Công tác bán đấu giá tài sản có ý nghĩa quan trọng đối với công tác thi hành án dân sự (THADS), góp phần vào việc giải quyết số lượng án tồn đọng ở các cơ quan thi hành án (THA). Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định trong công tác bán đấu giá tài sản THADS. Thực tế trên địa bàn Hà Nam đã tồn tại những việc qua đấu giá tài sản gần 20 lần vẫn chưa thành, ảnh hưởng đến tiến độ THA, giá trị tài sản của người phải THA, quyền và lợi ích của người được THA...
Chi cục THADS thành phố Phủ Lý vừa thi hành dứt điểm vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng kéo dài từ năm 2018. Đây được coi là vụ việc điển hình trong bán đấu giá tài sản THA tuy có điều kiện nhưng trên thực tế vẫn rất khó khăn để THA.
Trong vụ việc này, người phải THA là ông N. H. T và bà L. T. H (phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý) với số tiền phải THA là gần 600 triệu đồng. Tài sản bảo lãnh thế chấp bao gồm thửa đất có diện tích 254m2 và tài sản gắn liền với đất thuộc phường Thanh Tuyền.
Theo Chấp hành viên Nguyễn Thị Hồng Vân (Chi cục THADS TP. Phủ Lý): Vụ việc trên kéo dài từ tháng 4/2018 đến tháng 5/2021 mới được xử lý dứt điểm sau 14 lần bán đấu giá tài sản. Giá trị đất và căn nhà 2 tầng, 1 tum trên đất có tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, sau 14 lần bán đấu giá, liên tục phải giảm giá, tài sản được đấu giá thành ở mức hơn 660 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi hành, chấp hành viên thường xuyên vấp phải sự phản đối, không hợp tác của người phải THA. Đòi hỏi chấp hành viên phải thường xuyên tiếp xúc, vận động, thuyết phục người phải THA và thân nhân, người có ảnh hưởng tới người phải THA. Thậm chí, sau khi bán đấu giá thành, chấp hành viên vẫn phải tiếp tục vận động người phải THA đồng ý bàn giao tài sản, tránh trường hợp dẫn đến cưỡng chế thi hành.
Tương tự, những năm gần đây, Chi cục THADS TP. Phủ Lý cũng đã từng giải quyết những vụ việc phải bán đấu giá tài sản đến 15, 16 lần do không có người tham gia đấu giá, người phải thi hành án gây nhiều khó khăn hoặc những mảnh đất nằm ở vị trí không hấp dẫn, ở ngõ sâu trong làng, đầu lối rẽ vào nghĩa trang...
Trên thực tế, còn có trường hợp có nguyện vọng mua tài sản, nhưng sau khi tham khảo hồ sơ bán đấu giá tài sản và biết đây là tài sản THA thì khách hàng đều có chung một tâm lý là e ngại.
Có những trường hợp khách hàng khi đi xem tài sản đã bị chủ nhà, người phải THA không phối hợp, dọa nạt, xua đuổi... Chính vì vậy, có nhiều vụ việc hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được tài sản THA. Hệ quả là vụ việc tuy có điều kiện nhưng trên thực tế vẫn không THA được, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ THA, giá trị tài sản của người phải THA, quyền và lợi ích của người được THA...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bán đấu giá tài sản trong THADS kéo dài, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có nguyên nhân từ quy định pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản. Xuất phát từ những quy định của pháp luật về xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật THADS (năm 2013) đã quy định: “Trong trường hợp người được THA không đồng ý nhận tài sản để THA thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được THA vẫn không nhận để trừ vào số tiền được THA thì tài sản được giao lại cho người phải THA quản lý, sử dụng”.
So với Pháp lệnh THADS năm 2004, Điều 48 quy định trong trường hợp “Nếu sau hai lần giảm giá mà tài sản vẫn không bán được thì người được THA có quyền nhận tài sản theo giá đã giảm để THA. Nếu người được THA không nhận thì Chấp hành viên trả lại tài sản đó cho người phải THA và áp dụng biện pháp cưỡng chế khác”. Như vậy, theo quy định mới hiện hành, nếu người được THA không nhận tài sản sau lần giảm giá thứ hai thì cơ quan THADS phải tiếp tục bán đấu giá tài sản với mức giảm giá theo quy định đến khi giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế.
Đây là một trong những nguyên nhân về quy định dẫn đến việc có trường hợp tài sản bán đấu giá tới 16 lần vẫn phải tiếp tục giảm giá để bán đấu giá. Điều này không những ảnh hưởng tới tiến độ THA, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị của tài sản phải thi hành sau nhiều lần giảm giá.
Hay như trong việc bảo quản tài sản THA, theo Điều 58 của Luật THADS năm 2008 quy định một trong các hình thức về bảo quản tài sản THA là: giao cho người phải THA, người thân thích của người phải THA theo quy định hoặc người đang sử dụng, bảo quản. Quy định này đem lại điều kiện thuận lợi trong việc bảo quản, trông coi, khai thác lợi ích từ tài sản; việc kê biên tài sản sẽ ít gặp phải sự chống đối của người có tài sản vì tâm lý chưa bị mất ngay tài sản; có thêm thời gian để tìm kiếm chỗ ở cho người có tài sản...
Tuy nhiên, so với tình hình thực tế thì có thể coi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, phức tạp cho quá trình bán đấu giá tài sản trong THADS. Cụ thể như: Làm cho việc bán đấu giá không phản ánh trung thực giá trị của tài sản đưa ra bán đấu giá; Một vụ việc nhưng bị cưỡng chế hai lần; Hạn chế tối đa người tham gia mua tài sản; Các cơ quan THADS, chấp hành viên, các cơ quan có liên quan khó có thể thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Phần lớn do người phải THA, người thân thích đang quản lý tài sản mang tâm lý bị ép buộc, cưỡng chế, nên thường chây ì, cố tình gây khó khăn, cản trở, không tạo điều kiện cho người có nhu cầu mua tài sản, xem tài sản, tìm cách thông tin không đúng sự thật về tài sản; tìm mọi cách để khiếu nại, tố cáo, nhờ vả, cầu cứu. Điều này gây khó khăn trở ngại cho quá trình THA, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA.
Theo ông Trương Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Phủ Lý, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bán đấu giá tài sản THADS, trước hết cần thiết phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ liên quan đến tài sản trong bán đấu giá. Từ đó khắc phục được tình trạng bán đấu giá không có người mua, tránh thiệt hại cho người có tài sản, rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ THA, giảm khó khăn áp lực cho cơ quan THADS.
Nguyễn Khánh