Nắng nóng gay gắt trong những ngày vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ, đời sống sinh hoạt của người dân. Trong đó, vất vả nhất phải kể đến những lao động tự do phải làm việc nặng nhọc, trực tiếp ở ngoài trời như công nhân vệ sinh môi trường, thợ xây, phụ hồ, thợ sơn, xe ôm, những người bán hàng rong, bốc vác, vận chuyển hàng hoá…
Gần như cả ngày phải phơi mình dưới nắng nóng gay gắt với nhiệt độ ngoài trời có thời điểm lên tới 40 độ C nhưng vì cuộc sống mưu sinh, những công nhân xây dựng, phụ hồ không quản ngại khó khăn, vất vả để bám công trình trong suốt mùa nắng nóng.
Làm việc tại một công trình xây dựng dân sinh tại thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục), anh Nguyễn Quốc Bằng (quê ở xã An Đổ, Bình Lục) – người có thâm niên hơn hai chục năm làm nghề thợ xây cho biết: Đối với những lao động tự do như chúng tôi, điều đáng lo nhất không phải là sự vất vả mà là không có việc làm thường xuyên. So với các mùa khác trong năm, đi xây vào mùa này mặc dù vất vả hơn nhưng công việc khá đều, cho thu nhập ổn định. Trong đợt nắng nóng vừa qua, tôi đã trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ như mũ, khăn đội đầu, quần áo thông thoáng, chống nắng tốt. Làm việc trên giàn giáo cao liên tục dưới cái nắng “cháy” da, để an toàn và không bị mất sức, tôi uống nhiều nước và bổ sung thêm khoáng chất, nước điện giải. Thực tế trong nhiều năm trong nghề, tôi đã chứng kiến không ít người bị ngất lịm đi vì say nắng.
Qua tìm hiểu được biết, để bảo đảm sức khỏe khi làm việc nhiều ngày liền trong điều kiện nắng nóng như những ngày vừa qua, các chủ thầu xây dựng đã phải bố trí cho các đội thợ xây đi làm từ sáng sớm để tránh cái nóng lên đến đỉnh điểm vào buổi trưa. Nhiều người thợ tuổi cao, sức khoẻ yếu thì được ưu tiên làm việc ở dưới thấp và trong bóng mát.
Chị Đào Thị Suốt, một thợ phụ hồ ở xã La Sơn (Bình Lục) cho hay: Từ đầu tháng 6 đến nay, hầu như ngày nào chúng tôi cũng đi làm từ 5 giờ sáng và nghỉ vào tầm hơn 10 giờ. Giờ làm buổi chiều thì bắt đầu lúc 15 giờ và kết thúc khoảng 17 giờ. Trong đội phụ hồ có cả những chị em trẻ, có con nhỏ nên việc bố trí thời gian làm như vậy gây nhiều khó khăn trong việc chăm sóc gia đình, con cái. Thế nhưng, để bảo đảm sức khoẻ và duy trì công việc trong mùa nóng, chúng tôi buộc phải thu xếp công việc gia đình. Một số chị em không có ông bà nội, ngoại hỗ trợ thì phải thuê mượn người trông con để đi làm nên càng thêm vất vả. Cả hai vợ chồng và con trai tôi đều làm nghề thợ xây, phụ hồ nên trong suốt mùa nóng, hầu như ngày nào cũng phải đến 21 giờ cả nhà mới được ăn cơm.
Nói về sự nhọc nhằn mưu sinh mùa nắng nóng, không chỉ có những lao động tại các công trình xây dựng mà còn có cả những người làm nghề tự do như lái xe ôm, buôn bán hàng rong, vận chuyển hàng hóa (shipper)…
Tại một con ngõ nhỏ ở Tổ 6, Phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý, chị Nguyễn Thị An chọn điểm có nhiều người dân, công nhân lao động thường xuyên qua lại để trải bạt ngồi bán hàng. Hàng hóa của chị tuy không đa dạng và số lượng không nhiều như các sạp rau củ ngoài các chợ dân sinh nhưng lại được nhiều khách hàng tin tưởng và ủng hộ. Mùa nào thức ấy, khi thì dăm ba cân ốc, vài buồng chuối chín, ít khoai lang, khoai tây, ngô nếp, lúc thì chục quả bí xanh, mướp, rau xanh các loại… Hầu hết sản phẩm đều là do chị An tự trồng hoặc được lựa chọn kỹ càng từ các hộ trồng rau sạch trong vùng.
Chị An chia sẻ: Trước đây, tôi đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng nhưng vì sức khỏe yếu nên đã nghỉ công việc này được vài năm nay. Tôi cũng không có vốn để đầu tư mở cửa hàng hay thuê ki ốt bán hàng ngoài chợ nên ngồi nhờ chỗ đất trống của nhà người quen để bán hàng. Vì không có mái che nên hôm nào trời mưa, tôi thường phải nghỉ bán. Còn vào mùa nắng thì vất vả lắm. Ngày nào mồ hôi cũng đầm đìa, ướt sũng cả mấy lớp áo chống nắng. Gần một tháng nay, tôi cứ đi làm bập bõm vì thời tiết nắng nóng nên hay bị ốm phải nghỉ bán hàng.
Còn đối với những người làm công việc giao hàng, buổi trưa lại là thời điểm họ phải làm việc với cường độ lớn nhất. Trong khi mọi người đều hối hả về nhà “trốn” cái nóng của buổi trưa hè thì đội ngũ shipper lại tất bật trên các nẻo đường mặc cho hơi nóng phả ngược lên từ mặt đường nhựa.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, nhân viên giao hàng Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nam cho biết: Làm nghề giao hàng vốn đã rất vất vả và áp lực, là phụ nữ lại càng khó khăn hơn. Hầu hết khách hàng đều hẹn nhận đồ vào ngoài giờ hành chính, chủ yếu là buổi trưa khi họ đi làm về. Nhiều người còn hẹn đến dăm ba lần mới có nhà, tôi phải vòng đi vòng lại mới giao được hàng. Vì vậy mà nhân viên giao hàng chúng tôi luôn phải làm việc qua trưa để đạt chỉ tiêu giao hàng trong ngày. Hằng ngày, sau khi kết thúc ca làm sáng, chúng tôi phải về kho kiểm đếm hàng nên giờ nghỉ ngơi và ăn trưa thường bắt đầu lúc 13 - 14 giờ, thậm chí là muộn hơn. Thời tiết nắng nóng cộng với giờ giấc ăn, nghỉ thất thường ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ.
Dù vất vả, nhọc nhằn nhưng trên các nẻo đường, góc phố, nhiều người vẫn “đội” nắng cần mẫn làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Mùa hè năm nay đến muộn nhưng nền nhiệt đã tăng cao và có nhiều đợt nắng nóng gay gắt trong tháng 6 và dự báo sẽ kéo dài trong cả tháng 7. Theo đó, người dân cần chủ động các biện pháp chống nóng để bảo vệ sức khỏe và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những người làm việc ở ngoài trời, trực tiếp tiếp xúc với ánh nắng cần có biện pháp che chắn kỹ càng, không để ánh nắng tiếp xúc trực tiếp, liên tục nhiều giờ liền, nhất là đối với những vùng nhạy cảm như đầu, gáy. Bên cạnh đó, chú ý chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, bổ sung thêm muối, đường, dung dịch điện giải nhằm cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Nguyễn Oanh