Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở

Người dân ở các làng quê, thôn xóm, tổ phố quanh năm mải miết làm ăn, bận rộn với công việc. Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho họ là các y, bác sỹ làm việc tại các trạm y tế (TYT). Hệ thống y tế càng lên tuyến trên càng phân ra chuyên sâu ở mỗi mảng, thì y tế cơ sở đảm nhận tất cả các nhiệm vụ, từ khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân, phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện các chính sách dân số, an toàn thực phẩm, tiêm vắc-xin,... Dù thu nhập còn mức độ, điều kiện làm việc nhiều nơi còn thiếu thốn, nhưng các y, bác sỹ, cán bộ TYT đã kiên trì, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ. Việc củng cố đội ngũ để các TYT đủ số lượng theo quy định, đời sống bảo đảm là vấn đề cần được quan tâm để công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được thực hiện tốt hơn. 

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở

Xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng dân số có gần 9.000 khẩu. Dù địa phương cách Trung tâm Y tế huyện không xa nhưng hằng ngày vẫn có hàng chục bệnh nhân đến TYT xã khám bệnh và được cấp thuốc. Ông Đinh Văn Nam, Trạm trưởng TYT xã Thi Sơn cho biết: Bình quân mỗi tháng có khoảng 300 lượt bệnh nhân đến TYT xã khám và được cấp thuốc. Nếu tính cả phụ nữ khám thai, tiêm phòng mỗi tháng có khoảng 600 lượt người đến TYT. Hầu hết người dân có các dấu hiệu bệnh thông thường, bệnh mãn tính, bệnh cần sơ, cấp cứu đều đến TYT để được thăm khám, phân loại, cấp thuốc điều trị hoặc chuyển tuyến trên nếu vượt khả năng chuyên môn. TYT xã cũng quản lý và cấp thuốc hằng tháng cho trên 100 bệnh nhân tăng huyết áp. Ngoài KCB, TYT Thi Sơn còn thực hiện tất cả các nhiệm vụ phục vụ mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân như tiêm phòng, kiểm soát an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường,... TYT xã có 6 cán bộ, nhân viên, mỗi người phụ trách một mảng việc, nhưng gần như ai cũng biết làm nhiều việc để có thể hỗ trợ nhau lúc cần do công việc nhiều, địa bàn rộng (trừ những công việc chuyên môn mang tính chuyên sâu). 

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
Cán bộ TYT xã Thi Sơn, Kim Bảng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em (ảnh chụp năm 2022).

Hiện toàn tỉnh có 109 TYT, bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn đều có TYT. Các TYT đều thực hiện tất cả các nhiệm vụ phục vụ mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Về y tế dự phòng thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh; giám sát, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh môi trường, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tại cộng đồng; phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn; y tế học đường; dinh dưỡng cộng đồng; tham gia kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Về KCB, thực hiện sơ cứu, cấp cứu ban đầu; tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong KCB; bảo tồn cây thuốc quý tại địa phương; tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự. TYT cũng thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản: Quản lý bà mẹ mang thai; hỗ trợ đẻ và đỡ đẻ thường; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em… TYT cũng quản lý sức khỏe hộ gia đình, người cao tuổi, các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; phối hợp thực hiện quản lý sức khỏe học đường; truyền thông, giáo dục sức khoẻ…

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
Cán bộ y tế cơ sở luôn là lực lượng xung kích trong công tác phòng chống khi dịch bệnh xảy ra.
Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở

Đến TYT xã Thanh Phong (huyện Thanh Liêm) vào một buổi chiều thấy các cán bộ y tế khá tất bật tiếp đón người dân đến khám bệnh. Bà Vũ Thị Thắng, 64 tuổi ở thôn Tân Lợi đến khám và lấy thuốc định kỳ điều trị tăng huyết áp đồng thời khám viêm họng. Bà Phạm Thị Dung 62 tuổi ở xóm Giáp Nhất, Thôn 3 đến khám vì bị chảy máu trong họng. Bà Dung cũng là bệnh nhân tăng huyết áp được TYT quản lý, thường xuyên đến trạm khám và lấy thuốc. Một bà mẹ trẻ sau sinh bị mất ngủ đến khám và được tư vấn, cấp thuốc. Một gia đình khác bế cháu nhỏ dưới 9 tháng tuổi đến khám do cháu có nổi mẩn. Chị Đỗ Thị Hương, Trạm trưởng TYT Thanh Phong cho biết: Đang vụ cấy nên số lượng người đến khám ít, thời gian không phải ngày mùa số lượng bệnh nhân đến trạm nhiều hơn. Xã có dân số gần 6.000 người, mỗi năm TYT KCB cho trên 5.000 lượt người, ngoài ra còn có bệnh nhân ngoài địa phương, thường là các trường hợp bị tai nạn giao thông vào trạm sơ, cấp cứu.

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở

Bà Vũ Thị Thắng, 64 tuổi ở thôn Tân Lợi cho biết, bà cảm thấy rất yên tâm khi KCB tại trạm. Bà và người dân ở vùng quê này trong người thấy không khỏe là chạy ngay đến trạm để được thăm khám, cấp thuốc. Cán bộ ở trạm đều là người làng, thân thiết như người nhà, khi đến KCB người dân đều cảm thấy rất dễ chịu, thoải mái, ngoài ra còn được tư vấn nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe tại nhà, cách ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh để sống khỏe. Bà Thắng mua thẻ BHYT tự nguyện gần 10 năm nay và sẽ tiếp tục mua vì cảm thấy rất hữu ích khi được KCB BHYT, chăm sóc sức khỏe thường xuyên tại địa phương mà không phải đi xa.

Cán bộ TYT Thanh Phong chia sẻ, làm cán bộ y tế ở cơ sở có nhiều khác biệt so với các thầy thuốc ở tuyến trên và cũng không ít thú vị. Công việc của các chị dường như không chỉ bó gọn ở trạm mà  theo cả về nhà, khi đi ngoài đường, hay trong các hoạt động cộng đồng. Ví dụ khi ở nhà, ngày nghỉ, giờ nghỉ, nhưng người dân khi đau ốm, tiện là lại tìm đến nhà nhờ. Đi ngoài đường, đi chợ, hay ở trong đình đám, cỗ bàn, bà con có vấn đề gì về sức khỏe, hay cần tư vấn gì về sức khỏe cũng đều hỏi. Trong khả năng có thể tư vấn được luôn thì tư vấn cho bà con, còn lại hẹn đến trạm để được thăm khám cụ thể. Cũng có khi qua các hoạt động trong cộng đồng, hoặc gặp người dân có những dấu hiệu bị bệnh, các y, bác sỹ TYT chủ động tư vấn cho họ đi khám. Bà con quý và tôn trọng các cán bộ y tế, đây chính là động lực để họ tiếp tục trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, giúp được nhiều hơn cho bà con.

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
Trạm y tế xã là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho nhiều người dân.

Người dân ở cơ sở, nhất là các vùng nông thôn quanh năm vất vả, mải miết làm ăn, ít khi có thời gian quan tâm đến việc đi khám bệnh nếu không bị bệnh nặng. Bị bệnh nhẹ họ thường bỏ qua, hoặc ra hiệu thuốc tự mua thuốc về uống gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe về sau, có khi bỏ qua những dấu hiệu đầu tiên-giai đoạn “vàng” trong chữa trị của căn bệnh nặng. TYT ngay tại địa phương, có khám BHYT, thủ tục nhanh, đơn giản, cán bộ là người quen biết, nhiệt tình, nhiều người dân khi bị bệnh thông thường đều đến trạm.   

Khi có dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là đại dịch Covid-19 vừa qua mới càng thấy rõ tầm quan trọng của y tế cơ sở cũng như vai trò, sự hy sinh, tận tụy vì sức khỏe cộng đồng của các thầy thuốc  xóm, làng. Họ là những người tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn, đồng thời trực tiếp bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện những trường hợp phải cách ly, mắc bệnh. Họ cũng là những người vào điểm nóng gặp gỡ các đối tượng có nguy cơ cao điều tra dịch tễ, phun khử khuẩn tại các ổ dịch, hướng dẫn, quản lý cách ly tại nhà, phối hợp đưa đối tượng nguy cơ đi cách ly tập trung hoặc F0 đi điều trị. Đầu năm 2022, khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt, thực hiện điều trị các ca F0 thể nhẹ tại nhà, cán bộ y tế cơ sở vừa khám tại TYT để xác định người mắc bệnh, hướng dẫn điều trị, đến tận nhà để thăm khám… Mỗi khi địa phương có ổ dịch, thực hiện khoanh vùng nhanh, truy vết kỹ, thần tốc lấy mẫu, xét nghiệm, các cán bộ y tế cơ sở thức thâu đêm suốt sáng, ăn nghỉ tại trạm cả tháng trời để thực hiện nhiệm vụ.

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
Hình ảnh các cán bộ y tế cơ sở làm việc trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Rồi chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thần tốc họ cũng là lực lượng chính. Ngoài ra, cán bộ TYT cũng sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác, hỗ trợ công tác điều trị F0 ở Bệnh viện Dã chiến của tỉnh và tham gia các đoàn hỗ trợ tỉnh miền Nam chống dịch. Dấn thân vào những nơi dịch dã nóng bỏng nhất, nhiều cán bộ TYT mắc Covid-19. Hầu hết họ chỉ nghỉ ngơi 1, 2 ngày, đỡ là lại chỉ đạo, tư vấn cho người dân qua điện thoại, hoặc trực tiếp khám, lấy mẫu, xét nghiệm cho các trường hợp mắc Covid-19. Hình ảnh các cán bộ y tế cơ sở trong bộ đồ bảo hộ kín mít len lỏi khắp làng trên xóm dưới điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm, phun khử khuẩn; họ mắc Covid-19 nhưng vẫn miệt mài làm việc là những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ làm cho người dân cảm động, biết ơn và nhớ mãi không quên…      

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
Thời kỳ cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, cán bộ y tế nói chung, y tế cơ sở nói riêng luôn phải túc trực, làm việc không có ngày nghỉ.
Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở

Chị Hoàng Thị Xuân, cán bộ chuyên trách dân số TYT Thanh Phong đã công tác 13 năm trong ngành nhưng hiện tại vẫn chưa là viên chức. Tổng thu nhập hiện tại của chị Xuân (bao gồm lương, phụ cấp 30%, trực) mỗi tháng chưa được 5 triệu đồng. Cũng vì chưa là viên chức nên 4 năm nay chị Xuân không được tăng lương. Chị cũng đã có bằng đại học nhưng chưa được chuyển ngạch để hưởng lương đại học mà vẫn hưởng lương trung cấp. Công việc ở TYT gần như yêu cầu phải thường trực nên chị Xuân không thể có thời gian làm thêm gì khác tăng thu nhập, vì thế chi tiêu, sinh hoạt gia đình có 2 con nhỏ vô cùng chật vật. 13 năm cống hiến, dù mức thu nhập thấp nhưng chị Xuân vẫn gắn bó với công việc đến bây giờ vì tiếc bằng cấp đã học, và vì đã quen thuộc với công việc, giờ chuyển sang việc gì khác rất khó.

Hiện có 577 cán bộ làm việc tại 109 TYT của toàn tỉnh, trong đó mới chỉ có 444 người là viên chức. Tất cả 107 cán bộ chuyên trách dân số ở các TYT đều chưa là viên chức. Ngoài ra còn có 16 cán bộ hợp đồng (theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định 58/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở) đã làm việc tại TYT lâu năm cũng chưa được xét tuyển thành viên chức. Trong khi đó, số chỉ tiêu viên chức được giao của khối TYT vẫn thiếu. Cụ thể, các TYT của toàn tỉnh được giao 519 chỉ tiêu, nhưng hiện mới chỉ có 444 viên chức. Thực hiện nhiệm vụ KCB yêu cầu mỗi TYT phải có 1 bác sỹ, nhưng 109 TYT của toàn tỉnh mới có 70 bác sỹ.

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở

Để giải quyết vấn đề này, các trung tâm y tế đều luân phiên bác sỹ về làm việc không thường xuyên tại các TYT chưa có bác sỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Hầu hết các TYT nhiều năm qua chưa được tuyển dụng, như ở Thanh Liêm từ năm 2015 đến nay các TYT không được tuyển dụng trong khi đó số cán bộ về hưu nhiều, dẫn đến đã thiếu lại càng thiếu. Ngoài ra, có khá nhiều cán bộ TYT đi học nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu của ngành. Bằng cấp mới đã có nhiều năm nhưng chưa được chuyển lương mới mà vẫn hưởng lương theo bằng cấp cũ dẫn đến thu nhập thấp không bảo đảm đời sống, sự nhiệt tình, gắn bó với nghề khó mà giữ được.

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
Cán bộ TYT phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý tham gia phun thuốc diệt muỗi khi có ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn năm 2022.

Lãnh đạo ngành y tế các cấp đều rất mong và đã có đề nghị cụ thể để các TYT được tuyển đủ chỉ tiêu viên chức, đủ số bác sỹ như quy định để có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ. Hiện các trung tâm y tế, TYT đều đã được chuyển về UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý. Hy vọng khi chuyển về địa phương, các huyện, thị xã, thành phố sẽ có điều kiện quan tâm sát sao hơn để giải quyết những khó khăn ở các TYT trong đó có vấn đề nhân lực.

Vừa qua, ngày 15/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, đối với những người làm chuyên môn y tế tại TYT xã, phường, thị trấn mức phụ cấp ưu đãi theo nghề là 100% thay vì 40% như trước đây (áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023). Dù trước mắt việc tăng phụ cấp nghề trong thời gian 2 năm nhưng là một nguồn động viên các cán bộ làm việc tại TYT.

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở

Làm việc tại cơ sở, sinh sống cùng bà con, các cán bộ TYT chăm sóc sức khỏe cho bà con không chỉ với vai trò một thầy thuốc được giao nhiệm vụ, mà trong đó còn là tình làng, nghĩa xóm, là sự thương cảm, trách nhiệm với những người dân quanh năm vất vả mải miết làm ăn, không có điều kiện hoặc có khi chưa ý thức được việc sức khỏe cần được chăm sóc thường xuyên, khi bị bệnh thông thường thường chủ quan mà bỏ qua. Không chỉ KCB, các cán bộ y tế cơ sở còn thực hiện công tác y tế dự phòng, hướng dẫn bà con hình thành lối sống khoa học, đồng thời phối hợp để kiểm soát các yếu tố bảo đảm chất lượng sống cho người dân như: môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch,… Ở gần dân, sát dân, họ là những người thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đồng thời cũng là lực lượng nắm chắc nhất tình hình dịch bệnh ở cơ sở để báo cáo, trực tiếp xử lý khi có dịch bệnh phát sinh.

Công việc nhiều, quan trọng, lực lượng mỏng, vì thế việc củng cố đội ngũ để bảo đảm các TYT có đủ số lượng cán bộ như quy định là hết sức cần thiết, qua đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Nội dung: Đỗ Hồng.

Thiết kế: Đức Anh.

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy