kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao

Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao

Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đã và đang tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội nói chung và phát triển đô thị nói riêng. Mặc dù vậy theo dự báo thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, do những tác động từ tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới và trong nước; nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là vốn đầu tư công còn khó khăn. Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 16-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 còn rất nặng nề. Với mục tiêu: xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, hướng tới đô thị văn minh, hiện đại, đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động, tập trung cao độ trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra

Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao

Từ năm 2004, Hà Nam bắt đầu triển khai xây dựng một số khu đô thị (KĐT) với kỳ vọng hình thành KĐT mới trên địa bàn khang trang, hiện đại và đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, môi trường và hạ tầng xã hội. Trong quá trình khai thác, sử dụng, vận hành tại hầu hết các KĐT cơ bản làm tốt công tác quản lý, bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng và bố trí quỹ đất hợp lý để trồng cây xanh đáp ứng yêu cầu không gian công cộng. Tuy vậy, thời gian qua, một số KĐT không thực hiện nghiêm các quy định, việc đầu tư kéo dài, công tác quản lý đầu tư, quản lý kiến trúc và cấp phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch không đầy đủ, thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị.

Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao
Thành phố Phủ Lý ngày càng đồng bộ và hiện đại.

Cũng là dự án do Công ty cổ phần Hưng Hòa (Hà Nội) làm chủ đầu tư triển khai từ năm 2017 tại xã Thanh Phong (Thanh Liêm), KĐT mới Hưng Hòa có diện tích 21ha. Đây là dự án thuộc dạng nhà ở biệt thự và liền kề, chia lô nhưng những năm qua trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều tồn tại. Trong đó, vướng mắc chủ yếu về công tác GPMB, tái định cư và đến cuối tháng 8/2023 dự án mới hoàn thành thu hồi đất bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nên đã ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thu hút đầu tư vào KĐT.

 Còn tại KĐT Nam Châu Giang (Liêm Chính) được xây dựng tháng 6/2004 do Công ty TNHH Minh Khôi làm chủ đầu tư. Dự án còn một số tồn tại liên quan đến 28 hộ sinh sống ở vùng ven thuộc các tổ dân phố: Mễ Nội, Mễ Thượng trên tổng số 29 thửa đất. Trong số này 7 hộ có diện tích từ 1 nghìn m2 – 2 nghìn m2 đất thổ cư.  Được biết, do dự án điều chỉnh lại quy hoạch nên diện tích đất của 28 hộ hiện nằm ngoài ranh giới dự án nhưng tại thời điểm đó, chủ đầu tư không thông báo dừng thu hồi đất nên các hộ không biết để thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ. Theo báo cáo của UBND phường Liêm Chính, quá trình thực hiện dự án thiếu sự hợp tác giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương và nhân dân nên đã ảnh hưởng đến việc cắm mốc, xác định ranh giới. Trước năm 2010, thực hiện Kế hoạch số 566 của UBND tỉnh về việc tổ chức xử lý các trường hợp sử dụng đất chưa hợp pháp, công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính cấp GCNQSDĐ áp giá thu 100 nghìn đồng/m2 và sau năm 2010 vị trí đất xung quanh KĐT Nam Châu Giang giá thu tăng từ 30 – 33 lần. Nhiều lần nhân dân đề nghị các cấp, ngành yêu cầu chủ đầu tư phối hợp để hoàn thiện hồ sơ tách thửa nhưng đến nay 28 hộ chưa được cấp GCNQSDĐ.

Với dự án KĐT Liêm Chính phường Liêm Chính (thành phố Phủ Lý) chủ đầu tư dự án là liên danh Công ty Xây lắp Hà Nam (đại diện liên danh), Công ty TNHH Xây dựng Hưng Mỹ, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phượng Hùng, Công ty TNHH Xuân Tùng và Công ty cổ phần Châu Giang xây dựng từ năm 2011 nhưng thời gian qua bộc lộ những tồn tại. Cụ thể, tại dãy shophouse mặt Đường Lê Duẩn trong KĐT đã xuất hiện nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng.

Cụ thể như: Sửa chữa, cải tạo không có giấy phép, tự ý lắp đặt thêm các hạng mục nằm ngoài quy hoạch đã được phê duyệt, tự ý cơi nới phần tum thang. Tại căn góc của dãy shophouse (giao giữa Đường Lê Duẩn và Chu Văn An) chủ sở hữu đã cho đơn vị thi công tiến hành lắp đặt 2 cầu thang bộ bên ngoài mặt tiền công trình từ tầng 2 lên tầng 3 và từ tầng 3 lên tầng 4 bằng thép hộp, đục tường để mở một lối ra vào tại tầng 3. Tại các căn shophouse khác chủ sở hữu cũng đã tự ý cơi nới tầng tum bằng bê tông cốt thép để tối đa hóa diện tích sử dụng. Việc cơi nới tầng tum đã diễn ra từ lâu, đến nay chưa xử lý dứt điểm thì lại phát sinh thêm trường hợp một căn khác lắp đặt cầu thang ở bên ngoài. Đối với vi phạm tại căn shophouse SH01, được biết UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo UBND phường có biện pháp xử lý.

Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao
KĐT Nam Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý ngày càng được chỉnh trang, tạo không gian sống chất lượng cho cư dân. Ảnh Thế Trang

Theo lãnh đạo UBND phường Liêm Chính căn cứ biên bản kiểm tra ngày 21/8/2023 đối với căn shophouse lô góc SH01 (giao giữa Đường Lê Duẩn và Chu Văn An) yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công xây dựng công trình cải tạo sửa chữa và làm thủ tục xin cấp phép xây dựng cải tạo theo quy định. Phường đã huy động cẩu tháp, tháo dỡ các hạng mục vi phạm của căn shophouse lô góc SH01, đến nay các vi phạm đã cơ bản được xử lý, ngoài ra còn 8 trường hợp chưa xử lý.

Cũng tại phường Liêm Chính, mặc dù từ cuối năm 2018 dự án hạ tầng kỹ thuật KĐT mới River Silk được xây dựng là KĐT mới hiện đại do Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư nhưng sau nhiều năm hiện số căn hộ được xây dựng còn hạn chế. Theo báo cáo của ngành chức năng, ở KĐT này có tình trạng xây dựng không phép và xây nhà ghép trên nhiều lô đất không đúng quy hoạch. Các lô đất xây dựng trường học và trung tâm thương mại chưa thực hiện. Tại đây, có 59 trường hợp xây dựng không phép, trong đó có 5 trường hợp xây nhà ghép lô đất không đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt. Đặc biệt, một số hạng mục như: sân tennis, bể bơi, sân bóng rổ chủ đầu tư thực hiện không đúng theo quy hoạch chi tiết 1/500.

Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao
Tuyến đường nội bộ Khu đô thị Rive Silk City Hà Nam. Ảnh Minh Thu

Với dự án Hạ tầng kỹ thuật KĐT Đồng Văn Xanh (thị xã Duy Tiên) qua kiểm tra của ngành chức năng dự án có 215 trường hợp xây dựng nhà không phép, 27 trường hợp xây dựng không đúng giấy phép được cấp. Một số hộ xây nhà ghép trên nhiều lô đất không đúng với quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, vi phạm Luật Xây dựng. Bên cạnh đó, hiện công trình điện đã được đầu tư nhưng chưa bàn giao cho ngành điện quản lý do đó đến nay đang xuống cấp, việc sửa chữa, thay thế đường dây và bảo dưỡng công trình chưa được chủ đầu tư quan tâm.

 Thực tế, tiến độ xây dựng hạ tầng một số KĐT chậm bên cạnh vướng mắc trong GPMB do cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có sự thay đổi ở nhiều thời điểm, việc điều chỉnh lại quy hoạch dẫn đến dự án kéo dài thời gian quyết toán... Những tồn tại này, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân trong quá trình sử dụng hạ tầng kỹ thuật, cấp GCNQSDĐ...

Những vi phạm về trật tự xây dựng tại một số KĐT cần được các cấp, ngành chức năng sớm xử lý dứt điểm nhằm bảo đảm theo đúng quy hoạch và mục đích ban đầu của dự án, góp phần nâng cao hiệu lực về công tác quản lý trật tự xây dựng, để hạ tầng các khu đô thị ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra không gian sống chất lượng cao cho cư dân thành phố.

Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 16- NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 của tỉnh đã đạt 38,1%, năm 2023 ước đạt trên 43%, phấn đấu đến năm 2025, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra (đạt 47,5%). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết, lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, để công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị đi vào nền nếp, rất nhiều giải pháp cần được triển khai, thực hiện hiệu quả.

Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao
Khu dân cư mới thuộc xã Thanh Sơn (Kim Bảng). Ảnh Minh Thu

Nhìn từ thực tế xây dựng và phát triển đô thị của các địa phương trong tỉnh có thể thấy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, công tác quản lý nhà nước trong xây dựng phát triển đô thị đã thực sự được quan tâm; chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được nâng cao; công tác xây dựng đô thị thông minh, phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại được đẩy mạnh; các chương trình phát triển nhà ở và khu dân cư đô thị được chú trọng... Trong 2 năm (2021-2022) tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư trên 40 dự án nhà ở (trong đó bao gồm nhiều dự án được đầu tư đồng bộ nhà ở và hạ tầng xã hội như: Khu Đại học Nam Cao, Khu đô thị Bắc Châu Giang (thành phố Phủ Lý), các khu đô thị theo hướng xanh, sinh thái trên địa bàn huyện Kim Bảng... Cùng với đó, các hệ thống giao thông kết nối liên đô thị được đầu tư, đã tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm nhấn nổi bật, công tác xây dựng và phát triển đô thị ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể, cho đến thời điểm này, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vẫn chưa được phê duyệt làm cơ sở đầy đủ cho việc xác định các định hướng, mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị, quy hoạch đô thị; tiến độ lập một số quy hoạch đô thị và lập chương trình phát triển đô thị cho từng đô thị chưa bảo đảm yêu cầu, công tác lập quy hoạch phân khu chưa được đẩy mạnh thực hiện tại các đô thị mới loại V làm cơ sở đề xuất các dự án đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trên địa bàn các huyện. Cùng với đó, tiến độ đầu tư các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật không bảo đảm (các dự án cấp nước đô thị, dự án khu đô thị,...). Hệ thống hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải, cây xanh, nghĩa trang đô thị chưa được ưu tiên đầu tư phát triển, công tác GPMB các dự án trọng điểm mặc dù đã đạt được kết quả tốt, nhưng một số vị trí vẫn còn gặp khó khăn.

Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao

 Để giải quyết những tồn đọng nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng, Nhà nước cần sớm hoàn thiện thể chế, pháp luật bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với pháp luật khác; nâng cao năng lực quản lý và đội ngũ làm công tác quy hoạch đô thị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị. Nâng cao chất lượng thẩm định, công bố và quản lý quy hoạch, đồ án quy hoạch theo quy định phân cấp, gắn với các mục tiêu về xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Bảo đảm quy hoạch đi trước một bước, đặc biệt trong việc lập quy hoạch các khu chức năng của tỉnh: Các khu công nghiệp, công nghệ cao, du lịch, đào tạo,… và các khu vực tiềm năng có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị.

Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị đồng bộ về mạng lưới, hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị, tiến tới thành lập các đơn vị hành chính đô thị; tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; khẩn trương triển khai lập và trình phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030 sau khi Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, xây dựng chương trình phát triển đô thị, đề án công nhận loại đô thị bảo đảm mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị. Quan tâm đầu tư phát triển nhà ở và hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục bảo đảm tiêu chí đô thị; tổ chức lập, trình phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn theo quy định; triển khai hiệu quả các dự án phát triển, cải tạo chỉnh trang đô thị; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, thông minh bền vững đối với thành phố Phủ Lý; Đề án phát triển hệ thống công viên cây xanh, không gian công cộng trên địa bàn thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên...

Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao
Duy Tiên sau 3 năm lên thị xã, không gian đô thị ngày càng nổi bật. Ảnh Thế Trang

Tuy nhiên, để các chương trình đề án về xây dựng và phát triển đô thị phát huy được hiệu quả cao, thiết nghĩ, Hà Nam cần nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích, xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư phát triển nhà ở, khu đô thị, chỉnh trang phát triển đô thị, thu hút đầu tư các trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, công trình công cộng bảo vệ môi trường, đặc biệt quan tâm đến các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án phát triển nhà ở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Nâng cao chất lượng sống, bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, phát triển dân cư.

Phát triển đô thị tạo không gian sống chất lượng cao
Một góc Khu đô thị Đồng Văn Xanh (Duy Tiên). Ảnh Minh Thu
 

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác GPMB các dự án, trong đó làm tốt công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch đầu tư các khu nhà ở phục vụ tái định cư, tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất có chỗ ở mới có điều kiện tương đương hoặc tốt hơn chỗ ở cũ. Nghiên cứu phát triển kinh tế khu vực đô thị, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển đô thị; xây dựng Đề án phát triển kinh tế đô thị gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Quá trình đô thị hóa được kiểm soát chặt chẽ và có tầm nhìn chiến lược sẽ phát huy lợi thế của đô thị hóa và hạn chế tối đa những bất cập. Quy hoạch đô thị chính là nền tảng để định hướng thúc đẩy quá trình đô thị hóa một cách bài bản, bảo đảm tổ chức không gian phát triển, dự trữ và bảo tồn hợp lý, tạo ra không gian sống chất lượng cao và hài hòa lợi ích kinh tế với môi trường sinh thái. Đó cũng chính là mục tiêu đã được xác định rõ trong Nghị quyết số 16-NQ/TU và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Nội dung: Minh Thu – Đức Thống
Thiết kế: Đức Huy

baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy