Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4, với chủ đề “Sách- Nhận thức- Đổi mới - Sáng tạo”, nhằm tạo hứng thú cho các bạn học sinh, hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hoá đọc cộng đồng, Thư viện tỉnh Hà Nam đã phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức hàng loạt buổi tuyên truyền, giới thiệu sách lưu động. Trong đó, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức thông qua các hình thức đa dạng và phong phú như: Xây dựng video clip giới thiệu sách, trưng bày và giới thiệu sách... thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo học sinh. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị to lớn của sách, khẳng định rõ vai trò, tầm quan trọng của sách với đời sống xã hội.
Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc; là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Việc tổ chức Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, Thư viện tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Trường THCS Nam Cao (thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân) tổ chức các hoạt động như: Thư viện lưu động, trưng bày, giới thiệu sách, dàn dựng các tiết mục sân khấu hóa giới thiệu sách… Ngày hội có sự tham gia của toàn thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh nhằm tôn vinh sách, quảng bá cho văn hóa đọc, và triển khai thực hiện việc phát triển văn hóa đọc với mục tiêu: Xây dựng phong trào đọc sách trong nhà trường, trong cộng đồng, góp phần xây dựng văn hóa đọc có hiệu quả trong tương lai, nâng cao chất lượng dạy và học. Qua đó tuyên truyền, giáo dục ý thức đam mê đọc sách, trân trọng, giữ gìn và bảo vệ sách, để phong trào đọc sách được tiếp tục duy trì và phát triển.
Em Vũ Ngọc Ánh, học sinh lớp 8A, trường THCS Nam Cao chia sẻ: Em thường tìm đọc nhiều cuốn sách viết về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như nhiều danh nhân thế giới. Mỗi cuốn sách đều giúp em bổ sung nhiều kiến thức mới mẻ. Em thấy hoạt động thư viện lưu động này rất thú vị, bổ ích, giúp chúng em có cơ hội tìm kiếm nhiều cuốn sách hay. Em mong sẽ có nhiều hơn nữa hoạt động bổ ích về sách để chúng em tham gia.
Cùng với việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc 21/4, nhiều năm qua, trường THCS Nam Cao cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.
Thầy giáo Phan Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Cao cho biết: Nhà trường luôn tích cực xây dựng và phát triển thư viện nhà trường, trang bị các tủ sách văn học, pháp luật, tủ sách nhà văn Nam Cao giúp cán bộ, học sinh có thêm nhiều hiểu biết ở các lĩnh vực. Phát động phong trào đọc sách, viết giới thiệu về những cuốn sách hay. Với những ngày có 4 tiết học nhà trường lại sắp xếp tiết đọc sách cho các em, tổ chức nhiều hoạt động giúp các em nâng cao tinh thần đọc sách. Đồng thời phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu cho các em những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi.
Cùng với các trường trên địa bàn tỉnh, trường Tiểu học xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý cũng hưởng ứng Ngày hội đọc sách bằng nhiều hoạt động hấp dẫn. Ngày hội thu hút đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh nhà trường tham gia; qua đó tạo sức lan tỏa, phát triển văn hóa đọc với em học sinh. Ngày hội đọc sách diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động như: Trưng bày sách theo chủ đề, tổ chức các hoạt động trải nghiệm; giới thiệu sách “Tôi đi học” của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký; Giới thiệu mô hình sách “Trái tim yêu thương”, “Ngọn hải đăng trên biển”, “Con thuyền tri thức”. Ngoài ra còn có các tiết mục văn nghệ, xây dựng vở kịch ngắn “Người con gái đất đỏ Võ Thị Sáu”… Qua đó tạo ấn tượng, thu hút sự quan tâm, hào hứng đặc biệt của giáo viên, học sinh, những người đam mê, yêu thích văn hóa đọc.
Ngoài việc tổ chức các hoạt động ngoài trời, học sinh còn được tham gia tiết đọc thư viện, được chọn sách, đọc sách theo nhu cầu, sở thích. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng Tiết học Thư viện trong trường học, nhân lên niềm đam mê, lan tỏa giá trị văn hóa đọc, rèn thói quen, kỹ năng đọc sách đối với học sinh.
Em Mai Nguyễn Ngọc Diệp, học sinh lớp 5C, trường Tiểu học Tiên Hiệp hào hứng chia sẻ: Em cảm thấy rất vui và hào hứng khi được tham dự ngày hội đọc sách của nhà trường. Từ thư viện lưu động, em đã tìm được nhiều cuốn sách hay và phù hợp với lứa tuổi. Em hy vọng sẽ có thêm nhiều hoạt động thú vị, bổ ích về sách để em có thể tìm thấy những cuốn sách hay và giúp em có thêm tình yêu với sách.
Hoạt động đọc sách không chỉ được tổ chức nhân Ngày Sách và văn hóa đọc 21/4 mà thời gian qua, việc phát động phong trào đọc sách, tổ chức các hoạt động phong phú, phù hợp đã được trường tiểu học Tiên Hiệp quan tâm làm tốt. Nhà trường đã tổ chức phát động quyên góp sách, gây quỹ ủng hộ sách cho thư viện trường học. Lồng ghép tuyên truyền ý nghĩa việc đọc sách trong tiết sinh hoạt, chào cờ đầu tuần, hoạt động trải nghiệm….
Đọc sách trở thành một hoạt động không thể thiếu trong mỗi giờ ra chơi hay đầu giờ và cuối giờ học của học sinh. Hình ảnh những cô bé, cậu bé háo hức cùng nhau lên thư viện, cùng nhau chọn những cuốn sách hay và ngồi say sưa đọc sách, trao đổi thông tin tại thư viện đã trở thành nét đẹp riêng của ngôi trường này. Để duy trì hiệu quả hoạt động thư viện cũng như phong trào đọc sách trong nhà trường, hàng năm, nhà trường mua bổ sung thêm các đầu sách phù hợp chương trình mới, phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học, trang thiết bị, kệ sách, không gian thư viện bắt mắt và sắp xếp khoa học …tạo ra môi trường đọc sách thoải cho người đọc.
Cô giáo Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tiên Hiệp cho biết: Bên cạnh việc bổ sung mua sắm, hàng năm, nhà trường còn huy động hàng nghìn cuốn sách, truyện từ sự đóng góp của học sinh toàn trường để xây dựng các góc nhỏ thư viện ngay tại lớp học nhằm giúp học sinh đọc được mọi lúc, mọi nơi. Rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, giúp các em nâng cao sự hiểu biết và phát triển kỹ năng sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà nhà trường đề ra. Qua đó, vừa phát huy tối đa vai trò của thư viện trường học, vừa phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường.
Ngày hội văn hóa đọc tổ chức tại các trường học trên địa bàn tỉnh một lần nữa khẳng định: Với chính sách quan tâm, tạo điều kiện đầu tư của tỉnh trong phát triển văn hóa đọc; đến nay, phong trào đọc sách, giá trị văn hóa đọc không đơn thuần chỉ là khẩu hiệu hình thức mà đã và đang trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong các trường học, học sinh bằng các hoạt động thiết thực, từ đó góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc, phát triển tư duy, hình thành nhân cách mỗi con người, hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Nguyễn Khánh