Kinh nghiệm đi chùa Hương từ A – Z mới nhất 2020

Một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hà Nội là chùa Hương. Cùng lưu ngay kinh nghiệm đi chùa Hương chi tiết nhất để có một chuyến du xuân ý nghĩa.

Chùa Hương ở đâu?

Chùa Hương là một quần thể tôn giáo – văn hóa nổi tiếng ở miền Bắc nước ta, tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa đẹp này nằm cách trung tâm thủ đô khoảng 60 km. Du khách muốn đến đây vãn cảnh, viếng chùa, có thể mất khoảng 2 tiếng di chuyển nếu xuất phát từ trung tâm.

Chùa Hương là điểm du xuân được yêu thích ở Hà Nội. Ảnh: summernguyen2109

Hà Thành vốn có nhiều điểm du lịch tâm linh nhưng chùa Hương vẫn là nơi người dân và du khách ghé thăm nhiều nhất vào dịp Tết nguyên đán. Hàng năm, cứ vào độ giáp Tết và những ngày đầu xuân, ngôi chùa này lại đón một lượng khách lớn từ khắp nơi đổ về.

Quần thể chùa Hương gồm rất nhiều chùa nhỏ và hang động. Khu vực chính của ngôi chùa chia thành ba phần: chùa Ngoài, tháp chuông với ba tầng mái nằm ở sân thứ ba và chùa Chính nằm trong khu vực động Hương Tích. Đây cũng là lý do mà ngôi chùa này có tên gọi chùa Hương.

Hướng dẫn đường đi đến chùa Hương

Để đến tham quan chùa Hương, bạn có thể chọn di chuyển bằng xe buýt, xe máy hoặc taxi tùy vào điều kiện và sở thích. Nếu muốn đi xe máy cho thoải mái, bạn có thể đi đến tuyến đường Nguyễn Trãi – hướng về Hà Đông. Khi đến ngã ba Ba La, bạn rẽ trái hướng về Vân Đình rồi đi tiếp đến Tế Tiêu và rẽ trái. Tại đây, bạn có thể dùng Google Maps để định vị hoặc hỏi thăm người dân đường đến chùa.

Còn nếu bạn đi xe buýt, bạn nên bắt tuyến 78 đi từ Mỹ Đình đến Tế Tiêu, sau đó tiếp tục đi xe ôm để đến chùa. Ngoài ra, tuyến 75 Yên Nghĩa – Tế Tiêu cũng là lựa chọn cho bạn nếu bạn ở gần khu vực Yên Nghĩa.

Vì chùa Hương nằm trong thung lũng suối Yến. Do đó dù đến đây bằng xe buýt, xe máy hay các phương tiện khác, bạn đều phải gửi xe lại và đi đò, sau đó đi thêm cáp treo mới đến chùa. Do đó, hãy cân nhắc chọn phương tiện di chuyển phù hợp nhất.

Chuẩn bị gì khi đi chùa?

Chùa Hương không chỉ là điểm đến ngắm cảnh mà còn là điểm du lịch tâm linh có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Theo kinh nghiệm đi chùa Hương của các bậc trưởng bối, bạn cần chuẩn bị một ít đồ lễ như: trầu cau, hoa quả, chè, rượu, hương và một ít tiền lẻ. Hiện nay, chùa Hương đã cấm đốt vàng mã nên bạn không cần chuẩn bị vàng mã.

Với du khách chỉ đi vãn cảnh, đặc biệt là những người trẻ, bạn có thể không cần chuẩn bị lễ. Nhưng bạn có thể chuẩn bị tiền lẻ để bỏ vào hòm công đức, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành khi bạn đến chùa, chứ không phải tập trung quá nhiều vào tiền bạc, vật chất.

Lịch trình khám phá vẻ đẹp chùa Hương

Khác với những ngôi chùa đơn độc khác ở Hà Nội, nhắc đến chùa Hương là nhắc đến một quần thể văn hóa – tôn giáo gồm nhiều công trình kiến trúc, thắng cảnh thiên nhiên đan xen vào nhau. Vì thế, tùy thuộc vào quỹ thời gian của mình mà bạn chọn đi thăm toàn bộ quần thể hoặc chọn lọc lộ trình phù hợp, tham quan những điểm nổi bật nhất.

Theo kinh nghiệm đi chùa Hương của nhiều du khách, nếu chỉ có 1 ngày, bạn chỉ nên chọn lộ trình ghé thăm những điểm hấp dẫn nhất là: Đền Trình - Chùa Thiên Trù - Động Tiên Sơn - Chùa Giải Oan - Đền Trần Song - Động Hương Tích - Chùa Hinh Bồng. Những ngôi chùa trên cung đường này mang vẻ đẹp cổ kính, nằm yên bình giữa cảnh sắc núi non nên thơ, hùng vĩ. Nếu đã từng đi Tràng An – Ninh Bình, bạn sẽ thấy cảnh sắc ở đây có phần giống với vẻ đẹp của vùng đất cố đô.

Với những du khách có nhiều thời gian thư thả, ngoài lộ trình kể trên, bạn cũng có thể dành thời gian để tham quan 3 tuyến sau:

Tuyến 1: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm

Tuyến 2: Chùa Thanh Sơn và Động Hương Đài

Tuyến 3: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn

Mỗi tuyến tham quan quần thể chùa Hương đều có chùa, hang, động với vẻ đẹp hữu tình, thanh tịnh, mang đến cho bạn một chuyến hành hương đầu xuân trọn vẹn và ý nghĩa. Tất cả những lộ trình kể trên đều di chuyển bằng đò. Bạn có thể tham khảo giá theo gợi ý được đề cập ngay bên dưới.

Giá tất cả các loại vé đò, cáp treo, thắng cảnh chùa Hương

Giá đi thắng cảnh và đò

Tuyến chính Hương Tích giá 130.000 đồng/người, bao gồm vé thắng cảnh: 80.000 đồng và vé đồ 50.000 đồng. Vé đò các tuyến Thanh Sơn, Tuyết Sơn và Long Vân đồng giá 35.000 đ/khách. Giá vé thắng cảnh áp dụng cho  một lần vào cửa, còn giá đò cho hai lần vào và ra, đã có bảo hiểm cho hành khách. Đặc biệt, nếu bạn đi cùng trẻ em dưới 6 tuổi hoặc người khuyết tật, giá vé sẽ được miễn phí.

Ngoài ra: 

+ Trẻ em dưới 1 mét không phải tốn tiền mua vé thắng cảnh, chỉ tốn tiền đò (bạn có thể thương lượng trực tiếp với người lái đò)

+ Trẻ em cao từ 1,1 mét bắt buộc mua vé tham quan và vé đò

Đò là phương tiện di chuyển chính ở đây. Ảnh: cunchoixe

Đặc biệt, theo kinh nghiệm đi chùa Hương của nhiều người, bạn sẽ được giảm 50% tiền vé vào thắng cảnh nếu thuộc nhóm đối tượng sau: người trên 60 tuổi, người có công với cách mạng, người thuộc diện chính sách xã hội và học sinh, sinh viên. Bạn sẽ phải xuất trình giấy tờ chứng minh để được giảm giá vé khi mua vé tại cổng.

Bên cạnh đó, quần thể chùa Hương sẽ miễn phí vé tham quan vào các dịp đặc biệt trong năm như ngày 30, mùng 1, 2 Tết;  lễ Phật Đản (15/4 âm lịch) và ngày Di sản văn hóa.

Giá vé cáp treo

Khi tham quan chùa Hương và muốn thưởng thức vẻ đẹp của quần thể này từ trên cao, bạn có thể chọn dịch vụ cáp treo với giá:

- Người lớn: 180.000 đồng/vé khứ hồi và 120.000 đồng/vé nếu chỉ đi 1 lượt

- Trẻ em dưới 1,1 mét: 120.000 đồng/vé khứ hồi và 90.000 đồng/vé 1 lượt

Bạn có thể đi cáp treo để thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình nơi đây. Ảnh: Youtube Phạm Sỹ Hòa

Theo Báo Du lịch

Trương Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy