Một người ở Lý Nhân tử vong do làm việc dưới trời nắng nóng

Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh cho biết, từ ngày 31/5 đến 2/6, Khoa cấp cứu tiếp nhận 9 ca bệnh bị say nóng, say nắng, nhiều hơn mọi năm và có những ca bệnh nặng hơn. Đặc biệt có một người đã tử vong trước khi đến viện. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện ghi nhận một trường hợp tử vong do nắng nóng.

Bệnh nhân 56 tuổi, ở huyện Lý Nhân, tiền sử khỏe mạnh bình thường. Người nhà bệnh nhân cho biết người này đang làm việc ở môi trường nắng nóng ngoài đường thì đột nhiên co giật. Khi vào viện bệnh nhân đã tử vong từ trước đó, đo nhiệt độ cơ thể vẫn lên đến 42,2 độ C. 

Tử vong do làm việc dưới trời nắng nóng
Bác sỹ Vũ Đình Kiên-Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, BVĐK tỉnh khám cho bệnh nhân bị say nóng đang điều trị tại khoa.

Ngoài ra còn có một ca khác 45 tuổi phải đặt ống thở máy chuyển điều trị ở Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc. Bác sỹ Vũ Đình Kiên-Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, BVĐK tỉnh cho biết bệnh nhân bị say nắng, say nóng có biến chứng sốc. Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó bệnh nhân làm việc trong nhà lợp mái tôn vào buổi trưa của ngày nắng nóng cao điểm. Sau khi vào viện cấp cứu và được chuyển lên khoa bệnh nhân vẫn trong tình trạng ý thức chậm, tứ chi cử động hạn chế, sốt. Ngày 3/6 tình trạng bệnh nhân đã khá hơn. 

Theo bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn-Phó trưởng Khoa Cấp cứu, khi bị say nắng, say nóng thường có các hiện tượng: hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mặt đỏ, nhiệt độ cơ thể lên đến 39-40 độ C,...Say nóng xảy ra thường do làm việc, sinh sống ở môi trường nóng bức, thông khí kém, độ ẩm thấp, làm việc quá sức. Với người cao tuổi, người có bệnh lý nền, sống và làm việc trong môi trường như thế này càng dễ bị say nóng. Say nắng dễ xảy ra với những người làm việc ngoài trời, tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời. 

Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn cũng khuyến cáo người dân trong những ngày nắng nóng, nếu sinh hoạt, làm việc ở trong nhà cần tạo môi trường thông thoáng, có chống nóng bên trên là tốt nhất, tránh giờ nắng nóng cao điểm. Người cao tuổi, người có bệnh nền càng phải chú ý vấn đề này. Nếu làm việc ngoài trời phải đội mũ, nón, mặc quần áo bảo hộ, không cho da tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời. Quần áo phải rộng, thoáng khí. Khoảng 45-60 phút cần nghỉ khoảng 10 phút, không nên làm việc liên tục, tránh thời gian nắng nóng cao điểm.

Đ.H

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy