Trên địa bàn Hà Nam, bắt đầu từ sáng 3/2, học sinh các cấp tạm được nghỉ học 1 tuần do dịch, bệnh nCoV. Trước thông báo này, nhiều phụ huynh thở phào nhẹ nhõm vì nỗi lo con đi học trong điều kiện dịch, bệnh phức tạp rất khó kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm, song cũng có không ít phụ huynh lại loay hoay vì không có người trông con khi mình vẫn đi làm bình thường.
Chị Mai Thị Kiên là công nhân của một doanh nghiệp ở KCN Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) có con trai mới hơn 2 tuổi. Mặc dù qua nhiều kênh thông tin, chị và mọi người trong gia đình đều biết về mức độ nguy hiểm của dịch, bệnh nCoV nhưng sáng qua (3/2) khi cho con tới trường mầm non, chị bất ngờ được nhà trường thông báo con được nghỉ học 1 tuần chị lại tỏ ra khá lúng túng.
Chị Kiên cho biết: Tôi và chồng đều là công nhân, quê ở Nam Định và vẫn đi làm bình thường nên đang rất rối trong việc làm thế nào để có người trông con trong suốt 1 tuần cháu được nghỉ học. Trong ngày hôm nay, tôi sẽ xin nghỉ làm để ở nhà trông con. Ngày mai đến phiên bố cháu xin nghỉ. Tạm thời, chúng tôi tính toán vậy rồi sau cũng phải gọi điện về nhờ ông bà hai bên thu xếp công việc, nhà cửa lên trông đỡ cho chứ cũng không thể xin nghỉ làm lâu được. Chỉ mong sao dịch, bệnh được kiểm soát để mọi hoạt động, công việc, sinh hoạt, học tập của gia đình ổn định…
Không chỉ có gia đình chị Mai Thị Kiên, còn rất nhiều công nhân, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, các công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan Nhà nước cũng đang thực sự loay hoay với hàng loạt câu hỏi: nhờ ai trông con bé, làm thế nào để quản lý con lớn khi chúng được nghỉ học cả tuần?
Anh Huy (ở tổ 5, phường Lương Khánh Thiện, TP. Phủ Lý) tâm sự: Vợ chồng tôi đều làm xa, có cậu con trai học lớp 5 gửi ông bà ngoại ở quê chăm sóc, dạy bảo. Tuy cháu là đứa bé cực kỳ hiếu động, nghịch ngợm, ông bà ngoại vẫn phải đi làm nên thường xuyên vắng nhưng bình thường cháu đi học cả ngày nên cũng không phải lo lắng nhiều nay cháu được nghỉ học cả tuần, việc trông nom, quản lý một đứa trẻ hiếu động thực sự khiến vợ chồng tôi lo lắng nhiều.
Cũng có 2 cậu con trai trong độ tuổi mầm non, một bé 5 tuổi và một bé 3 tuổi, cả tuần vừa rồi chị Lê Thị Thu Trang (ở phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý) đã phải xoay sở tự trông con khi quyết định cho các con nghỉ học ở nhà. Chị Trang chia sẻ: Tôi có một cửa hàng kinh doanh quần áo và bán thêm hàng online, những ngày cho con nghỉ học ở nhà, việc ngoài cửa hàng tôi phải nhờ cô em gái và chỉ tập trung vừa bán hàng online, vừa trông con ở nhà. Tuy việc các cháu nghỉ học trong thời gian dài cũng khiến công việc kinh doanh của tôi ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng nếu bệnh, dịch có diễn biến xấu thì tôi vẫn tiếp tục cho các con nghỉ để bảo đảm an toàn.
Trên thực tế, không phải chỉ riêng Hà Nam mà trên cả nước đã có gần 50 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh các cấp học được nghỉ học trong thời gian dịch, bệnh nCoV hoành hành. Theo Công văn số 201/UBND- KGVX ngày 3 tháng 2 năm 2020 của UBND tỉnh về việc đồng ý cho học sinh trên địa bàn tỉnh tạm nghỉ học, học sinh các cấp học của tỉnh ta sẽ được nghỉ trong thời gian từ ngày 3/2/2002 đến hết ngày 9/2/2020.
Căn cứ theo nội dung Công văn này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng ban hành Công văn số 69/SGDĐT-VP về việc cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona (nCoV) gây ra trong trường học. Bên cạnh việc chỉ đạo các nhà trường cho học sinh nghỉ học theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục làm tốt công tác phối hợp với cơ sở y tế địa phương bảo đảm vệ sinh môi trường trong thời gian học sinh nghỉ học; theo dõi và báo cáo kịp thời những trường hợp bất thường ở địa phương và đơn vị về Sở để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hà Thanh
Thanh Hà