Thi hành án dân sự (THADS) về giao con trong án ly hôn là một trong những loại vụ việc gặp rất nhiều khó khăn bởi liên quan đến các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền trẻ em. Do đối tượng THA trong trường hợp này là người chưa thành niên, nên đòi hỏi phải có phương pháp khéo léo, linh hoạt, phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi tổ chức THA giao cho bên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian THA đối với những vụ việc giao con, trong đó nguyên nhân có tính phổ biến nhất là người phải THA không tự nguyện giao con cho người được quyền nuôi dưỡng, thường xuyên gây khó khăn, hoặc cố tình trì hoãn việc THA. Mỗi khi cơ quan THADS, chính quyền địa phương đến nhà giải quyết thì họ đã cho đứa trẻ tránh đi nơi khác, dẫn đến kéo dài thời gian THA. Không ít trường hợp khi tổ chức buổi làm việc giao con theo kế hoạch đã thống nhất thì đôi bên giằng co không chịu giao con…
Với những trường hợp này, nếu chấp hành viên cơ quan THADS không xử lý khéo léo sẽ rất dễ gây tâm lý sợ hãi đối với trẻ, khiến trẻ la khóc hoặc nảy sinh tâm lý tổn thương khi bố mẹ không cùng nuôi dưỡng mình. Thực tế cũng có nhiều trường hợp giao con rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi đứa trẻ sợ hãi và có ấn tượng không muốn về ở với mẹ hoặc bố… Bởi vậy, trong mỗi trường hợp cụ thể, đòi hỏi chấp hành viên phải chủ động tìm hiểu kỹ về quyền trẻ em, tâm lý trẻ em, tâm lý người phải THA, người được quyền nuôi dưỡng… triệt để áp dụng các biện pháp vận động, giải thích các bên trong quá trình THA.
Ông Ngô Đình Quyết, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Kim Bảng, biện pháp vận động, giải thích, thuyết phục cả bên được THA và bên phải thi hành để đương sự hiểu và tự nguyện thi hành đã được đơn vị sử dụng linh hoạt trong thời gian qua. Do đó, nhiều việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, hạn chế tối đa phải tổ chức cưỡng chế, đặc biệt là cưỡng chế giao con.
Điển hình như vụ việc giao con theo án tuyên tại Xã Nguyễn Úy (Kim Bảng). Theo bản án ly hôn, người mẹ được quyền nuôi con, tuy nhiên cháu bé đang được bố đẻ chăm sóc. Vụ việc kéo dài do người phải THA thực hiện nghĩa vụ giao con là bố đẻ kiên quyết chống đối, thái độ không tự nguyện giao con cho người được nuôi dưỡng (là mẹ của cháu). Chấp hành viên phụ trách vụ việc đã nhiều lần vận động, thuyết phục, giải thích về quyền và nghĩa vụ của người làm cha, làm mẹ. Đồng thời, phối hợp với người thân và các tổ chức đoàn thể địa phương thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt tâm lý người phải THA. Với nỗ lực hoàn thành vụ việc mà không phải dùng đến biện pháp cưỡng chế, người phải THA đã thực hiện việc giao con có sự chứng kiến của nhiều cơ quan chức năng.
Thực tế trên cho thấy, quá trình THA đòi hỏi mỗi chấp hành viên phải trăn trở nghiên cứu, tìm hiểu để từ đó lựa chọn phương pháp THA phù hợp nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng tâm lý phát triển của trẻ khi tổ chức THA giao cho bên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Bên cạnh nguyên nhân do người phải THA cố tình chống đối, không tự nguyện giao con, việc thi hành giao con trong án ly hôn còn có một số nguyên nhân và khó khăn khác nữa, dẫn đến kéo dài thời gian THA. Một trong những trường hợp khá phổ biến là người được quyền nuôi con lại không chủ động, phối hợp trong việc nhận con.
Theo ông Nguyễn Quốc Thuận, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Thanh Liêm: Có nhiều trường hợp sau khi tiến hành vận động, thuyết phục, hai bên đương sự đã đồng ý tiến hành giao - nhận con, song tại buổi làm việc, bên được nhận con lại không có mặt, hoặc đột nhiên thay đổi quyết định, không muốn nhận con, khiến vụ việc trở nên phức tạp, kéo dài.
Điển hình như vụ việc tại thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm): Năm 2015, tòa án tuyên bố người mẹ được quyền nuôi con, tuy nhiên cháu bé (9 tháng tuổi) lại đang ở cùng ông bà nội tại thị trấn Tân Thanh. Bố đẻ cháu bé đi làm ăn xa, mẹ đẻ làm giáo viên “cắm bản” tại Điện Biên không có điều kiện về nhận con. Đồng thời, phía bố đẻ cũng đưa ra nhiều lí do để không giao con, như: cháu còn nhỏ, đã quen ở với ông bà… Cơ quan THADS đã nhiều lần gặp mặt, thuyết phục bên phải THA là bố đẻ cũng như phối hợp với cơ quan chức năng nơi mẹ đẻ cháu bé công tác để vận động, thuyết phục, tạo điều kiện thuận lợi cho mẹ về nhận con, song không thành. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giao - nhận con không thành là do mẹ đẻ cháu bé thường xuyên không có mặt tại các buổi làm việc. Vụ việc kéo dài đến năm 2020, cơ quan THADS huyện Thanh Liêm lại nhận được một quyết định của tòa án về việc mẹ đẻ thuận tình giao con cho bố đẻ trực tiếp chăm sóc, giáo dục. Vụ việc hiện đang trong giai đoạn đối chiếu các quy định của pháp luật để xem xét có được coi đương nhiên xong hoặc ra quyết định đình chỉ.
Một nguyên nhân khác có yếu tố khách quan là do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn quốc, nhiều địa phương đã có thời gian áp dụng nhiều biện pháp giãn cách khác nhau nên quá trình THA khi các bên đương sự không ở cùng một địa phương rất khó khăn. Như vụ việc giao con ở xã Liêm Cần (Thanh Liêm) kéo dài hơn 1 năm tới nay vẫn chưa thi hành xong một phần do nguyên nhân từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Sau ly hôn, cháu bé ở cùng bố đẻ và ông bà nội tại xã Liêm Cần, trong khi đó, mẹ đẻ - người được quyền nuôi con – hiện đang công tác tại Hải Phòng, không thể về Hà Nam nhận con do nhiều vướng mắc về quy định phòng dịch. Điều này đòi hỏi chấp hành viên phụ trách vụ việc phải thường xuyên theo dõi, củng cố hồ sơ vụ việc và tranh thủ tình hình diễn biến của dịch bệnh để yêu cầu các bên đương sự phối hợp thực hiện.
Việc giao con trong án ly hôn là việc THADS khá nhạy cảm, nhiều khó khăn đòi hỏi chấp hành viên phải thực sự khéo léo, vận dụng nhiều giải pháp phù hợp đối với từng tình huống cụ thể. Mặt khác, các cơ quan chức năng và chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương cần phối hợp tăng cường tuyên truyền các quy định về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quan tâm bảo vệ quyền trẻ em và bổn phận đối với trẻ sau khi ly hôn.
Nguyễn Khánh