Công tác dân số và phát triển của tỉnh ta trong thời gian qua có bước chuyển mạnh mẽ. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số ở cơ sở, góp phần đưa pháp luật về dân số đến gần hơn với người dân. Cần mẫn và tận tâm hết mình là những cảm nhận đầu tiên của tôi về những CTV dân số.
31 năm gắn bó với ngành dân số, bà Trần Thị Nhung, tổ 18, phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) đã trở thành người thân của tất cả các gia đình trong tổ. Là một y sĩ đa khoa, bà Nhung không chỉ làm tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng mà còn là "bà đỡ" mát tay của hàng trăm đứa trẻ.
Thời gian làm công tác dân số cũng là chừng ấy thời gian bà phụ trách trạm y tế (cơ sở 2) của phường Lê Hồng Phong, mỗi ngày tiếp đón hàng chục bệnh nhân đến khám chữa các bệnh thông thường.
Là người cởi mở, gần gũi cộng với lợi thế công việc, bà Nhung rất dễ dàng trong việc tiếp cận người dân để tuyên truyền các chính sách về dân số. Đối tượng được bà quan tâm nhiều hơn là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình sinh con một bề là con trai hoặc con gái, những gia đình kinh tế khá giả có nguy cơ sinh con thứ 3.
Bà luôn tâm niệm, làm công tác dân số nhiệt tình thôi chưa đủ, phải thực sự hiểu đời sống bà con mới có thể nói cho họ hiểu và làm theo. Tuyên truyền cho đối tượng cũng là cách giúp mình có thêm nhiều kiến thức để công tác hiệu quả hơn.
Ông Vũ Văn Hành (thứ 2 từ trái sang), CTV dân số tổ 7, phường Minh Khai (T.P Phủ Lý) tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số.
Vận động người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch vốn là công việc không đơn giản với chính những nữ CTV dân số, chứ chưa nói đến nam giới. Vậy mà ông Vũ Văn Hành, Tổ trưởng tổ 7, phường Minh Khai (thành phố Phủ Lý) cũng kiêm nhiệm CTV dân số được 5 năm và hoàn thành rất tốt công việc này.
Với địa bàn rộng, dân số khá đông lên đến trên 800 khẩu, lại có nhiều biến động vì thế đòi hỏi ông phải nắm bắt kỹ tình hình tại cơ sở, sát sao đến từng hộ gia đình. Nhân dân trong tổ phần lớn là cán bộ, công chức nên ông chỉ có thể tranh thủ buổi tối, ngày nghỉ cuối tuần để đến thăm các gia đình kết hợp tuyên truyền về chính sách dân số, KHHGĐ.
Ban đầu cũng có nhiều khó khăn song với sự nhiệt tình, trách nhiệm cộng với thuận lợi trên cương vị tổ trưởng tổ dân phố đã giúp ông thuận tiện trong việc nắm bắt thực tế cuộc sống từng gia đình để tuyên truyền về dân số một cách hợp lý.
"Đối tượng chính mà tôi luôn hướng đến là những người đàn ông trong gia đình. Khi tư tưởng của họ đã thông thì kể như việc tuyên truyền, vận động chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đã thành công hơn một nửa. Phần còn lại là phối hợp với các đoàn thể của tổ dân phố như chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên… để tuyên truyền, vận động. Đã dấn thân vào nghề này thì không được tự ái, phải có tinh thần "sắt" và áp dụng chiêu "nhất lý, nhì lì" thì mới làm được" - ông Hành vui vẻ .
Những CTV dân số, mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi địa bàn, mỗi cách vận động khác nhau nhưng lại cùng mục đích: Vì chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của xã hội.
Ngoài sự nhiệt tình, các CTV dân số phải vận dụng cả sự hiểu biết, kiên trì, uy tín của mình mới hoàn thành được nhiệm vụ. Bởi để thay đổi ý thức, hành vi của một bộ phận dân cư về chính sách dân số không phải là chuyện sớm chiều mà đòi hỏi cả một quá trình.
Toàn tỉnh có tổng số trên 1.400 CTV dân số. Chỉ được gọi là CTV nhưng công việc hằng ngày của những người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" phải đảm nhận là cả một danh sách dài. Trong đó, giúp ngành dân số triển khai công tác đến tận cơ sở, tới từng gia đình về Luật Hôn nhân và Gia đình, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mọi lứa tuổi, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục, cách chăm sóc phụ nữ mang thai, chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, vận động người dân áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại… Thường xuyên cập nhật, thu thập thông tin ở cơ sở giúp chính quyền nắm được tình hình, mức độ biến động dân số của từng địa bàn.
Vấn đề đặt ra là dù công việc không hề nhẹ nhàng nhưng mức phụ cấp dành cho họ khá khiêm tốn chỉ 100.000 đồng/tháng, thậm chí đôi khi không được cấp kịp thời.
Chia sẻ về công việc của mình, những CTV dân số đều khẳng định nếu làm vì kinh tế thì chắc không ai có thể "trụ" được với nghề. Bởi dành một ngày lao động họ có thể kiếm được từ 100-200 nghìn đồng thì số tiền phụ cấp từ công tác dân số mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 100 nghìn đồng thật sự quá ít.
Mặc dù đa phần CTV gắn bó với công việc chủ yếu do yêu nghề nhưng nếu có sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn từ cấp ủy, chính quyền các cấp, chắc chắn họ sẽ có thêm động lực làm tốt hơn công việc của mình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Hải Yến
Hải Yến