Số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em. Mùa hè đến, nỗi lo đuối nước trẻ em càng tăng khi hằng ngày chuyện đuối nước vẫn xảy ra, cướp đi cuộc sống của nhiều em nhỏ.
Trẻ em tắm sông ngày hè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước. Ảnh: Thế Tân
Trong cái nóng 39 độ C, nhà anh Hoàng Ngọc Ánh nằm sát quốc lộ 21, ngã tư Phố Động huyện Thanh Liêm người ra vào tấp nập, làm lễ tuần cho con trai anh vừa mới qua đời vì đuối nước hôm 30/4. Vợ anh thẫn thờ, không giấu được nnỗi đau dồn nén trong lòng ngót một tháng qua kể từ khi mất đứa con trai đầu lòng ngoan ngoãn, học giỏi mới 14 tuổi. Giọng chị vẫn còn khản đặc, đôi mắt sũng nước. Chị vừa rời bàn thờ cháu, đi ra. Còn anh Ánh, không còn nước mắt để khóc. Một tháng qua, anh nhớ con, thương con mà vẫn phải đứng lên lo liệu mọi chuyện gia đình, làm chỗ dựa để an ủi vợ. Anh nói: "Tôi không muốn nhìn thấy cái nơi cháu đã ra đi. Tôi không muốn ai nói chuyện về cháu… Tất cả những nỗi đau ấy tôi không muốn gợi lên nữa. Nhà tôi sau cái chết của cháu bị sốc quá rồi…".
Hoàng Ngọc Hiếu, sinh năm 2004, là con trai của anh. Hiếu học giỏi, ngoan ngoãn và rất biết nghe lời cha mẹ. Vợ anh Ánh là giáo viên, luôn quan tâm chăm lo cho con cái. Vì thế, Hiếu là một trong số những học sinh giỏi của Trường THCS Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, đoạt 6 giải học sinh giỏi của huyện ở các môn học năm học qua. Chiều 30/4, Hiếu không phải đi học ở trường, nhưng theo lịch thì học thêm tiếng Anh vào lúc 16h. Hiếu đi sớm hơn mọi hôm, vào bà ngoại gần đó chơi. Em mượn xe đạp của người quen, rủ một số bạn đi tắm ở một vũng nước ven núi, thuộc thôn Vực, xã Liêm Cần. Nó không phải là vũng nước tự nhiên, mà do trong quá trình thi công đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, người ta đã lấy đất đá ở đó, tạo nên một hố sâu, nhưng không san lấp. Mỗi khi có mưa, hố nước ấy trở thành nơi chứa nước từ trên núi đổ xuống, tạo độ sâu và trong mát. Toàn bộ diện tích vũng nước đó chừng 50m2, trong đó có một hố sâu nhất (5m) rộng chừng hơn 20m2, sát núi. Có thể Hiếu đã từng tắm ở đó với bạn bè nhiều lần, nhưng lần này, bạn của Hiếu không đi cùng. Em một mình ra vũng nước đó tắm và tụt xuống hố sâu, không ai biết. Như thường lệ, đến giờ học, mẹ Hiếu gọi điện cho cô giáo hỏi tình hình, cô giáo nói Hiếu chưa đến lớp. Mọi người tá hỏa đi tìm, thấy xe và quần áo của em để trên bờ. Hơn 20 người xuống hố sâu đó tìm kiếm trong nhiều giờ đồng hồ, thi thể của Hiếu mới được tìm thấy.
Hố nước nơi em Hoàng Ngọc Hiếu bị đuối nước thuộc thôn Vực, xã Liêm Liêm Cần, huyện Thanh Liêm. Ảnh: Uyên Chu
Anh Hoàng Ngọc Ánh nói rằng, đuối nước trẻ em là chuyện luôn ám ảnh anh. Cách đây vài ba năm, nhà hàng xóm của anh đón đứa cháu ngoại về chơi. Trong lúc người lớn không để ý, đứa nhỏ rơi xuống ao sau nhà anh chết đuối. Trước đó, cũng ở gia đình ấy, đứa cháu nội cũng bị ngã xuống ao đó một lần, chính tay anh vớt cháu lên, cứu sống cháu. Từ chuyện hai đứa trẻ hàng xóm bị đuối nước như thế, anh luôn nhắc nhở mình phải cẩn thận với con cái. Nhưng không ngờ, chuyện đó lại xảy ra với chính con trai anh… Anh Ánh chia sẻ: Mọi người luôn có tâm lý chủ quan cho là trong khu dân cư hiện nay ao hồ bị lấp rất nhiều nên khó có khả năng các cháu bị đuối nước. Sự thật thì không phải như vậy. Ngay sau hôm cháu Hiếu mất ở vũng nước ven núi thôn Vực vài ngày, nhiều học sinh ở các xã, thôn lân cận cũng vẫn tìm đến chỗ đó để tắm, chơi đùa. Các cháu không hề sợ. Những người xuống tìm cháu Hiếu nói rằng, hố nước ở sát chân núi rất sâu, nếu trẻ em chẳng may tụt xuống thì khó có thể lên được. Những ngày nóng nực thế này, nếu cha mẹ, gia đình các cháu không có biện pháp quản lý tốt, nguy cơ đuối nước có thể xảy ra.
Cách đây không lâu, cháu Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh năm 2010 ở xóm 10, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, con anh Nguyễn Xuân Huỳnh và chị Trần Thị Huệ cũng bị đuối nước. Vợ chồng anh Huỳnh đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con. Anh Huỳnh nói, những năm qua, ở Phú Phúc hay những xã lân cận vẫn có những vụ đuối nước trẻ em thương tâm. Điều đáng lo nhất đối với các cháu trong 3 tháng hè nóng nực, cha mẹ thường đi làm ăn xa hoặc không có thời gian trông con, các cháu hay rủ nhau tắm ao, tắm sông, nguy cơ đuối nước rất lớn. Sân chơi cho trẻ em ở các địa phương thực tế rất hạn chế, phần nào ảnh hưởng tới hoạt động vui chơi những tháng hè của các cháu. Tìm chơi ở ao hồ là biện pháp phổ biến đối với trẻ em nông thôn trong những ngày hè. Khi những vụ đuối nước xảy ra, nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng về sự an toàn cho các cháu.
Xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ được coi là biện pháp nhằm bảo vệ các em nhỏ tránh được nguy cơ tai nạn thương tích. Đây là mô hình được ngành lao động - thương binh và xã hội triển khai thực hiện những năm qua, nhưng đến giờ vẫn chưa thành hiện thực do nhiều nguyên nhân. Hằng năm, toàn tỉnh xảy ra hàng trăm vụ tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có trên 20 trẻ em tử vong do đuối nước. Chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư, xây dựng những thiết chế phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi cho trẻ, thực hiện những tiêu chí xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em một cách thực chất, hiệu quả hơn.
Giang Nam