Nổi tiếng với nghề kho cá, làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân càng vào những ngày cuối năm này càng nhộn nhịp bước chân thực khách từ khắp mọi miền về tham quan và mua cá kho ăn Tết. Không khí Tết ở Đại Hoàng như đến sớm hơn mọi nơi…
Làng Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) nằm hiền hòa bên dòng Châu giang, mang dáng nét một miền quê trù phú. Người Đại Hoàng vốn dĩ chịu khó, lại thêm nhạy bén với thời cuộc nên chuyện làm giàu cũng không khó. Ngoài nghề dệt – nghề mang lại cuộc sống sung túc cho rất nhiều gia đình thì giờ nghề kho cá cũng trở thành nghề mang lại thu nhập và đời sống khấm khá hơn.
Cả làng Đại Hoàng vào dịp Tết gần như nhà nào cũng đỏ lửa, kho cá bán. Ông Trần Xuân Thực, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh cá kho Nhân Hậu cho biết, nhu cầu cá kho của nhân dân các vùng miền những ngày giáp Tết rất lớn, vì thế, có những nhà kho cả nghìn nồi.
Văn hóa ẩm thực của người Việt vẫn giữ được cốt cách cơm cá, tương cà, làm cho cuộc sống hài hòa từ sự bình dị ấy. Nghề cá kho Đại Hoàng cũng làm cho văn hóa ẩm thực của người Việt thêm đậm đà bản sắc.
Cá kho Đại Hoàng đi vào đời sống của người thành thị, trở thành món ăn đặc biệt an toàn và dễ hấp thụ. Chính điều này đã mở cho Đại Hoàng một lối đi tấp nập, để cá kho mỗi ngày có mặt trong các bữa cơm gia đình thành phố một ấm áp hơn, hấp dẫn hơn.
“Độ này, khách về mua cá khá đông. Đường xá cũng tiện, đi xe từ Hà Nội về đến đây chỉ mất khoảng tiếng rưỡi thôi. Nghe mấy chú khách nói, mua cá ở đây về ăn còn tiện hơn ra chợ ở Hà Nội mua, có khi cũng mất thời gian như thế, lại không ngon bằng. Họ nói tếu với nhau, nhưng nghe cũng thú vị!” – Chị Trần Thị Thành, vợ anh Trần Xuân Thực nói thế. Thực tình, ở cái đất này luôn tiềm chứa nhiều sự thú vị, từ lịch sử đến văn hóa và xã hội.
Trời lạnh, gió từ sông thổi lên tạt khói vào làng qua “con đường đẹp Việt Nam", vậy là ai đi đường qua Hòa Hậu cũng cảm nhận được mùi thơm của cá, hơi ấm của khói lửa và gợi lên một cảm giác ăn uống rồi. Có lạnh lùng đi qua được không? Khó lắm! Thế là từ khách đường xa trở thành thực khách dễ dàng, phải vào ngó thử xem… Người hỏi mua, người hỏi cách làm để học về kho. Mọi chuyện cuốn vào nhau, ông chủ nhà bán cá kho bảo, 100 nhà kho cá tạo nên 100 thứ hương vị cá kho khác nhau. Ấy là vì, có nhiều yếu tố làm nên sự khác biệt ấy, từ cách sử dụng nguyên liệu đến tỷ lệ pha trộn gia vị, cách đun…
Ngay chuyện mua nồi kho cá thôi, người làm nghề ở đây cũng kỹ lắm. “Cái nồi cá được làm bằng nồi đất nung đấy, nhưng chúng tôi phải đặt mua từ Nghệ An mang về. Cái vung trông non lửa kia lại làm ở một nơi khác, từ Thanh Hóa. Cái dế để lót nồi này thì ở đây. Nhưng gia đình tôi từ ngày xưa kho cá đã dùng thứ nước mắm đậm chất biển Nha Trang. Không lấy ở đâu hết, chỉ có nước mắm Nha Trang làm tôi thích nhất, đảm bảo cho nồi cá của tôi có hương vị thơm ngon, bùi ngậy” – Ông Thực chia sẻ. Vậy là chuyện này lại cho tôi một liên tưởng khác, hóa ra, nồi cá kho Đại Hoàng thực tế hội tụ ba miền đất nước. Nó chẳng phải của riêng đất – nước Đại Hoàng.
Thực khách về Hòa Hậu mua cá, thăm quan Khu Nhà tưởng niệm Nhà văn Liệt sỹ Nam Cao, thăm "tư gia Bá Kiến", ai cũng phải trầm trồ trước sự giàu có sung túc của làng quê này. Quê mà như phố. Biệt thự mọc lên như nấm. Khách xa hỏi mấy ông chủ kho cá: “Trời ạ! Người dân Đại Hoàng đã sống giàu có bằng nghề này rồi phải không?”
Một trong số những người trong Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh cá kho Nhân Hậu thủng thẳng: “Cũng không hẳn thế đâu, ở đây dân còn có nghề dệt mà! Nói thật, nếu chục năm về trước, khi có ít nhà kho cá, người ta chú trọng nhiều hơn đến chất lượng. Nhưng bây giờ nhiều nhà kho quá, kho ồ ạt, nên có không ít hộ đã không tuân thủ những quy định của nghề, làm cho thực khách cảm thấy bất tin khi ăn cá kho thấy không ngon, mùi oai khói, mốc nhanh. Nhiều khách về Đại Hoàng mua cá, nhưng cũng không biết nhà nào kho ngon. Chỉ khi ăn xong mới biết, mình có mua nhầm không. Nếu cứ làm ăn như thế, tự chúng ta sẽ đánh mất thị trường và niềm tin của khách hàng. ”
Vẫn biết Đại Hoàng kho cá quanh năm, nhưng chỉ dịp này mới nhiều và đông khách như thế. Nhà kho nhiều nhất hiện nay cũng gần 3.000 nồi mỗi năm. Cá kho Đại Hoàng không dùng chất bảo quản nên trong thời tiết nồm ẩm, ấm áp dễ sinh mốc. Nhiều hộ gia đình đầu tư mua máy hút chân không các loại để giữ cá, vận chuyển đi xa.
Năm nay, dịch Covid-19 hạn chế đi lại của người dân, dịch vụ Shiper hàng hóa cũng trở nên sôi động với chính mặt hàng này. Nhà ông Thực mỗi tuần chuyển vào Nam vài trăm nồi bằng tàu hỏa, tất nhiên phải giữ trong khoang lạnh. Hai ngày, cá kho vào đến thành phố Hồ Chí Minh, đến tay thực khách. Ban đầu chỉ là khách quen, giờ cả khách lạ, vì theo chỉ dẫn trên bao bì, nhiều người đã trực tiếp liên hệ với hộ kho cá để đặt hàng… Cá còn ra cả nước ngoài từ mấy năm nay.
Ông Trần Đỗ Trung, một chủ hộ cung cấp cá trắm đen cho dân kho cá nói: "Mỗi vụ tết, tôi bán trên 300 tấn cá trắm đen. Khi còn ở An Ninh, người Hòa Hậu sang đó mang cá về. Từ năm ngoái đến giờ, tôi chuyển nhà về hẳn đây, bán cá cho dân, họ không phải đi xa lấy cá nữa. Nguồn rất dồi dào, không sợ thiếu. Cái hay, khách về mua cá kho có khi mua luôn cá trắm đen sống mang về…"
Món ngon nhớ lâu… Cá kho Nhân Hậu có tiếng khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Công nghệ internet phát triển, truyền thông về ẩm thực phong phú càng làm cho món ngon này hút khách. Để rồi, cứ vào độ này, Hòa Hậu là miền quê đón Tết sớm hơn mọi nơi…
Giang Nam