành ổn định hệ thống sử dụng nhiên liệu thay thế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các công đoạn sản xuất để giảm tối đa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng; đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng tối đa các phân khúc thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Vicem Bút Sơn cũng kỳ vọng năm 2023 sẽ tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu mới, đồng thời tăng độ phủ tại một số khu vực trong nước có thị phần xi măng Vicem đạt thấp, như Thái Bình, Lào Cai, Thái Nguyên để có cơ hội tăng doanh thu cũng như tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Ông Đỗ Tiến Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn cho biết: Năm 2022, mặc dù hầu hết các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách không đạt so với mục tiêu đề ra, nhưng Vicem Bút Sơn đã rất nỗ lực tối ưu hóa các thông số vận hành trong các công đoạn sản xuất để giảm tiêu hao năng lượng, tăng cạnh tranh cho sản phẩm trong bối cảnh giá năng lượng, nguồn cung xi măng tăng cao. Trong năm, công ty duy trì việc làm ổn định, thường xuyên cho công nhân lao động với mức thu nhập bình quân trên 17 triệu đồng/người/tháng. Dự báo thị trường xi măng vẫn còn nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2023 do xây dựng dân dụng phục hồi chậm sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; các công trình, dự án cũng chậm triển khai vì gặp khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên, Vicem Bút Sơn đã chủ động xây dựng các kế hoạch, chiến lược kinh doanh, quyết tâm phấn đấu đạt, vượt chỉ tiêu đề ra.
Vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, lạm phát trên toàn cầu, kết thúc năm 2022, kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi, phát triển trong trạng thái bình thường mới với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10,82%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 176.200 tỷ đồng, tăng 14,5%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,57 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2021; thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 13.860 tỷ đồng (tăng so với dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao). Kết quả đó có sự nỗ lực và đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh. Bước sang năm 2023, các DN đều xác định rõ những khó khăn, thách thức sẽ tiếp tục phải đối diện. Với kinh nghiệm vượt khó và khả năng thích ứng linh hoạt, nhiều DN đã chủ động dự báo tình hình, lập kế hoạch, chiến lược cụ thể, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đặt ra.
Tại KCN Thanh Liêm, nhà máy mới của Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam được triển khai xây dựng từ đầu năm 2022 trên tổng diện tích 140.000m2, hướng tới mục tiêu sản xuất gia công, lắp ráp, cung cấp vật tư cho các nhà máy khác của Sumi Việt Nam tại Hà Nam, Nam Định. Với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nhập khẩu máy móc, thiết bị, nhà máy đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2023. Trước mắt, với hai dây chuyền hoạt động, nhà máy đang sản xuất, lắp ráp sản phẩm dây dẫn điện ô tô, xe máy cho hãng Honda Việt Nam, Honda Mỹ, Nhật, tạo việc làm cho khoảng 150 lao động. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, nhà máy tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thêm 2 dây chuyền sản xuất mới và có nhu cầu tuyển thêm 200 lao động để đưa vào hoạt động trong tháng 2.
Ông Hiroshi Kuroda, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam cho biết: Trong quá trình làm thủ tục đầu tư, xây dựng nhà máy, nhập khẩu máy móc để đi vào hoạt động, Sumi Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành của tỉnh, nhất là trong việc nâng cấp hệ thống đường giao thông, điện, nước, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nhà ở công nhân và khu lưu trú của chuyên gia nước ngoài, trong công tác hỗ trợ tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất trong từng giai đoạn. Theo kế hoạch, bên cạnh sản xuất, lắp ráp, nhà máy tại KCN Thanh Liêm sẽ đi vào sản xuất gia công từ tháng 7/2023, cung cấp vật tư cho các nhà máy của Sumi Việt Nam từ tháng 9/2023. Đến cuối năm 2023, nhà máy sẽ sản xuất thêm sản phẩm dây dẫn phục vụ dòng xe Nissan. Dự kiến, đến cuối năm 2023, nhà máy sẽ cần trên 1.000 lao động và đến năm 2025, số lao động cần tuyển để đáp ứng yêu cầu sản xuất là khoảng 3.500 người. Sumi Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Hà Nam trong công tác tuyển dụng lao động thời gian tới.
Là DN chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, Công ty TNHH YIC Vina (KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) đề ra mục tiêu, trong năm 2023, sản lượng hàng hóa tiêu thụ và doanh thu của công ty sẽ tăng trưởng ít nhất 50% so với năm 2022 với việc lắp đặt thêm một dây chuyền sản xuất, nâng tổng số lên 13 dây chuyền sản xuất, đồng thời đưa vào hoạt động nhà máy mới tại KCN Châu Sơn vào đầu tháng 3/2023. Thời điểm này, công ty đang tập trung hoàn thiện hạ tầng, chuẩn bị tốt các điều kiện về máy móc, công nghệ, tuyển dụng và đào tạo tay nghề cho công nhân lao động để sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt khi nhà máy đi vào hoạt động. Ông Park Jeong Seok, Giám đốc điều hành công ty cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, ngành may mặc liên tục gặp khó do giá nguyên phụ liệu tăng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Tuy nhiên, nhờ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng hệ thống Lean nhằm tăng cường sự hỗ trợ của công nghệ số trong công tác quản lý, điều hành sản xuất, sản phẩm của YIC vẫn đứng vững trên thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động. Năm 2023, khi nhà máy mới đi vào hoạt động ổn định, YIC cần tuyển thêm 700 lao động. Với một kế hoạch kinh doanh tốt và 100% lao động trở lại làm việc từ mùng 6 Tết, tôi tin rằng, YIC sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa tại các thị trường lớn, như Mỹ, Hàn Quốc và các nước châu Âu.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh, năm 2022, tại các KCN trên địa bàn tỉnh có 56 dự án tăng vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, bổ sung máy móc thiết bị và nâng cấp công nghệ sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các KCN của tỉnh sẽ có thêm từ 20-25 dự án đi vào hoạt động. Năm 2023, sẽ có khoảng 25-30 dự án trong các KCN điều chỉnh tăng vốn, xây dựng thêm nhà máy mới, tăng cường dây chuyền sản xuất để tăng sản lượng, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19, những biến động của nền kinh tế toàn cầu, sự bất ổn về tình hình chính trị thế giới. Thời điểm này, nhiều DN đang nhập khẩu máy móc, thông báo tuyển dụng lao động và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong thời gian tới. Một tín hiệu vui ngay trong những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023 là nhiều DN trong nước cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có những đơn hàng xuất khẩu lớn, cơ bản bảo đảm duy trì sản xuất ổn định trong cả năm 2023. Điển hình như Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam, Công ty cổ phần Casablanca Việt Nam, Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina...
Với nhiều dự án thực hiện điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, cùng với các dự án mới sớm đi vào hoạt động ngay trong những tháng đầu năm, kỳ vọng năm 2023, các KCN trong tỉnh sẽ đạt, vượt mục tiêu đề ra là các DN tiêu thụ ra thị trường khoảng 35 triệu sản phẩm quần, áo may sẵn; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 30 triệu bộ dây điện ô tô; 90 triệu lít sữa; 370 triệu sản phẩm thiết bị điện, điện tử; 140 triệu sản phẩm linh kiện, phụ tùng ô tô; 1,1 triệu chiếc xe gắn máy… Từ đó đưa giá trị sản xuất đạt 165.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.200 triệu USD, thu ngân sách nhà nước đạt 7.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.000 lao động.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Cũng như các địa phương trên cả nước, tỉnh Hà Nam thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp được dự báo tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị thế giới, nhất là từ xung đột Nga - Ukraine; sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa vững chắc của nền kinh tế thế giới, như tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, chống tự do thương mại ở một số nơi, lạm phát tăng cao; dịch bệnh Covid -19 vẫn còn tiếp diễn và ẩn chứa nhiều rủi ro; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu…
Trước bối cảnh đó, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới. Tỉnh phấn đấu trong năm 2023, có 700 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 13.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 201.480 tỷ đồng, tăng 14,3%; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 6,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2022.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chủ động nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; duy trì thực hiện hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư trên cơ sở kế thừa, có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tập trung xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; triển khai có hiệu quả phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập trung thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, các dịch vụ phục vụ hoạt động của các KCN như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, các công trình công cộng, công trình phúc lợi xã hội, trường học, bệnh viện, giúp người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với DN và tỉnh Hà Nam. Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về lao động cho các DN, tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là các DN có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đang thiếu hụt lao động…
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Tỉnh Hà Nam có 8 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút trên 500 dự án đầu tư. Trong đó, có trên 400 DN đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 86.000 lao động. Trước khó khăn phổ biến của DN hiện nay là thiếu công nhân lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức, đơn vị cung ứng nhân lực chuyên nghiệp để tuyển dụng lao động, nhất là nhân lực có chất lượng cao cho các DN. Ban cũng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh thu hút, huy động xã hội hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ công nhân lao động, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ nhu cầu của các chuyên gia nước ngoài; phối hợp, đôn đốc các ngành, đơn vị có liên quan thúc đẩy xây dựng đồng bộ và cung cấp ổn định các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như điện, nước, dịch vụ viễn thông; đôn đốc các nhà đầu tư đã được cấp chứng nhận đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Cùng với đó, quan tâm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng phục vụ sản xuất, bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, bền vững…
Có thể khẳng định, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của DN, nhất là DN trong các KCN trong những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023 chính là tín hiệu khả quan cho thấy, trước nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn đang trên đà phục hồi, phát triển, tạo tiền đề để tỉnh Hà Nam hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra đối với lĩnh vực công nghiệp trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nội dung: Nguyễn Oanh
Ảnh: Hân Hân
Thiết kế: Quốc Khánh
www.baohanam.com.vn