kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Năm học mới, quyết tâm mới

Năm học mới quyết tâm mới

Năm học mới quyết tâm mới

Năm học mới quyết tâm mới
Thầy, cô giáo Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP.Phủ Lý) đón các em vào lớp 1 năm học 2023-2024 trong ngày khai giảng năm học mới.

Bước vào năm học mới, toàn tỉnh có gần 212.000 trẻ mầm non và học sinh phổ thông học tập tại 380 trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Để trẻ mầm non và học sinh phổ thông được chăm sóc, học tập, rèn luyện ngày càng chu đáo, có chất lượng…, năm học này, các cấp, ngành và toàn xã hội tiếp tục quan tâm bảo đảm tốt các điều kiện cho các trường học, cấp học; duy trì quy mô phát triển GD&ĐT ổn định.

Bảo đảm 100% học sinh có sách giáo khoa chất lượng

Năm học này, học sinh các lớp 4, lớp 8, lớp 11 tiếp tục học Chương trình GDPT 2018. Như 3 năm học trước, việc nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho các khối lớp được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ rất sớm, công tác lựa chọn SGK đã được Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai theo đúng quy định, các nhà trường được trao quyền quyết định lựa chọn SGK, làm tiền đề để tỉnh thống nhất chọn ra những bộ SGK tốt nhất, phù hợp với từng khối lớp; bảo đảm nội dung, hình thức, tiệm cận với nhiều kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Năm học mới quyết tâm mới
Các thầy cô giáo kiểm tra số lượng và chất lượng sách giáo khoa phục vụ năm học mới.

Để giúp các cơ sở giáo dục chọn lựa sách đúng hướng, có trọng tâm, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, cùng với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục đã chỉ đạo bám sát Bộ tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn do UBND tỉnh ban hành; phối hợp với các nhà xuất bản giới thiệu SGK và cung cấp thông tin giới thiệu về SGK cho các cơ sở giáo dục; tổ chức hội nghị giới thiệu SGK theo danh mục SGK đã được phê duyệt... Từ đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động, khẩn trương tiếp cận nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung các môn học trên cơ sở nghiên cứu các bộ sách được cung cấp, tham gia hiệu quả trong công tác chọn SGK. Tại các nhà trường, giáo viên được chia thành khối, tổ bộ môn trao đổi, thảo luận và trình bày tổng hợp của nhóm, khối về những ưu điểm, khuyết điểm của từng phân môn trong mỗi bộ sách; nhà trường tổ chức trao đổi để từng nhóm, tổ chia sẻ công khai, khách quan về những lợi thế, cũng như nhược điểm của các môn trong từng bộ sách mới.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Vũ Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Tân (Thanh Liêm), đây là nền tảng ban đầu để nhà trường thực hiện nghiêm các quy trình lựa chọn SGK, phát huy được tư duy của các thành viên trong Hội đồng chọn SGK của nhà trường. Cán bộ quản lý và giáo viên chủ động, tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến và thực hiện nghiêm quy trình lựa chọn SGK, góp phần lựa chọn được các bộ SGK bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng và tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh trong quá trình tiếp cận bài học.

Năm học mới quyết tâm mới

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, đến cuối tháng 3/2023 có 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất việc lựa chọn các cuốn sách trong các bộ sách được giới thiệu để UBND tỉnh công bố danh mục SGK sử dụng trong các trường phổ thông năm học 2023 - 2024. Cùng với đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường THPT, các trung tâm GDTX và phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho cha mẹ học sinh trong việc mua sắm SGK, bảo đảm 100% học sinh phổ thông khi đến trường có đầy đủ SGK và dụng cụ học tập theo chương trình mới.       

Tăng cường cơ sở vật chất

Nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, những năm qua, bên cạnh việc tích cực huy động các nguồn đầu tư, hỗ trợ từ xã hội hóa, từ các dự án…, ngân sách nhà nước đầu tư cho GD&ĐT hằng năm cũng được nâng lên. Qua đó, đã góp phần từng bước đáp ứng các nhu cầu chi cho hoạt động dạy, học và mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cơ sở giáo dục. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng phòng học kiên cố, phòng chức năng, và tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, kế hoạch xây dựng trường chuẩn và xây dựng nông thôn mới.

Năm học mới quyết tâm mới

Theo điều kiện thực tế, việc trích ngân sách dành cho phát triển GD&ĐT cũng được các huyện, thị xã, thành phố quan tâm. Việc đầu tư ngân sách và kêu gọi các nguồn đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất các trường học, phục vụ phát triển giáo dục là điểm nhấn của một số địa phương những năm qua. Như ở thành phố Phủ Lý, có những năm học, thành phố đã đầu tư xây dựng mới, xây dựng bổ sung cho 10 -15 trường học các cấp, với mức từ 1-2 tỷ đồng cho xây dựng bổ sung, từ 10-30 tỷ đồng cho xây dựng mới, thậm chí có trường được đầu tư tổng kinh phí xây mới lên tới gần 40 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp tháo gỡ được một số khó khăn cho các cơ sở giáo dục về kinh phí chi hoạt động chuyên môn, mua sắm trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

Để tăng cường cơ sở vật chất trường học tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia lồng ghép với các nguồn kinh phí, có cơ chế hỗ trợ sau đầu tư từ ngân sách tỉnh cho các trường học xây dựng đạt chuẩn quốc gia thuộc xã xây dựng nông thôn mới còn khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đẩy nhanh tiến độ, bàn giao cơ sở vật chất phục vụ kịp thời cho năm học mới.

Năm học mới quyết tâm mới
Từ nhiều nguồn đầu tư, trường học các cấp được trang thiết bị dạy và học ngày càng hiện đại, đồng bộ.

Từ nhiều nguồn hỗ trợ, đến nay, toàn tỉnh đã có 359/361 trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 83 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, là điều kiện tốt để học sinh học tập và tiếp tục triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.

Quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo

Năm học mới quyết tâm mới
Dù còn thiếu nhiều giáo viên nhưng ngành giáo dục Hà Nam đã chủ động sắp xếp, bố trí, phân công đội ngũ, bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy trong năm học mới.

Đội ngũ nhà giáo luôn được xác định có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục. Nhận thức rõ vấn đề này, trong nhiều năm qua, với sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành giáo dục và bằng ý thức tự học, tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên, chất lượng đội ngũ giáo viên của tỉnh có sự chuyển biến tích cực.

 Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 10.365 giáo viên các cấp học (trong đó có 3.354 giáo viên mầm non, 3.169 giáo viên tiểu học, 2.597 giáo viên THCS và 1.245 giáo viên THPT). Về trình độ chuyên môn đào tạo, đến nay, có trên 90,52% giáo viên các cấp đã đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn khá cao. Đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động, sáng tạo và có tinh thần học tập tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay.

Năm học mới quyết tâm mới
Hằng năm, các cấp học đã có hàng trăm lượt giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi, là điều kiện quan trọng để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.

Hằng năm, căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp, tỷ lệ giáo viên được xếp loại năng lực khá, tốt ở mức cao; hầu hết giáo viên các cấp học đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xác định đội ngũ là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới và phát triển giáo dục toàn diện, bên cạnh việc triển khai thực hiện nhiều chính sách đối với nhà giáo, trên cơ sở kế hoạch phát triển giáo dục từng năm học, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên luôn được đặt lên hàng đầu.

Ông Trần Ngọc Thành, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kim Bảng cho biết: Từ nhiều năm nay, Ngành Giáo dục huyện Kim Bảng đã thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện cho tất cả các giáo viên có nhu cầu, nguyện vọng học tập nâng cao trình độ được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Hằng năm, số giáo viên đăng ký theo học các lớp nâng chuẩn, các lớp bồi dưỡng về chức danh nghề nghiệp tương đối cao, góp phần tăng dần tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới giáo dục.

Năm học mới quyết tâm mới
Cán bộ, giáo viên tiếp cận nhanh với các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, góp phần thực hiện tốt chương trình GDPT 2028.

Tại các trường học, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn được duy trì nền nếp,  đạt hiệu quả tích cực, tạo thêm cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và tích lũy những kỹ năng sư phạm, kỹ năng giáo dục học sinh cần thiết cho giáo viên. Bên cạnh đó, những cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp được tổ chức thường niên đã giúp ngành Giáo dục có được hàng trăm giáo viên giỏi các cấp mỗi năm, phần nào khẳng định được chất lượng đội ngũ hiện nay.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên lâu nay là một trong những mục tiêu quan trọng được các cấp, ngành và nhiều địa phương tập trung thực hiện. Các địa phương đã quan tâm xây dựng nhiều chính sách cho phát triển GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực, định hướng cho ngành giáo dục những giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ đổi mới phương pháp dạy học và đạt các tiêu chí về chuẩn ở mức độ cao. Thực tế cho thấy, thông qua việc đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, năng lực dạy học cũng như năng lực giáo dục và những năng lực khác theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục của đội ngũ đã được cải thiện rõ nét, góp phần quan trọng cho sự phát triển giáo dục của địa phương.

Nội dung: Thanh Hà.

Thiết kế: Đức Anh.

                                                                                                                                                                    

baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy