Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp

Các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh hiện có 344 doanh nghiệp thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Các doanh nghiệp hoạt động đa dạng, trong đó có nhiều ngành nghề có nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ cao như sản xuất hàng dệt may, giấy, hàng điện tử, gỗ… nếu để xảy ra cháy nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Xác định rõ điều đó, công tác quản lý nhà nước về PCCC luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về PCCC. 

Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp
Theo Công an tỉnh, khoảng 5 năm trở lại đây, số vụ cháy tại các KCN trên toàn tỉnh liên tục giảm qua từng năm và Hà Nam được đánh giá là một trong những địa phương trên cả nước có ít số vụ cháy nổ nghiêm trọng xảy ra tại các KCN. Tính từ năm 2017 trở lại đây, xảy ra 2 vụ cháy nổ tại KCN Đồng Văn I. Trong đó, một vụ xảy ra tại Công ty cổ phần Giấy Hoàng Hà do sự cố về kỹ thuật lò hơi; vụ cháy còn lại vừa mới xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển vật liệu mới VIP, hiện đang được cơ quan chức năng thống kê, làm rõ nguyên nhân, thiệt hại. 

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Chiền, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) (Công an tỉnh), thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động  nắm bắt tình hình, đánh giá đúng thực trạng công tác PCCC tại các doanh nghiệp trong KCN, chú trọng đến các cơ sở trọng điểm, nguy cơ cháy nổ cao; tăng cường kiểm tra an toàn PCCC, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở và lực lượng PCCC cơ sở thực hiện các biện pháp bảo đảm PCCC tại nơi làm việc. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác PCCC; kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục những tồn tại, thiếu sót, vi phạm về PCCC cũng như đưa ra các biện pháp hiệu quả trong quản lý nhà nước về PCCC. 

Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp

Nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn cũng như mức độ thiệt hại khi có cháy nổ xảy ra, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm đẩy mạnh. Công an tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp trong KCN triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn về PCCC. Về phía Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh, hằng năm đều tiến hành rà soát, nhắc nhở đôn đốc chủ cơ sở kinh doanh hạ tầng các KCN đầu tư mua xe chữa cháy, bổ sung, thay mới các phương tiện, dụng cụ phục vụ chữa cháy đã hư hỏng, không bảo đảm chất lượng, không đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Các KCN khi đi vào hoạt động đều thành lập được đội PCCC chuyên ngành; thực hiện thiết kế, lắp đặt hệ thống  cung cấp nước cho công tác PCCC. 

Tại KCN Đồng Văn III (Duy Tiên) và Đồng Văn IV (Kim Bảng), chủ đầu tư hạ tầng đã đầu tư 4 xe chữa cháy theo quy định. Phần lớn doanh nghiệp trong các KCN đã thực hiện đúng  quy định của pháp luật về PCCC, đáp ứng yêu cầu khi có cháy nổ xảy ra. Điển hình là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đã lập hồ sơ theo dõi, quản lý công tác PCCC và trang bị đầy đủ hệ thống trang thiết bị PCCC theo quy định. 100% doanh nghiệp đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114” cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận các thông tin, tin tức, kiến thức, kỹ năng an toàn PCCC và CNCH, kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng khi có cháy nổ xảy ra… 

Ông Kim Sung Ju, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, KCN Đồng văn I (Duy Tiên) - doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất các mặt hàng công nghệ cao về LED cho biết: Công tác PCCC có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn môi trường làm việc và tính mạng người lao động nên ngay từ khi xây dựng nhà xưởng, công ty đã lắp đặt đầy đủ các thiết bị PCCC. Cùng với đó, thành lập đội PCCC cơ sở với trên 30 thành viên theo đúng quy định của Luật PCCC. Đồng thời, công ty tuyên truyền tới 100% nhân viên, người lao động cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114”. Hằng năm, công ty đều xây dựng và thực tập phương án PCCC phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở mình và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC. 

Theo đánh giá của BQL các KCN tỉnh, trong những năm gần đây, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC trong các KCN đã được nâng lên rõ rệt. Số vụ cháy nổ cũng như thiệt hại do cháy nổ gây ra trong KCN đã được hạn chế nhiều so với những năm trước đây. Đặc biệt, công tác chữa cháy ban đầu của lực lượng PCCC tại chỗ phát huy hiệu quả, các vụ cháy được dập tắt ngay từ khi mới phát sinh, không để bùng phát gây cháy lớn. Bên cạnh đó, công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC được chú trọng. Thông qua phong trào, các doanh nghiệp đã chủ động tự cải thiện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và khả năng xử lý sự cố cháy nổ của lực lượng tại chỗ.

Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp

Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp
Mặc dù số vụ cháy nổ tại các KCN không nhiều nhưng hầu hết các vụ cháy xảy ra đều gây ra những thiệt hại đáng kể về tài sản, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người lao động. Có thể kể đến một số vụ cháy điển hình từ năm 2015 đến nay như: Tại KCN Châu Sơn (TP Phủ Lý), xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Đầu tư DNA gây thiệt hại tài sản cho doanh nghiệp khoảng 1 tỷ đồng; vụ cháy xưởng ép bông phế liệu thuộc Công ty TNHH Dệt Hà Nam khiến cho gần 2.000m2 nhà xưởng bị thiêu rụi; vụ cháy kho bán thành phẩm thuộc Công ty TNHH Quang Quân (KCN Đồng Văn I, Duy Tiên) đã thiêu cháy khu nhà kho và gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng 500 triệu đồng; vụ cháy tại Công ty cổ phần Giấy Hoàng Hà (KCN Đồng Văn I, Duy Tiên) gây thiệt hại trên 200 triệu đồng… 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy nổ được xác định là do sự cố về điện hoặc sự cố kỹ thuật, sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong quá trình sản xuất. Thượng tá Nguyễn Văn Chiền, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) khẳng định: Các doanh nghiệp trong KCN thường có diện tích nhà xưởng lớn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động ở các ngành nghề có sử dụng nguyên vật liệu dễ cháy như may mặc, dệt sợi, hóa chất, chế biến gỗ, giấy... nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, nếu xảy ra cháy sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và môi trường đầu tư tại các KCN. Vì vậy, những năm qua, Công an tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát PCCC tại các doanh nghiệp trong KCN, nhất là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh gửi gần 4 triệu tin nhắn đến các thuê bao điện thoại di động trong tỉnh để tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp PCCC.

Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp

Thực tế kết quả kiểm tra, giám sát công tác PCCC của các ngành chức năng cho thấy, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ tại các nước như Trung Quốc, Mỹ… nên kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC bị giảm bớt; hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, trang bị bổ sung các phương tiện, hệ thống PCCC bị chậm trễ. Một số doanh nghiệp sau thời gian tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, khi hoạt động lại, hệ thống điện, máy móc thiết bị điện không được kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng nên dễ phát sinh các sự cố điện. Một số công ty tự ý cơi nới, cải tạo công trình, thay đổi công năng sử dụng, cơi nới các mái che, mái nối nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC bổ sung theo quy định, không có giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, vượt quá diện tích khoang cháy của nhà xưởng, nhà kho, do đó khi xảy ra cháy rất dễ gây cháy lan, cháy lớn giữa các nhà xưởng. 

Người đứng đầu một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với công tác PCCC, còn chủ quan, thiếu quan tâm đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về PCCC. Trong khi đó, do là nơi tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu thuộc nhóm dễ cháy nên khi xảy ra cháy nổ, vận tốc cháy lan lớn, nếu không tổ chức cứu chữa kịp thời, đám cháy bùng phát rất nhanh, gây khó khăn cho công tác cứu hộ. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), bình quân mỗi năm, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH tiến hành kiểm tra 100% số cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các KCN với tổng số gần 700 lượt doanh nghiệp được kiểm tra. Từ năm 2021 đến nay, qua kiểm tra, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã xử phạt 51 trường hợp vi phạm quy định về PCCC, xử phạt hành chính trên 600 triệu đồng. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng đã kiểm tra 350 lượt cơ sở, hướng dẫn các cơ sở khắc phục 720 tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC. 

Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, những vi phạm chủ yếu của doanh nghiệp trong công tác PCCC tại các KCN hiện nay là: Đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC; cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC; không thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ; không tự kiểm tra an toàn PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật; bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn…

Theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng BQL các KCN tỉnh, công tác PCCC tại các KCN hiện vẫn còn những hạn chế nhất định, gây khó khăn trong công tác CNCH khi có cháy nổ xảy ra. Cụ thể là một số KCN chưa xây dựng được phương án chữa cháy cho toàn khu theo quy định của Luật PCCC; chưa bố trí địa điểm xây dựng đơn vị cảnh sát PCCC ở nơi phù hợp với quy hoạch để bảo đảm cho các hoạt động thường trực sẵn sàng chiến đấu, tập luyện, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy; chưa bố trí được các ao, hồ tự nhiên dự trữ nước phục vụ công tác PCCC theo quy định. Nhiều doanh nghiệp trong các KCN chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCCC như: chưa bảo đảm kinh phí cho công tác PCCC; không tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về PCCC; chưa lắp đặt hệ thống PCCC theo quy định… 

Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp

Nhằm bảo đảm an toàn PCCC, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra trong các KCN, thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong KCN tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ PCCC cho cán bộ, nhân viên, người lao động và lực lượng PCCC chuyên ngành trong các đơn vị, doanh nghiệp. 

Trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, lực lượng cảnh sát PCCC phối hợp với doanh nghiệp trong các KCN tổ chức trên 300 buổi tập huấn về kỹ năng PCCC cho cán bộ, nhân viên, thành viên đội PCCC của doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) đã phối hợp với 121 doanh nghiệp trong các KCN tổ chức tập huấn công tác PCCC cho gần 3.000 người lao động. Nội dung tập huấn bám sát vào những kiến thức pháp luật cơ bản về công tác PCCC và CNCH; phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC trong doanh nghiệp; biện pháp, kỹ thuật, đội hình chữa cháy; phương pháp xây dựng, thực tập phương án chữa cháy; tính năng, tác dụng và cách sử dụng trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ PCCC, CNCH thông dụng… 

Bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp

Tại các buổi tập huấn, hoạt động diễn tập chữa cháy là một trong những nội dung chính được lực lượng cảnh sát PCCC quan tâm triển khai thực hiện với nhiều phương án giả định được xây dựng dựa vào các yếu tố về địa hình, quy mô nhà xưởng, nguyên liệu hàng hóa, lĩnh vực sản xuất của từng đơn vị, doanh nghiệp. Ông Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam khẳng định: Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sumi Việt Nam luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành chức năng về PCCC theo phương châm “phòng lửa hơn chống lửa”. Mỗi năm, công ty đều xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC của Công an tỉnh tổ chức từ 1-2 lớp tập huấn về kỹ năng PCCC và CNCH cho toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động. Qua các buổi tập huấn, người lao động nắm bắt được những kiến thức cơ bản về công tác PCCC; cách bảo quản phương tiện chữa cháy; phương pháp, biện pháp, kỹ thuật chữa cháy, quy trình tổ chức công tác CNCH khi có sự cố tai nạn; kĩ năng sử dụng các phương tiện chữa cháy được trang bị tại cơ sở như bình chữa cháy, hệ thống cấp nước chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm, cứu trợ người bị nạn…

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, trong những năm qua, công tác tập huấn kỹ năng về PCCC đã được Công an tỉnh và các doanh nghiệp tổ chức thường xuyên, đúng quy định. Lồng ghép vào nội dung các buổi tập huấn, lực lượng cảnh sát PCCC còn kết hợp kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp duy trì thường xuyên chế độ và trình tự kiểm tra PCCC trong cơ sở; rà soát và niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ về cháy, nổ; nghiêm cấm các hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong các nhà xưởng, kho hàng; thường xuyên kiểm tra hệ thống công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất, hệ thống điện để phát hiện kịp thời những yếu tố mất an toàn và có biện pháp khắc phục. 

Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về tăng cường công tác PCCC trong các KCN, thời gian tới, cùng với công tác kiểm tra, giám sát, Công an tỉnh tiếp tục đôn đốc, phối hợp với doanh nghiệp triển khai tốt công tác tập huấn kỹ năng về PCCC cho người lao động, lực lượng PCCC trong các KCN. Từ đó, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm chủ động của doanh nghiệp, người lao động trong việc ứng phó nhanh khi có cháy nổ xảy ra. Đồng thời, thường xuyên tập luyện, bảo đảm phương tiện, lực lượng, thường trực chiến đấu 24/24 giờ, góp phần thực hiện công tác phòng ngừa cháy nổ, tham gia chữa cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra trong các KCN.

Nội dung: Nguyễn Oanh

Ảnh: Hân Hân

Thiết kế: Quốc Khánh

Trương Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy