Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4//2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 22-NQ/TW), công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam đã được thực hiện một cách sâu rộng, toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại tỉnh Hà Nam, các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế trong những năm qua cũng được tăng cường, đẩy mạnh, đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện, nhất là hội nhập kinh tế. Qua đó, đã phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ về hội nhập quốc tế, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời văn bản nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW và các văn bản liên quan; phổ biến toàn diện, hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ và UBND tỉnh về công tác hội nhập quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế.

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển
Đoàn công tác của tỉnh Hà Nam do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy làm trưởng đoàn vừa có các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Mỹ. 

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm qua, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng đã thực hiện tốt công tác phối hợp cung cấp thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, nắm bắt kịp thời các thông tin về tình hình hội nhập trong nước và quốc tế. Các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội; chú trọng lồng ghép các nội dung dự báo trong việc xây dựng các chỉ tiêu hằng năm bảo đảm sát với tình hình thực tiễn, đồng thời thông tin giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập để chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, Hà Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo về hội nhập quốc tế tỉnh. Trong thời gian qua, các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ do Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao về công tác hội nhập quốc tế trên địa bàn. Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để cụ thể hóa, thể chế hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hội nhập quốc tế.

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển
Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Giám đốc Công ty Friesland Campina Hà Nam.

Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW đã giúp các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và của các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, về vai trò, tầm quan trọng của công tác hội nhập quốc tế; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã biết đến các cơ hội và tận dụng được những ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường những nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do trong quá trình hội nhập quốc tế. Chẳng hạn như Công ty TNHH May Kim Bình (Cụm công nghiệp Kim Bình, thành phố Phủ Lý), trong giai đoạn 2020-2021, công ty đã bị ảnh hưởng không nhỏ từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh Covid-19. Phần lớn đơn hàng của công ty xuất đi Mỹ đã bị hủy trong giai đoạn này khiến sản lượng hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh. Vì vậy, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam đã mở ra cơ hội để May Kim Bình mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Ông Sun Jian Jun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May Kim Bình cho biết: Trước đây, phần lớn đơn hàng của công ty là xuất đi Mỹ. EU là thị trường tiềm năng đối với ngành dệt may nhưng có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ. Để khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này, bên cạnh đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, May Kim Bình hướng tới việc sử dụng vải có xuất xứ từ các nước có Hiệp định thương mại tự do với EU để tận dụng được lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam trong khi ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam cùng như tại Hà Nam còn hạn chế.

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển

Tỉnh Hà Nam luôn xác định, trong quá trình hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung trọng tâm và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã thu hút được 321 dự án FDI mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.200 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển

Theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trong 10 năm qua, tỉnh Hà Nam thường xuyên tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Trong các chuyến xúc tiến đầu tư, đoàn công tác của tỉnh đặc biệt quan tâm mời gọi các tập đoàn lớn, những doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào tỉnh. Đến nay, hầu hết các dự án đầu tư vào khu công nghiệp cơ bản được triển khai xây dựng theo nội dung được chấp thuận, hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương. 

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển

Để thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, tỉnh Hà Nam cũng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, vận hành và khai thác hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm kết nối cung - cầu giữa nhà phân phối và người tiêu dùng. Thống kê của các ngành chức năng cho thấy, trong giai đoạn 2013- 2023, cơ quan chức năng của tỉnh đã hỗ trợ gần 1.300 lượt doanh nghiệp tham gia hàng trăm hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh còn duy trì hoạt động gặp gỡ, đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ. Qua đó, đã củng cố lòng tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có các chính sách thông thoáng và cam kết rõ ràng về cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ và giúp các nhà đầu tư tiếp cận nhanh nhất về đất đai, lao động, tài chính cũng như thủ tục đầu tư.

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển
Sản xuất dây dẫn điện ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Thanh Liêm.

Hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh cũng có nhiều khởi sắc. Theo thống kê của Chi cục Hải quan Hà Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 600 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2013-2023 đạt 29,274 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 32,9%/năm. Đây là con số ấn tượng cho thấy trong 10 năm qua, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường, khai thác lợi thế của địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu tại nhiều thị trường lớn như EU (Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Italia, Bỉ, AiLen, Áo, Bỉ, Anh...), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN. Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng gia công.

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển
Một tiết học của học sinh lớp 6A2, Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Hà Nam, khu Đại học Nam Cao, Duy Tiên.

Bên cạnh những kết quả nổi bật về hội nhập kinh tế quốc tế, trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế… và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong đó, nổi bật là việc triển khai học bổ trợ ngoại ngữ với giáo viên là người nước ngoài tại các trường phổ thông; cử cán bộ, giáo viên đi học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm ở các nước Singapore, Malaysia, Mỹ; cấp phép hoạt động cho 8 tổ chức, trung tâm tư vấn du học trên địa bàn tỉnh; cấp phép hoạt động cho 13 trung tâm ngoại ngữ có giáo viên là người nước ngoài.

Đặc biệt, trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Hà Nam đã đầu tư xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút các cơ sở giáo dục đại học trong nước và ngoài nước vào Khu Đại học Nam Cao của tỉnh. Theo đó, thời gian qua đã có nhiều trường đại học, tổ chức giáo dục quốc tế của Hàn Quốc, Nhật Bản... tới nghiên cứu, khảo sát. Năm 2021, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho công chức, viên chức giai đoạn 2020 – 2025; triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025” trên địa bàn tỉnh…

Trong 10 năm qua, tỉnh cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện giao lưu văn hóa tiêu biểu như “Tháng phim Hàn Quốc - gặp gỡ những người bạn phương xa”; buổi hòa nhạc của Tứ tấu Sabino Orsini (thuộc Phái đoàn Wallonie - Bruxelles, Vương quốc Bỉ) trong khuôn khổ “Những ngày Quốc tế Pháp tại Việt Nam”; Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nam; đăng cai tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ liên hoan múa rối quốc tế năm 2015 tại Việt Nam; Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2019; Giao lưu nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản; đăng cai tổ chức môn Futsal trong chương trình SEA Games 31; Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023; Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước...

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Hà Nam với các doanh nghiệp FDI năm 2022.

Theo đó, báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng thể hiện rõ, doanh thu du lịch của tỉnh trong những năm qua đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt, sau sự kiện Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2019, Khu du lịch Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng) đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế; góp phần tạo bước đột phá quan trọng thúc đẩy du lịch Hà Nam phát triển mạnh trong những năm tiếp theo, đồng thời mở ra hướng liên kết phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn trong vùng như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh. Tính riêng quý II/2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nam đạt trên 3,4 triệu lượt (tăng trên 80,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt xấp xỉ 90% kế hoạch năm 2023) với tổng thu ước đạt 2.670 tỷ đồng (tăng 107,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 85,8% kế hoạch năm 2023).

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển

Dù đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực nhưng quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh Hà Nam được đánh giá là vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể là, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hội nhập còn mỏng; sự phối hợp giữa một số ngành trong việc thực hiện công tác báo cáo, cung cấp thông tin đôi lúc chưa chặt chẽ, kịp thời. Một số lĩnh vực sản xuất chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào mà vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cho thấy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong tỉnh vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu nước ngoài. Năng lực của các doanh nghiệp địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp FDI, chưa liên kết được với khu vực doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI cho doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Đến nay, tỉnh cũng chưa thu hút được nhiều dự án lớn có sức lan tỏa, các dự án mang lại giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Trên lĩnh vực giáo dục, tỉnh cũng chưa có văn phòng đại diện giáo dục ở nước ngoài và cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh…

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển
Quang cảnh buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Đoàn doanh nghiệp Singapore tìm hiểu môi trường đầu tư tại Hà Nam.

Trước những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong quá trình hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW, tỉnh Hà Nam xác định, từ nay đến năm 2030, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 22-NQ/TW và các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hội nhập quốc tế nhằm tăng cường nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính để thu hút đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng. Tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để cung cấp đầu vào cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị; hình thành các khu sản xuất, chế biến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, truyền thống văn hóa của mảnh đất và con người Hà Nam nhằm thu hút các đối tác nước ngoài đến thăm và xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh về những cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế. Giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, quảng bá những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh. Thực hiện tốt 10 cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Thực hiện hiệu quả chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hà Nam. Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại thông qua công tác tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, chủ động triển khai thực hiện các chương trình, đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình đầu tư, hoạt động. Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của các khu du lịch, danh lam thắng cảnh trên địa bàn…

Hội nhập quốc tế  Động lực cho phát triển
Doanh nghiệp kiến nghị, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Hội nghị Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Ảnh: Hân Hân 

Hà Nam luôn coi hội nhập quốc tế là nội dung thường xuyên, quan trọng trong các chiến lược, kế hoạch phát triển của tỉnh. Quán triệt các nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch... góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn.

Nội dung: Nguyễn Oanh.

Thiết kế: Đức Anh.

baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy