Sau 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội do người điều khiển phương tiện uống nhiều rượu bia, trên mạng xã hội đã xuất hiện phong trào kêu gọi cộng đồng “Đã uống rượu bia không lái xe”. Phong trào nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.
Ngay sau khi trên mạng xã hội xuất hiện phong trào vận động “Đã uống rượu bia không lái xe”, anh Vương Sơn công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo (có tài khoản facebook là Vương Sơn) đã thay hình đại diện trên trang cá nhân facebook bằng logo có in dòng chữ “Đã uống rượu bia không lái xe”, trong có lồng ảnh anh đang lái xe ô tô. Ngay lập tức, khá đông bạn bè anh trên facebook đã hưởng ứng.
Anh Sơn chia sẻ, bản thân anh hiểu rõ tác hại của việc uống rượu bia quá đà, gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên vì là đàn ông nên khó tránh khỏi những cuộc nhậu, nhưng anh luôn tuân thủ: Đã uống rượu bia là không lái xe, cần di chuyển thì gọi tắc-xi. Anh cũng phản đối việc đã có hơi men vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, như thế dễ gây ra tai nạn, vừa khổ mình, khổ người khác.
Những quốc gia như Nhật Bản, Singapore... áp dụng khung hình phạt rất cao với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe. Ảnh: ANTĐ
Chị Thu Thủy (tài khoản facebook Thuy Thu) công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thì chia sẻ một bài viết trên mạng xã hội có chiếc logo màu đỏ máu in hình ly rượu, chiếc xe ô tô và vụ tai nạn nghiêm trọng. Bên cạnh logo ám ảnh này là hình ảnh một người đàn ông với vẻ mặt thất thần, sợ hãi. Đây chính là người đi họp lớp về say rượu vẫn lái ô tô gây ra vụ tai nạn thương tâm làm chết hai phụ nữ ở hầm Kim Liên, Hà Nội dịp nghỉ lễ vừa qua. Bài viết đã có hơn 500 lượt bày tỏ cảm xúc. Nội dung bài viết ngắn gọn và khá ám ảnh. Đó là chia sẻ của một người bạn cùng nhóm họp lớp của người đàn ông đã gây ra vụ tai nạn về gia đình hoàn hảo của người đàn ông này. Nhưng tất cả đã chôn vùi khi anh uống nhiều rượu bia và lên xe cầm vô lăng. Từ một người tốt anh thành kẻ giết người. Anh sẽ bị ám ảnh cả đời vì hậu quả mình gây ra. Trong bài viết còn là lời ai oán những người đã ép người đàn ông này uống bia rượu, và chắc chắn họ cũng bị ám ảnh suốt đời vì hành động của mình.
Chị Thủy chia sẻ, chị luôn phản đối những người uống nhiều rượu bia mà vẫn lái xe, như thế vô cùng nguy hiểm cho mình và người đi đường. Tuy nhiên, chị cũng cho rằng đối với người Việt Nam, nhất là đàn ông khó tránh khỏi nhiều lúc phải "chén chú chén anh" trong giao lưu, gặp gỡ. Vì vậy, chị vô cùng ủng hộ việc: Đã uống rượu bia là không lái xe.
Còn rất nhiều người bày tỏ cảm xúc ủng hộ dưới mỗi bài viết, logo về phong trào này. Chị Thủy, là giáo viên ở Phủ Lý chia sẻ: Đời sống bây giờ khá hơn, và người ta tổ chức cỗ bàn, liên hoan ăn uống nhiều hơn. Ngoài đám cưới, đám giỗ, nhà mới... còn có đủ các lý do khác để người ta liên hoan như: khao lên chức, khao mua xe mới, khao đạt giải gì đó, rồi còn vô số buổi gặp mặt của các hội, nhóm tự nguyện được thành lập: Hội đồng hương, hội đồng môn, hội đồng ngũ,... Chồng, em trai, em rể tôi cũng nhiều lần đi xe về nhà trong tình trạng lướt khướt vì bia rượu. Và họ không bị tai nạn là do may mắn chứ thực tế đã có quá nhiều trường hợp quá chén đi xe gây tai nạn thương tâm cho chính mình và người đi đường. Vì thế từ lâu tôi phản đối kịch liệt việc uống rượu bia nhiều. Và rất ủng hộ việc nếu đã trót uống rồi thì không nên lái xe.
Chưa có một cuộc khảo sát cụ thể nhưng qua nắm bắt dư luận xã hội cho thấy phong trào lên án việc ép uống rượu bia, lên án việc đã uống rượu bia nhiều vẫn lái xe, tuyên truyền “Đã uống rượu bia không lái xe” đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Cái hay của phong trào này là nó xuất phát từ chính cộng đồng, từ thực tế đau xót của các vụ tai nạn thương tâm do rượu bia gây ra. Vì thế sự tác động của phong trào đến mọi người hiệu quả hơn.
Một số người cho biết thực ra họ không muốn uống nhiều rượu bia trong các cuộc liên hoan, không thích những người hay ép người khác uống nhưng nhiều khi vì nể, vì ngại vẫn phải uống và không dám lên án. Nhưng bây giờ đã có tiếng nói từ cộng đồng họ có cái “cớ” để từ chối. Và chính những người hay ép người khác uống nhiều bia rượu, uống “tới bến”, những người đã say nhưng vẫn tỏ vẻ “anh hùng” rằng “ta chưa say” vẫn lên xe đi, sẽ phải thay đổi, sẽ không như thế nữa bởi nếu không họ sẽ bị lên án, bị lạc lõng trong cộng đồng, trong chính nhóm nhậu của mình.
Hãy cùng nhau hưởng ứng phong trào “Đã uống rượu bia không lái xe”.
Yên Chính
Đỗ Hồng