Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ MTTQ trong giai đoạn mới

Những phong trào, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; vận động xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, văn minh đô thị; giảm nghèo..., đều có mặt của những người làm công tác mặt trận. Từ thực tiễn công tác, có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp luôn là những người nhiệt huyết, trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, hoạt động bền bỉ để gắn kết cộng đồng. Đây được xem là những hạt nhân quan trọng góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, trên cơ sở thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) chung của tỉnh và nhiệm vụ của MTTQ, đội ngũ cán bộ MTTQ trên địa bàn tỉnh đã làm tương đối tốt vai trò trực tiếp và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cộng đồng dân cư thông qua các mô hình, cách thức khác nhau; đồng thời tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ MTTQ huyện Thanh Lam tham dự tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong quá trình hoạt động tại cơ sở.

Nhiều năm làm Trưởng ban công tác mặt trận (CTMT) Thôn 1, xã Hòa Hậu (Lý Nhân), ông Trần Xuân Thực (nay là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Thôn 1) luôn suy nghĩ: người làm công tác mặt trận cũng như “làm dâu trăm họ”, góp phần không nhỏ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Vì vậy, phải luôn cố gắng chu toàn, dành phần lớn thời gian tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thôn xóm ngày càng phát triển. Ví dụ, với các trường hợp người dân còn khó khăn, khi còn làm cán bộ mặt trận, ông đã tích cực vận động các hộ dân tương thân, tương ái, động viên, thăm hỏi và giúp đỡ lẫn nhau; vận động các tổ chức đoàn thể trong thôn triển khai những hoạt động thiết thực để hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, kịp thời động viên, khích lệ để các gia đình tự nỗ lực vươn lên.

Hay trong việc vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hầu hết người dân trong thôn luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng hiến đất để xây dựng công trình công cộng; thực hiện tốt các quy định, hương ước về xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, dấu ấn nổi bật của Thôn 1 chính là vận động xây dựng được nhà văn hóa thôn khang trang, đẹp đẽ, thỏa lòng nhân dân; vận động triệt để việc thực hiện không đưa người đã mất vào làm lễ trong nhà thờ; gần 100% người qua đời được hỏa táng... Các phong trào của thôn được triển khai có hiệu quả, quy tụ được đông đảo nhân dân tham gia; thôn liên tục 6 - 7 năm đứng đầu toàn xã về các phong trào; gần 20 năm, MTTQ thôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo ông Thực, công việc nào cũng có vất vả, nhưng điều căn bản là làm bằng cái tâm, sự nhiệt huyết, công khai minh bạch, nghĩ cho dân thì sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ. Bất cứ việc gì, một khi dân ủng hộ thì việc khó mấy cũng làm được. Qua thực tế vận động, không phải làm gì cũng vội vàng cho xong, mà cần kiên trì, lắng nghe, làm từng bước một…

Trong triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua do mặt trận phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, đội ngũ cán bộ mặt trận cơ sở đã dày công trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi và hành động để chủ trương lớn của Đảng thực sự là cuộc “cách mạng” thay da đổi thịt ở mỗi vùng quê.

Chia sẻ về cách làm của MTTQ các cấp và vai trò của đội ngũ cán bộ mặt trận, đồng chí Trần Đình Tiến, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên cho biết: Để thực hiện hiệu quả mục tiêu cuộc vận động nêu trên, MTTQ thị xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng xây dựng mô hình điểm, lấy khu dân cư làm trọng tâm triển khai cuộc vận động. Những mô hình, phong trào được MTTQ các cấp trên địa bàn thị xã triển khai đã hướng về cơ sở, lấy người dân làm đối tượng tổ chức thực hiện và được hưởng lợi; phát huy quyền, lợi ích của người dân, để người dân được đóng góp ý kiến và trực tiếp tham gia thực hiện… góp phần tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu ở các xã đạt mức nhanh và có chất lượng; động viên người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quy định của địa phương. Khi được hỏi, người dân nơi đây đều bày tỏ sự hài lòng với mục đích, ý nghĩa của mô hình và cách tổ chức, vận động nhân dân của cấp ủy, chính quyền, MTTQ cơ sở.

Cán bộ MTTQ xã Đại Cương (Kim Bảng) tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện chủ trương di chuyển phần mộ riêng lẻ về nơi tập trung (ảnh dưới) và cán bộ xã Tân Sơn giám giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện việc giám sát các công trình, dự án trên địa bàn.

Có người đã nói vui: Cán bộ mặt trận là trận nào cũng có mặt, cũng là có cơ sở. Từ những công việc lớn, như: xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM và đô thị văn minh, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công với cách mạng, giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự thôn xóm, thậm chí cả thiên tai, thảm họa, lũ lụt... cho tới những việc liên quan tới mỗi gia đình trong khu dân cư cũng đều phải có sự tham gia của cán bộ mặt trận. Mỗi cán bộ mặt trận dường như đều có chung suy nghĩ, việc gì có lợi cho dân thì làm, nên mỗi khi triển khai các phong trào, hoạt động ở cơ sở họ đều học cách lắng nghe dân, khuyến khích nhân dân góp ý để bảo đảm dân chủ, thống nhất, tạo mối quan hệ gắn bó với dân. Đồng thời, linh hoạt, sáng tạo cách thức, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân theo hướng tranh thủ mọi lúc, mọi nơi làm sao để tiện nhất cho dân chứ không bó hẹp trong các hội nghị, cuộc họp… Và mặt trận đang có mặt ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần rất tích cực để xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ mặt trận ở cơ sở đã phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội ở khu dân cư. Bà Lê Thị Minh Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Liêm cho biết: Qua hoạt động này, Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng với các cơ quan Đảng, Nhà nước, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nguyện vọng các tầng lớp nhân dân. Cũng từ đây, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, giúp cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt hơn phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặc dù có cách thể hiện khác nhau về phương thức, cách làm, nhưng có điểm chung nhất là những cán bộ mặt trận đã vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về công tác mặt trận; thực hiện tốt phương châm “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ mặt trận thực sự là những nhân tố góp phần quan trọng trong xây dựng phát huy, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thời gian qua, công tác kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ của MTTQ các cấp đã được quan tâm; hệ thống bộ máy tổ chức, cán bộ cơ quan chuyên trách Ủy ban MTTQ các cấp dần được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ mặt trận từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhưng để thực hiện hiệu quả công tác mặt trận, việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ mặt trận theo hướng tinh gọn, có năng lực tốt, hoạt động tích cực và tham gia có hiệu quả, chất lượng các phong trào... vẫn cần có sự quan tâm từ nhiều phía.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, số lượng cán bộ chuyên trách đang công tác trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh hiện có 350 người (trong đó, cấp tỉnh có 6 người; cấp huyện có 17 người; cấp xã có 327 người). Riêng về đội ngũ cán bộ mặt trận ở các thôn, xóm, tổ dân phố (các ban CTMT-pv), hiện toàn tỉnh có 686 người là trưởng các ban CTMT, trong đó có 142 người là cán bộ chuyên trách, 444 người do bí thư chi bộ kiêm và 100 người giữ các chức danh khác kiêm… Đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp được quan tâm bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nhân dân, số lượng chủ tịch Ủy ban MTTQ các cấp tham gia thường vụ cấp ủy tăng. Hằng năm, bên cạnh các hội nghị toàn quốc tập huấn cho cán bộ chuyên trách công tác mặt trận các cấp và các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác mặt trận cho cán bộ MTTQ cấp huyện do Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức, tại địa phương, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các trường chính trị tỉnh, thành phố và các trung tâm giáo dục chính trị thành phố, huyện, thị xã để mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác mặt trận; tổ chức các hội nghị tại tỉnh và tại các huyện, thị xã, thành phố tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác mặt trận theo từng nhiệm vụ, chuyên đề do các cơ sở tham mưu, đề xuất.

Các hội nghị do MTTQ các cấp tổ chức luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp ý kiến.

Trong tình hình hiện nay, việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tiễn đã và đang được thực hiện khá tích cực. Như trên địa bàn huyện Bình Lục, nhiệm kỳ 2024 - 2029 dự kiến sẽ có 579 người là Ủy viên Ủy ban MTTQ và 51 người trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn. Qua thống kê, tỉ lệ cán bộ ở cả 2 chức danh này có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến trên đại học đạt 97% và có trình độ chính trị từ sơ cấp đến cao cấp đạt trên 72%. Riêng với đội ngũ cán bộ các ban CTMT, hiện tại toàn huyện có 111 người, trong đó có 4 người là cán bộ chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm nhưng đều do bí thư các chi bộ kiêm nên về trình độ chuyên môn cũng như trình độ chính trị cơ bản bảo đảm quy định.

 Đồng chí Ngô Thị Khanh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Lục khẳng định: Đội ngũ cán bộ mặt trận ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã được kiện toàn, có chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ công tác đồng đều, đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Riêng với đội ngũ cán bộ các ban CTMT, mặc dù còn gặp một số khó khăn nhưng đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc tự học, tự nghiên cứu để nâng cao năng lực; bám sát cơ sở và chủ động, linh hoạt trong việc triển khai các phong trào, cuộc vận động xã hội trong cộng đồng dân cư.

Trước đây, do nhiều nguyên nhân nên có thực tế không phải ai cũng muốn làm công tác mặt trận; công việc vận động ở cơ sở là vận động trực tiếp người dân, nhiều người dân hiểu được chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, những người làm công tác mặt trận cơ sở muốn làm tốt việc vận động, thuyết phục được nhân dân thì phải có đủ kinh nghiệm, nhưng những người đủ kinh nghiệm thường đã lớn tuổi, trong khi người trẻ hầu như không muốn làm công việc này. Từ thực tế đó, khi triển khai thực hiện việc nhất thể hóa chức danh trưởng ban CTMT với một số chức danh khác ở địa bàn, nhất là với chức danh bí thư hoặc phó bí thư chi bộ đã giúp gỡ khó cho vấn đề nhân sự của công tác mặt trận ở cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng: Cán bộ mặt trận tốt phải là những cán bộ vừa nhiệt tâm, nhiệt huyết, vừa có trình độ, năng lực và phải có uy tín, phát huy được vai trò của mình trong những hoạt động liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng vẫn bảo đảm công tác mặt trận hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn và mở rộng số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ bằng việc tăng thêm số lượng thành viên là người tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các chuyên gia trên các lĩnh vực,... bảo đảm tính tiêu biểu, tính đại diện của hệ thống MTTQ các cấp. Công tác tổ chức, cán bộ của MTTQ các cấp được từng bước củng cố, kiện toàn đã tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống mặt trận có đủ năng lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được phân công, góp phần cùng hệ thống chính trị tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cán bộ Ủy ban MTTQ các cấp hướng dẫn nhân dân phương pháp sử dụng thùng Compost trong phân loại và xử lý rác thải.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số địa phương, công tác mặt trận còn chậm được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; một bộ phận cán bộ mặt trận làm việc theo kiểu hành chính hóa, ít gắn bó với thực tiễn, cơ sở, không tâm huyết, nhiệt tình với công việc, vai trò và năng lực dân vận còn hạn chế; một số cấp ủy địa phương chưa coi trọng đúng mức công tác mặt trận nên trong bố trí cán bộ còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao… đã làm ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ cũng như hiệu quả công việc. Đây cũng là những vấn đề cần được quan tâm khắc phục giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp, giúp đội ngũ cán bộ mặt trận có thể phát huy tối đa năng lực, sở trường, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Nội dung: Thanh Hà

Thiết kế: Đức Huy

baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy