Nhiều nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em

Ngã cầu thang, chó cắn, tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng… là những tai nạn thường xảy ra với trẻ em thời gian qua. Mỗi tháng, chỉ tính số bệnh nhi vào điều trị nội trú tại Khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh do tai nạn thương tích cũng trên dưới 30 ca. So với những năm trước, tình hình tai nạn thương tích trẻ không giảm, thậm chí càng ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.

Trong nhà cũng không an toàn

Chị Trần Thị Yên, quê ở xóm 4 - Trần Xá, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) cho con trai Trần Thanh Tùng, 22 tháng tuổi vào nhập viện giữa tháng 7 vừa qua với các vết bỏng nặng ở tay, chân, đùi, mông và lưng  cháu bé. Chị Yên kể, cháu ở nhà với bố mẹ, do va phải phích nước sôi để trong nhà, cháu đã bị bỏng. Vì còn nhỏ tuổi, vết thương quá đau nên lúc nào cháu cũng quấy khóc. Cùng phòng với bé Tùng còn có em Nguyễn Duy Thực, 9 tuổi quê ở xã Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý) đau đớn với vết thương ở chân.

Cháu Trần Thanh Tùng, 22 tháng tuổi, quê ở xóm 4 - Trần Xá, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) bị bỏng nước sôi tại nhà của bé.

Bác sỹ Chu Anh Tuấn, Trưởng khoa Chấn thương cho biết, cháu Thực trong lúc chơi đùa, giẫm phải đinh. Gia đình cứ nghĩ vết thương đơn giản nên tự điều trị ở nhà 15 ngày. Không ngờ, vết thương bị nhiễm trùng nặng, cháu mới được chuyển vào viện, các y, bác sỹ đã phải mổ, cắt lọc tổ chức hoại tử, nạo vét mủ ở chân. Sau 10 ngày nhập viện, tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn định, nhưng chưa thể xuất viện, vẫn phải theo dõi và điều trị. Cũng tại khoa những ngày này còn có cháu Nguyễn Thanh Duy, 13 tuổi, quê ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, được đưa tới điều trị do chấn thương sọ não, vỡ xương chẩm. Các bác sỹ điều trị cho cháu Duy cho biết, cháu bị ngã tại nhà, dẫn đến thương tích như vậy…

Đây là ba trong số hơn 30 trường hợp bệnh nhi được đưa vào điều trị nội trú tại Khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ đầu tháng 7 đến ngày 20/7. Địa điểm các em xảy ra tai nạn chủ yếu ở tại gia đình. Bác sỹ Chu Anh Tuấn cho rằng, mọi người cứ nghĩ ở nhà là an toàn, nhưng sự thật lại không phải vậy. Từ những vụ tai nạn thương tích trẻ em được đưa đến khoa điều trị, chúng tôi nghĩ người lớn cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ ngay tại chính ngôi nhà của mình. Chỉ khi quan tâm tới điều đó, chúng ta mới tạo ngôi nhà an toàn cho trẻ, tạo môi trường sống tốt cho con em mình.

Nguy cơ tai nạn tiềm ẩn ở bất kỳ đâu

Cầu thang phải có lan can, cửa sổ và ban công cần phải có rào chắn bảo vệ cẩn thận. (Ảnh minh họa)

Khảo sát về tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua, không chỉ ở tại Khoa Chấn thương mà còn ở nhiều khoa khác của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho thấy, số trẻ bị tai nạn thương tích khá cao, mức độ nghiêm trọng không phải ít. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 225 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích vào điều trị nội trú tại bệnh viện, trong đó có 79 trẻ em từ 0 đến 4 tuổi, 146 trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.

Bác sỹ Lại Minh Tuân, Trưởng phòng Tổng hợp tài vụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định: Đây là con số điều trị nội trú, không kể những trẻ em được đưa vào cấp cứu, sơ cứu, sau đó chuyển tuyến hoặc điều trị ngoại trú. Những trẻ em bị tai nạn thương tích tử vong ngoài bệnh viện cũng chưa được tính đến trong số này. Như vậy, số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích thực tế sẽ nhiều hơn số được bệnh viện thống kê.

Tuy nhiên, qua theo dõi điều trị tại bệnh viện cho thấy, trong số 225 trường hợp bệnh nhi được đưa vào điều trị nội trú, có 96 trẻ em xảy ra tai nạn thương tích trên đường đi, 105 trẻ em bị tại nhà, 24 trường hợp bị ở nơi công cộng. 47 trẻ em trong số bị tai nạn thương tích bị chết sau khi đưa vào bệnh viện, 100% ở độ tuổi 5-14 tuổi. Nguyên nhân tai nạn thương tích chủ yếu do tai nạn giao thông là 69 trường hợp, ngã 53 trường hợp, bỏng 9 trường hợp, ngộ độc hóa chất, thực phẩm… 65 trường hợp.

TIN LIÊN QUAN

Hè về, lại lo đuối nước ở trẻ em

Số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em. Mùa hè đến, nỗi lo đuối nước trẻ em càng tăng khi hằng ngày chuyện đuối nước vẫn xảy ra, cướp đi cuộc sống của nhiều em nhỏ.



Tai nạn thương tích trẻ em luôn tạo nên những nỗi ám ảnh, nỗi đau nhức nhối trong xã hội. Vì những tai nạn này, nhiều đứa trẻ đã phải chịu tật nguyền suốt đời. Để hạn chế những tai nạn thương tích với trẻ, cộng đồng xã hội cần quan tâm, chung tay góp sức xây dựng một môi trường sống, học tập cho trẻ an toàn, lành mạnh. Đây là trách nhiệm không chỉ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội, mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình, của các bậc cha mẹ.

Giang Nam

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy