Ngày mùng 8/3 của phụ nữ làng hoa

Như bao ngày bình thường khác, ngày mùng 8/3, chúng tôi vẫn ra đồng làm việc – chị Phạm Thị Huyền, Thôn 5, Phù Vân, TP Phủ Lý cười chia sẻ khi chúng tôi hỏi có gì đặc biệt với các chị trong ngày mùng 8/3 không? 

Chị Huyền năm nay trên 30 tuổi, gắn bó với nghề trồng hoa được hơn chục năm. Theo chị Huyền, trồng hoa cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác nhưng vất vả. Mùa hè, ra đồng từ bốn, năm giờ sáng; khoảng mười giờ, hơn mười giờ là về để tránh nắng nóng. Chiều đi làm muộn, ba giờ, hơn ba giờ mới ra đồng, làm đến tối mịt mới về. Mùa đông trời lạnh, sáng sáu, bảy giờ mới ra đồng, làm một mạch đến mười một, hơn mười một giờ. Về đến nhà tranh thủ cơm nước, dọn dẹp, một giờ, hơn một giờ chiều đã lại ra đồng, không có thời gian nghỉ trưa như mùa hè.

Nhà chị Huyền trồng hai sào hoa cúc, nếu thời tiết thuận lợi, tầm ba đến bốn tháng là cho thu hoạch. Thời điểm thu hoạch, thương lái sẽ đến tận vườn thỏa thuận giá cả để thu mua. Những bông hoa thương lái loại bỏ không cắt, chị Huyền cắt gom lại đem ra chợ bán.

Chị Huyền tâm sự: Mỗi một bông hoa “chứa đựng” biết bao mồ hôi, công sức, tâm huyết và hy vọng của người trồng. Vì vậy, những bông hoa còn sót lại, tuy không to, đẹp như những bông thương lái đã lựa chọn nhưng tôi vẫn cắt, bó thành từng bó mang ra chợ bán. Giá bán rẻ hơn nhưng thu được đồng nào tốt đồng ấy; vừa có thêm tiền, vừa đỡ tiếc hoa...  

Ngày mùng 83 của phụ nữ làng hoa
Chị Phạm Thị Hoa chăm sóc cắt tỉa  diện tích hoa chuẩn bị thu hoạch.

Nói về ngày mùng 8/3 chị Huyền bộc bạch thân tình: Những năm gần đây, việc tặng hoa, tặng quà nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3 ở nông thôn cũng có, nhưng vẫn chưa phổ biến. Thường các cô, các chị có con lớn, biết quan tâm đến bà, đến mẹ... ngày này cũng có mua hoa, mua quà để tặng; tạo được sự gắn kết, yêu thương trong gia đình. Tôi con còn nhỏ, ngày mùng 8/3 không có gì đặc biệt, vẫn ra đồng chăm sóc hoa. Không được nhận quà, nhận hoa như chị em ở thành phố, thị xã… nhưng tôi vẫn cảm thấy vui bởi lẽ: Phụ nữ ngày nay được quan tâm, tạo điều kiện rất nhiều trên tất cả các lĩnh vực. Qua phương tiện thông tin đại chúng được biết, nhiều cô, nhiều chị thực hiện rất tốt những trọng trách quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao phó. Thật rất đáng tự hào!

Xác định rõ được vai trò, nhiệm vụ của mình, chúng tôi, những người phụ nữ nông thôn quen với việc chân lấm, tay bùn hằng ngày nỗ lực trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu mạnh. Những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn nói chung, của phụ nữ nông thôn nói riêng đã được nâng lên. Mừng lắm chứ!. Tôi cũng chỉ mong mưa thuận, gió hòa cho cây hoa lên tốt; giá hoa trên thị trường ổn định… giúp người trồng hoa chúng tôi có thêm thu nhập, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Gia đình hòa thuận, kinh tế ngày càng ổn định, mọi người khỏe mạnh, bình an… đấy mới là món quà quý giá nhất đối với tôi.

Rời vườn hoa nhà chị Phạm Thị Huyền, chúng tôi tới thăm vườn hoa của gia đình chị Phạm Thị Hoa, cùng ở thôn 5. 5 năm trở lại đây gia đình chị Hoa trồng hoa cúc trên diện tích 2 sào đất bãi. Trước kia, trên diện tích này gia đình chị trồng ngô và rau màu các loại nhưng thu nhập không cao.

Khi chúng tôi hỏi chuyện về ngày mùng 8/3 chị Hoa cười nói: Ngày mùng 8/3 tôi vẫn ra đồng làm việc như bao ngày bình thường khác. Tham gia sinh hoạt ở chi hội phụ nữ thôn, kỷ niệm ngày mùng 8/3, chi hội thông báo tổ chức, tôi đều sắp xếp công việc tham gia. Dịp mùng 8/3, chồng tuy không tặng hoa, tặng quà nhưng tạo điều kiện, động viên tôi tham gia các hoạt động do hội phụ nữ tổ chức. Con tôi còn đi học, nhưng có năm cháu mua một bông hoa hồng, năm mua tấm bưu thiếp tặng mẹ. Món quà giá trị vật chất không cao nhưng tôi rất cảm động và hạnh phúc... Gia đình êm ấm, hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, học hành tiến bộ... đấy chính là mong muốn lớn nhất của tôi. 

Trao đổi với chị Lê Thị Tuyết Thanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phù Vân được biết, Hội Phụ nữ xã Phù Vân có 10 chi hội, trong đó có 3 chi hội nhà trường, 7 chi hội thôn. Ở Phù Vân, thôn 4, 5, 6 là các thôn có diện tích trồng hoa, trong đó thôn 5 là thôn trồng hoa nhiều nhất. 

Về làng hoa Phù Vân dịp mùng 8/3, qua trò chuyện với các chị trồng hoa cảm nhận rõ hơn được những phẩm chất đáng trân trọng của người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ nông thôn nói riêng, đó là: Chịu thương chịu khó, giàu tình yêu thương, luôn vun đắp xây dựng gia đình hạnh phúc... Như bao ngày thường khác, ngày mùng 8/3 các chị ở làng hoa vẫn ra đồng chăm chỉ làm việc. Trồng hoa, bán hoa nhưng ít khi được tặng hoa ngay cả trong những ngày đặc biệt (như Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3) nhưng các chị vẫn vui vẻ, tập trung vào công việc thường nhật của mình. Các chị luôn trân trọng, hài lòng và vun đắp những gì mình đang có để hướng tới cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.   

Vĩnh Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy