Quản lý, giúp đỡ những người đã chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trở về tái hòa nhập cộng đồng là một việc làm thể hiện đậm nét tính nhân văn. Từ nhận thức đó, những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT khi trở về địa phương luôn được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, giúp những người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới. Đến nay, nhiều người lầm lỗi sau khi CHXAPT trở về địa phương đã ổn định cuộc sống, vươn lên trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Anh Đinh Văn Long (trú tại tổ 5, phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý) là một trong những cá nhân tiêu biểu về nghị lực vươn lên sau những ngày lầm lỡ, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Trở về quê hương sau khi CHXAPT về tội “cố ý gây thương tích”, bản thân anh Long cũng như rất ít người nghĩ rằng anh có thể trở thành một chủ xưởng gỗ lớn ở địa phương.
Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Long cho biết, năm 2008 anh bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên mức án 14 năm 6 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích” và chấp hành án tại Trại giam A2 (Diên Khánh, Khánh Hòa). Sau hơn 10 năm chấp hành án, do cải tạo tốt, năm 2018 anh được ân xá trở về địa phương. Thời gian đầu mới ra tù, anh luôn mặc cảm, tự ti bởi suy nghĩ sẽ bị nhiều người kỳ thị, xa lánh. Bắt tay vào sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất (do trước đó đã được học nghề trong trại giam) nhưng anh Long chưa lường hết được những khó khăn như thiếu vốn, thiếu thiết bị, máy móc…
Thấu hiểu hoàn cảnh của anh Long, Trung tá Trương Quang Hà, Trưởng Công an phường Thanh Tuyền cùng cán bộ, chiến sĩ Công an phường đã luôn gần gũi, động viên và đứng ra nhận bảo lãnh, giúp anh Long vay 50 triệu đồng không lãi từ một doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm để có vốn làm ăn. Anh Long bộc bạch: “Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in lời anh Hà nói với tôi khi đứng ra bảo lãnh cho tôi vay vốn, rằng đây là danh dự của toàn ngành công an chứ không phải chỉ của bản thân anh hay Công an phường. Chính điều này đã giúp tôi nỗ lực cố gắng mỗi ngày để xây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay”. Hiện nay, không chỉ vững vàng về kinh tế, anh Long còn giang tay đón nhận những người từng một thời lầm lỗi như mình vào xưởng gỗ làm việc. Xưởng gỗ của anh Long đang có 5 công nhân thì 4 trong số đó là những người mãn hạn tù, từng có quá khứ lầm lỡ như anh. Ngoài chú trọng phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho những người một thời lầm lỗi, thời gian gần đây, anh Long còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, như một cách tri ân những người đã tiếp bước cho anh trở lại với cuộc đời lương thiện.
Cũng như anh Đinh Văn Long, chị Dương Kiều Nhung (trú tại Tổ dân phố Nguyễn Hữu Tiến, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên), CHXAPT năm 2017 với bản án 2 năm tù giam về tội danh “Ghi lô đề trái phép”. Những ngày đầu trở về với gia đình, sống trong mặc cảm trĩu nặng, chị thu mình trong bốn bức tường, ý nghĩ sẽ tìm đến sống ở một nơi thật xa, không ai biết đến mình luôn thường trực trong đầu. Hiểu được những khó khăn chị gặp phải khi tái hòa nhập cộng đồng, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, nòng cốt là hội phụ nữ (HPN), công an phường đã trực tiếp đến gặp gỡ, chia sẻ những vấn đề khúc mắc, động viên, giúp đỡ chị tham gia Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin phụ nữ” (do HPN phường Đồng Văn sáng lập). HPN phường còn đứng ra vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ chị Nhung 5 triệu đồng, cùng với đó tạo điều kiện cho chị vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng kinh doanh. Với sự cởi mở, chân tình, bao dung của chị em HPN, cán bộ, chiến sĩ công an phường cũng như bà con xóm phố, chị Dương Kiều Nhung dần xóa đi mặc cảm, lấy lại niềm tin vào bản thân và cuộc sống. Hiện tại, chị đã có một cửa hàng bán nước giải khát và ăn sáng, mỗi tháng cho thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng.
Những trường hợp như anh Long, chị Nhung ở trên địa bàn tỉnh không phải là hiếm. Những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng công an, cộng đồng doanh nghiệp, hàng trăm đối tượng đặc xá, tha tù trở về địa phương đã hoàn lương, có công ăn việc làm ổn định, vươn lên trong cuộc sống và có thêm niềm tin, quyết tâm quay về với nẻo thiện.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng cần huy động sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, trong đó việc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an về công tác tham mưu, chủ trì phối hợp tổ chức triển khai là giải pháp rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS&HTTP), Công an tỉnh, tính đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh có 1.276 người CHXAPT đang cư trú tại các địa phương, trong đó có 1.239 người đã được xóa án tích. Phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, chủ trì phối hợp thực hiện Nghị định 80/CP của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT, giai đoạn 2021 - 2023, Phòng Cảnh sát THAHS&HTTP, Công an tỉnh đã tích cực, chủ động giúp Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành 12 văn bản về công tác thi hành án hình sự, hòa nhập cộng đồng và công tác đặc xá; ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, triển khai công tác thi hành án hình sự, hòa nhập cộng đồng. Đơn vị cũng đã chủ trì giúp Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa 8 sở, ban, ngành trong công tác thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng sớm tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), hạn chế vi phạm, tái phạm; chỉ đạo cơ quan THAHS công an huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê tình hình người CHXAPT; nhu cầu vay vốn và những trường hợp người CHXAPT đã được giải quyết cho vay vốn; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Phòng Cảnh sát THAHS&HTTP cũng đã chủ trì tham mưu Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố coi trọng thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng.
Từ sự chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ trên đây, thời gian qua công an các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực trong công tác này, đem lại lòng tin cho nhân dân nói chung, những người đặc xá, tha tù trở về địa phương nói riêng. Với vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong tham mưu, chủ trì phối hợp triển khai thực hiện, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.276 người CHXAPT đang cư trú tại địa phương được quản lý, giáo dục, giúp đỡ, trong đó có 1.239 người đã được xóa án tích cực lao động, làm ăn lương thiện, hòa nhập cộng đồng. Thông qua vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong chủ trì tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện, toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng, duy trì có hiệu quả 17 mô hình, có 18 cá nhân điển hình tiên tiến, 82 người chấp hành tiến bộ tiêu biểu trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Điển hình như các mô hình: “2+1” (2 cựu chiến binh giúp đỡ một người tha tù về địa phương) của Hội Cựu chiến binh thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục; “Chung tay, góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” (Công an phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý); “Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin phụ nữ” (Hội Phụ nữ phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên); “3+1” (1 cán bộ Hội Phụ nữ Công an tỉnh phối hợp với 1 hội viên phụ nữ công an huyện, thị xã, thành phố và 1 hội viên phụ nữ cơ sở giúp đỡ một nữ tha tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng); “Hỗ trợ con giống, vật nuôi cho gia đình có người đang chấp hành án phạt tù tại trại giam” (Công an xã Đạo Lý, Lý Nhân)…
Cũng nhờ chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong chủ trì tham mưu, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT, từ năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã hướng dẫn thực hiện đăng ký cư trú cho 1.057 người; hướng dẫn cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân cho 1.838 người; hướng dẫn thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp cho 620 người; hỗ trợ thực hiện thủ tục pháp lý, hành chính khác cho 815 người; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 486 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho 185 người; phối hợp, hỗ trợ vay vốn đào tạo nghề, tạo việc làm cho 55 người (với tổng số vốn gần 600 triệu đồng); phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho 6 người (với số tiền gần 200 triệu đồng); phối hợp trao tặng hàng trăm suất quà động viên người CHXAPT (với tổng số tiền trên 200 triệu đồng). Những mô hình do lực lượng công an chủ trì tham mưu đề xuất thực hiện trong công tác này đã, đang đồng hành và tạo điều kiện giúp đỡ những người một thời lầm lỗi vượt qua mặc cảm, tự ti, vươn lên làm lại cuộc đời.
Với những hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ cụ thể, thiết thực về tinh thần, vật chất từ phía cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, nhiều trường hợp người lầm lỗi sau khi CHXAPT về địa phương đã được tạo điều kiện tìm kiếm việc làm, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, qua thực tế triển khai thực hiện, việc giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng hiện còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc giúp đỡ người lầm lỗi sau khi CHXAPT, không kịp thời nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng, địa điểm sinh sống của đối tượng. Công tác triển khai phổ biến, quán triệt, tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực này có lúc chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Việc cập nhật thông tin dữ liệu của Sở Tư pháp với các cơ quan tố tụng phục vụ công tác tra cứu dữ liệu xóa án tích cho người chấp hành xong bản án có thời điểm chưa đồng bộ, kịp thời. Số đối tượng CHXAPT được sự giúp đỡ của xã hội mặc dù đã tăng lên qua từng năm nhưng vẫn còn ít. Vẫn còn tâm lý phó mặc nhiệm vụ quản lý, giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng cho lực lượng công an. Công tác tư vấn, giúp đỡ, giới thiệu, giải quyết việc làm cho các đối tượng hiệu quả chưa cao; việc tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh cho người lầm lỗi còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo Thượng tá Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng Cảnh sát THAHS&HTTP, Công an tỉnh, thực tiễn cho thấy công tác tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình khó khăn, phức tạp, cần sự kiên trì, nỗ lực thực hiện đồng bộ, lâu dài của cả cộng đồng. Những người CHXAPT trở về địa phương thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, khó tìm được việc làm ổn định. Đây là nguyên nhân chính khiến người CHXAPT khó hòa nhập cộng đồng, từ đó dễ dẫn đến nguy cơ tái phạm tội. Chính vì vậy, để thực hiện hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với những người được tha tù, mãn hạn tù rất cần sự vào cuộc, chung tay của gia đình, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội, nhất là trong công tác phối hợp dạy nghề, xây dựng những mô hình lao động sản xuất phù hợp, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay giúp người CHXAPT có việc làm, thu nhập ổn định. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể cần tích cực vào cuộc hơn nữa trong việc tổ chức những hoạt động giao lưu, tọa đàm, gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người CHXAPT là đoàn viên, hội viên để tham mưu thực hiện tốt việc phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ tham gia các mô hình khởi nghiệp đối với người CHXAPT.
Ở một khía cạnh khác, không chỉ thời điểm người CHXAPT trở về địa phương mới cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện mà ngay từ khi đang chấp hành án phạt, cải tạo, người phạm tội cũng rất cần được giáo dục kết hợp định hướng, đào tạo nghề. Thực tiễn cho thấy, nhiều phạm nhân trước khi phạm tội không có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, vì vậy, lao động, định hướng, dạy nghề đối với phạm nhân có vai trò rất quan trọng và cần thiết, bởi môi trường lao động, học nghề sẽ giúp phạm nhân hiểu rõ giá trị cuộc sống; đồng thời giúp họ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tránh bị rơi vào trạng thái bi quan, buồn chán, từ đó tự giác, tích cực cải tạo tốt để sớm được giảm án, quay trở lại tái hòa nhập cộng đồng. Nếu được giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề một cách bài bản, chu đáo ngay trong quá trình cải tạo, giam giữ sẽ tạo thuận lợi cho người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Bởi khi trở về địa phương, cộng thêm sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, chính quyền, cộng đồng sẽ giúp người lầm lỗi sớm đoạn tuyệt với quá khứ, nỗ lực phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Nội dung: Trần Ích.
Thiết kế: Đức Anh.
baohanam.com.vn