Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về du lịch, phát triển theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương, phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Cùng với các loại hình du lịch truyền thống, du lịch cộng đồng phát triển sẽ góp phần tác động tích cực tới sự phát triển các làng nghề truyền thống của Hà Nam.

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

Du lịch cộng đồng ở Hà Nam được biết đến từ các mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh của một số nông dân ở Phù Vân (TP Phủ Lý), làng dệt lụa Nha Xá (Duy Tiên), xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân)… Ông Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Dệt lụa Nha Xá cho biết: Nhờ sự phát triển của mạng xã hội mà du khách biết được những địa điểm tham quan thú vị ở vùng nông thôn Hà Nam, trong đó có các làng nghề truyền thống. Cách đây hai tháng, một đoàn du khách từ miền Trung qua Hà Nam đã ghé thăm làng nghề dệt, họ biết sản phẩm của làng nghề qua mạng internet. Hơn nữa, trước khi đến đây, họ đã dừng chân ở thị trấn Đồng Văn,  uống trà sen cụ Trưởng An, mua trà về làm quà. Họ được ông chủ làm trà sen dẫn ra đầm sen chụp ảnh, đến xem gia đình thực hiện các công đoạn ướp trà. Đoàn du khách mong muốn một ngày gần nhất được quay lại Hà Nam khi biết nơi đây còn nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn khác.

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề
Anh Lê Văn Bách, thị trấn Ba Sao vừa làm vườn, vừa phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu.

Vài năm trở lại đây, khi Khu du lịch Tam Chúc hấp dẫn du khách mọi miền, anh Lê Văn Bách ở Tổ dân phố số 8, thị trấn Ba Sao đã biến vườn na rộng hơn 7ha của mình thành địa điểm tham quan, chụp ảnh, mua quà cho nhiều người. Anh Bách cho biết: Nhiều du khách đến đây tỏ ra rất thích thú, họ như được hòa mình vào cuộc sống bình dị, thôn dã. Muốn được thưởng thức những đồ ăn, thức uống mang hương vị núi rừng. Để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách, anh Bách nuôi gà, săn cua núi, chăn dê, thả lợn rừng… Các món ăn anh chế biến đều mang một hương vị riêng được nhiều du khách đánh giá cao. Cái tên Lê Văn Bách trở nên thân quen với nhiều du khách gần xa khi đến Ba Sao hôm nay…

Về Phù Vân, du khách có thể ghé thăm những đầm sen cảnh mang hương sắc 3 miền. Đến thăm khu du lịch sinh thái hoa, cây cảnh của HTX du lịch sinh thái, hoa, cây cảnh Phù Vân, du khách được hòa mình vào không gian rộng lớn với nhiều loại  hoa, cây cảnh độc đáo. Ông Lê Đức Ân, Giám đốc HTX du lịch sinh thái, hoa cây cảnh Phù Vân chia sẻ, mô hình du lịch sinh thái vẫn đang trong quá trình đầu tư, xây dựng hướng tới một khu du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách. Các sản phẩm của làng nghề trồng hoa cây cảnh Phù Vân sẽ được giới thiệu, trưng bày tại đây thông qua các mô hình trải nghiệm thú vị như nhà vườn, ruộng lúa, vườn hoa, ao cá…

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

Ông Ân quyết tâm thực hiện dự án du lịch này với mong muốn mang lại đời sống kinh tế khá giả cho nhân dân làng nghề trồng hoa, đưa vùng đất khó khăn này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Thu nhập của người dân làng nghề không chỉ từ trồng hoa mà còn từ các dịch vụ khác. Ông Lê Đức Ân chia sẻ: Du lịch cộng đồng sẽ giúp cho các làng nghề truyền thống của địa phương có một hướng đi mới. Người dân làm nghề không còn nghĩ mình sản xuất sản phẩm này chỉ để dùng cho một mục đích mà cần nghĩ nó còn có giá trị văn hóa, tinh thần lớn hơn khi trở thành sản phẩm du lịch. Bản thân người làm nghề cũng phải thay đổi bản thân, chủ động trong tiếp cận thị trường, liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau, làm đầu mối cho các doanh nghiệp kinh doanh. Họ cũng cần nâng cao năng lực thuyết trình để giới thiệu sản phẩm và thu hút khách du lịch tham gia vào các hoạt động trải nghiệm ở làng nghề. Người thợ sẽ phải linh hoạt biến du khách trở thành đại sứ du lịch cho làng nghề của mình, đưa sản phẩm làng nghề đi khắp mọi nơi… Điều quan trọng nhất, du lịch cộng đồng phát triển sẽ tạo cơ hội lớn để những người trẻ tuổi trong các làng nghề không ly hương, ở lại phát triển nghề một cách tự nhiên, đầy hứng thú.

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

Toàn tỉnh Hà Nam hiện có trên 160 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và làng có nghề được công nhận, thu hút hơn 10.000 lao động địa phương làm việc, trong đó có 35 làng nghề truyền thống. Trong khi đó, số mô hình du lịch cộng đồng chỉ manh nha khoảng chục mô hình. Thời điểm loại hình du lịch này bắt đầu có xu hướng phát triển lại phải đối mặt với những khó khăn về dịch bệnh Covid-19. Do đó, có những mô hình chưa kịp triển khai đã phải dừng lại. Cũng giống như làng nghề truyền thống, nhiều tác động xã hội đã làm cho một số làng nghề mai một, khó phục hồi.

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề
Nông trại nho Hạ Đen, xã Đồng Du (Bình Lục) tham quan, trải nghiệm (ảnh trái); Du khách nước ngoài thăm làng nghề Nha Xá (Duy Tiên) (ảnh phải).

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Với quan điểm, bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vùng, miền, địa phương khác nhau. Khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn, thương hiệu của địa phương và quốc gia thông qua phát triển sản phẩm của các làng nghề, đặc biệt là sản phẩm của làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo gắn với việc phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, lành nghề và người lao động ở các địa phương, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Du lịch cộng đồng cùng với các loại hình du lịch khác đang tồn tại và phát triển ở Hà Nam sẽ góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển, thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống xã hội của nhân dân. Theo ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thời gian tới việc thiết kế, xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, tham quan, giáo dục, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống, liên kết chặt chẽ với các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của làng nghề và các sản phẩm của địa phương là rất cần thiết. Du lịch cộng đồng sẽ trở thành loại hình du lịch không thể thiếu trong chính sách, đề án phát triển du lịch của Hà Nam. Đồng thời, lồng ghép với các chính sách về phát triển vùng, xây dựng nông thôn mới và phát triển cộng đồng.

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

Ông Mai Thành Chung chia sẻ, du lịch Hà Nam cho đến thời điểm này vẫn đang khai thác tốt thị trường khách du lịch nội địa. Trong năm 2021, Hà Nam đón gần 2,58 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,49 triệu khách du lịch nội địa, khách quốc tế 67,3 nghìn lượt. Ngành văn hóa - thể thao và du lịch đã nỗ lực tổ chức thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đưa những thông tin về các sản phẩm, điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh đến với công chúng, du khách một cách tiện lợi nhất và nhanh nhất. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, những hoạt động góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng lao động tới những nghề mới như chế biến thức ăn, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe… Khi các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng phát triển, lực lượng lao động này sẽ tham gia vào phục vụ các hoạt động du lịch tích cực, hiệu quả. Các mô hình du lịch cộng đồng không giới hạn thời điểm, luôn mở ra những cánh cửa để du khách đến các làng nghề truyền thống của Hà Nam, khơi dậy tiềm năng du lịch của làng nghề, tạo nên một không khí mới, diện mạo mới cho các vùng nông thôn.

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

So với các địa phương khác trong cả nước, số làng nghề truyền thống ở Hà Nam không nhiều, nhưng có những làng nghề độc đáo, hấp dẫn du khách. Khi du lịch cộng đồng phát triển, chính là cơ hội để các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đây là nhận xét, đánh giá của ông Trịnh Quốc Đạt (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  xung quanh việc triển khai thực hiện Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Quyết định 801).

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

P.V: Thưa ông, Quyết định 801 với mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với kinh tế du lịch có tác động như thế nào đối với các hoạt động làng nghề và du lịch cộng đồng hiện nay?

Ông Trịnh Quốc Đạt: Chính phủ ban hành chính sách mới, cụ thể hơn về hoạt động, phát triển làng nghề với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân… góp phần thúc đẩy kinh tế  - xã hội nông thôn phát triển bền vững. Cụ thể, đến năm 2030, cả nước sẽ khôi phục và bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống, 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Đồng thời, công nhận thêm 213 nghề mới, 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng hơn 300 làng nghề gắn với du lịch, trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả.

Quyết định này đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch, nhất là trong giai đoạn sắp tới đây.

P.V: So với trước đây, Quyết định 801 có gì khác biệt, thưa ông?

Ông Trịnh Quốc Đạt: Quyết định này nhấn mạnh, hướng trọng tâm các nhiệm vụ đến phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới. Đối với quy hoạch phát triển làng nghề, các địa phương thực hiện quyết định này sẽ trở nên đa dạng hơn, thuận lợi hơn. So với trước đây, làng nghề truyền thống hiện nay đang đứng trước vận hội và thử thách lớn trong thời kỳ hội nhập. Không chỉ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong nước mà còn của các nước ASEAN đa dạng, phong phú hơn, chất lượng, giá cả phù hợp… tính cạnh tranh cao. Vì thế, Quyết định 801 mở ra cho các làng nghề hướng đi mới, vừa phát triển làng nghề, vừa cạnh tranh để tồn tại. Đặc biệt, phát triển làng nghề được gắn với du lịch, hướng tới phát triển thương mại điện tử, mở rộng quy mô và tầm ảnh hưởng ở mọi khía cạnh đời sống, như thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới…

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

P.V: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nam, đặc biệt khi du lịch cộng đồng đang từng bước hấp dẫn du khách và những người làm du lịch ở các vùng nông thôn?

Ông Trịnh Quốc Đạt: Tổng số các làng nghề ở Hà Nam so với các địa phương khác không nhiều, nhưng lại có các làng nghề truyền thống khá độc đáo, mang bản sắc văn hóa đặc trưng. Thí dụ như lụa Nha Xá, bánh đa nem làng Chều, dệt Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, gốm Quyết Thành, thêu ren Thanh Hà…

Đối với lụa Nha Xá, tôi luôn cho rằng sản phẩm đang có những ưu thế nhất định trên thị trường, trước cả lụa Vạn Phúc - Hà Đông. Bởi vì, ở Vạn Phúc, số hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm này không còn nhiều như trước, nguồn nguyên liệu hầu như phải nhập từ các nơi khác về, trong đó có cả hàng Trung Quốc. Thế nhưng ở Nha Xá, làng nghề khá tốt. Địa phương đang kết hợp phát triển làng nghề với du lịch, đưa tiếng tăm của làng nghề vang xa hơn. Đặc biệt, trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới, địa phương đã xây dựng mục tiêu phát triển làng nghề gắn với du lịch rất rõ ràng nên thời gian qua, diện mạo làng nghề có những thay đổi lớn, cảnh quan đẹp đẽ, sáng sủa, hấp dẫn du khách.

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

P.V: Du lịch cộng đồng ở Hà Nam đang từng bước hình thành và phát triển, ông có nghĩ nó sẽ tác động tích cực tới các làng nghề truyền thống ở Hà Nam hiện nay?

Ông Trịnh Quốc Đạt:  Du lịch cộng đồng đang là xu thế phát triển mới của du lịch nông thôn. Tác động rất tích cực đến các địa phương có làng nghề truyền thống nổi bật như Hà Nam. Một số vùng nông thôn như Phù Vân, Lý Nhân, Bình Lục đang có những dự án phát triển du lịch cộng đồng, bước đầu đã hấp dẫn du khách, nhưng còn thiếu những dịch vụ cơ bản để các sản phẩm du lịch thực sự níu chân du khách, hấp dẫn du khách như vận tải, thương mại. Bởi bất kỳ du khách nào khi đến điểm du lịch đều có nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan, ăn uống, giải trí. Các dịch vụ ăn uống, giải trí, nghỉ dưỡng càng phong phú, càng đa dạng bao nhiêu càng hấp dẫn khách bấy nhiêu. Trong thời gian này, du khách mới có điều kiện được dẫn dắt đến những sản phẩm du lịch làng nghề. Họ có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm ở làng nghề, mua sắm quà từ sản phẩm làng nghề, trở thành đại sứ du lịch làng nghề đó thông qua các nền tảng công nghệ để quảng bá làng nghề, sản phẩm làng nghề rất tích cực.

Muốn có được điều này, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề phải có sự liên kết cùng chung mục tiêu phát triển du lịch và làng nghề. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần có sự linh hoạt trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, có quy hoạch cụ thể đối với làng nghề và du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách phù hợp cho phát triển làng nghề.

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

P.V: Theo ông, đâu là rào cản đối với các làng nghề Hà Nam trong phát triển du lịch cộng đồng hiện nay?

Ông Trịnh Quốc Đạt: Đặc điểm của làng nghề truyền thống Hà Nam cũng như ở nhiều nơi là ít doanh nghiệp lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở làng nghề chủ yếu mang tính chất hộ gia đình. Đã là hộ gia đình, khả năng tổ chức, quản lý, vốn, kiến thức thị trường và kỹ năng marketing luôn bộc lộ những hạn chế. Do đó, rất ít làng nghề truyền thống trở thành điểm du lịch phát triển và hấp dẫn du khách. Người dân chưa hiểu hết về du lịch cộng đồng, chưa nhận thức đầy đủ du lịch cộng đồng sẽ góp phần quan trọng tạo việc làm, bảo đảm sinh kế, nâng cao thu nhập cho chính bản thân họ.

Trong khi đó, việc tổ chức các nguồn tài nguyên du lịch và các hoạt động du lịch ở nông thôn, các làng nghề truyền thống còn mang tính hình thức, tự phát, thiếu chặt chẽ. Trong quy hoạch phát triển du lịch, du lịch cộng đồng chưa được cụ thể về tiêu chí, sản phẩm cũng như nguồn lực đầu tư.

Mặc dù trong đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng, Hà Nam có nhiều điều kiện để phát triển khi các dự án và nhà đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, những vùng sản xuất nông nghiệp xanh được mở rộng… Nhưng con đường đưa du khách đến với các hoạt động du lịch cộng đồng đúng nghĩa còn chưa rõ ràng, chưa hấp dẫn.

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

Du lịch cộng đồng  Khơi dậy tiềm năng của làng nghề

P.V: Vậy để du lịch cộng đồng phát huy vai trò động lực, thúc đẩy làng nghề truyền thống phát triển, theo ông Hà Nam cần có những giải pháp gì?

Ông Trịnh Quốc Đạt: Cần có cơ chế, chính sách rõ ràng đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các cấp chính quyền địa phương trong tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch. Tôi nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tiến hành quy hoạch chi tiết cho phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống và giám sát, quản lý các hoạt động du lịch ở đây theo quy hoạch; tư vấn, giúp đỡ địa phương thành lập các tổ, nhóm sản xuất nghề, phát triển du lịch và quản lý các hoạt động du lịch cộng đồng theo mô hình tổ, nhóm… Hỗ trợ các hộ gia đình tham gia sản xuất nghề truyền thống về cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo cảnh quan  nhưng vẫn bảo tồn được kiến trúc truyền thống, môi trường sạch sẽ, an toàn, hấp dẫn khách du lịch.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Chu Uyên

Ảnh: Chu Uyên; Khánh Chi, Thế Trang

Thiết kế: Quốc Khánh

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy