Cuộc sống ở những nơi không còn hộ nghèo

Mỗi huyện, thành phố, thị xã ở Hà Nam đến thời điểm này đều có một xã không có hộ nghèo, không kể những hộ thuộc diện bảo trợ xã hội. Đó là những xã thành công trong xây dựng NTM, đã và đang tiếp tục hoàn thành mục tiêu xã NTMkiểu mẫu. Không có hộ nghèo đồng nghĩa với việc đời sống của người dân nơi đây phát triển vượt trội. Những vấn đề về việc làm, môi trường cơ bản bảo đảm yêu cầu của xã hội nông thôn phát triển. 

Thu nhập của nhân dân tăng cao

Cuộc sống ở những nơi không còn hộ nghèo
Diện mạo làng quê An Đổ, huyện Bình Lục hôm nay.

Cách đây 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên chiếm gần 8%. Đến hết tháng 6 năm 2020, xã Mộc Bắc không còn hộ nghèo. Ông Trần Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới 10 năm qua, Mộc Bắc đã nỗ lực không ngừng trong xây dựng và phát triển hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân sản xuất phát triển kinh tế. Người dân nông thôn được tham gia trực tiếp vào việc tổ chức, xây dựng các đề án, mô hình sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tăng cường liên kết với doanh nghiệp, các nhà khoa học, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật… để làm giàu.

Đề án phát triển đàn bò sữa của xã  là một trong những đề án mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có gần 80 hộ dân tham gia đề án, duy trì và phát triển chăn nuôi gần 2.000 con bò sữa với sản lượng bình quân mỗi tháng 330 tấn sữa, cho doanh thu một ngày từ 145-150 triệu đồng. Hằng trăm lao động nông thôn có việc làm từ đây. Mộc Bắc là xã gần với KCN Đồng Văn, nơi thu hút số lượng lớn lao động với mức thu nhập cao. Hằng năm, UBND xã phối hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các doanh nghiệp trong KCN Đồng Văn tuyển chọn lao động, đào tạo nghề và nhận vào làm việc. Do vậy, số lao động được giải quyết việc làm của xã chiếm tỷ lệ cao. Đến nay, số lao động trong độ tuổi làm việc trong các ngành kinh tế là 3.272 người, trong đó lao động có việc làm thường xuyên là 3.025 người, chiếm 92,45%...

Có việc làm ổn định, có thu nhập cao là yếu tố tác động đến đời sống của nhân dân. Ngoài đối tượng BTXH, không ai muốn nghèo, muốn trông chờ một cách thụ động vào các chính sách hỗ trợ  của Nhà nước để cuộc sống của mình chậm lại, thấp hơn mọi người. Với nỗ lực ấy, người dân Mộc Bắc đã “bỏ rơi” cái nghèo, họ có tiền, có tích lũy xây dựng nhà cửa, nuôi dạy con cái học hành. Cả xã có trên 340 căn nhà 2 - 3 tầng, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 80 triệu đồng/năm. 
Về huyện Bình Lục, duy nhất xã An Đổ là không có hộ nghèo. Xã có diện tích tự nhiên hơn 829ha, dân số trên 8.400 người với gần 2.900 hộ sinh sống ở 7 thôn.

Ông Phạm Xuân Sinh, Chủ tịch UBND xã khẳng định, nhờ chương trình nông thôn mới, An Đổ mới có cơ hội để phát triển như hôm nay và đang phấn đấu trở thành xã đầu tiên của huyện Bình Lục đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đã là kiểu mẫu thì không thể có hộ nghèo đa chiều được. Người dân muốn thoát nghèo phải có việc làm ổn định, có thu nhập và được tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu. Giờ dân chúng tôi, trừ đối tượng BTXH ra, không còn ai nghèo. Nhà nào cũng có đời sống kinh tế bảo đảm, con cái được học hành, có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 77 triệu đồng/năm...

Thu nhập của người dân là kết quả đánh giá sự phát triển đời sống kinh tế hộ gia đình của địa phương. Nhà nhà, người người có điều kiện sắm sửa các vật dụng thiết yếu cho đời sống sinh hoạt thường ngày. Mục tiêu sống được đặt ra là "ăn ngon, mặc đẹp", vui - khỏe- hạnh phúc. Thực tế, nó là những gì đang hiển hiện ở những miền quê này...

Cuộc sống ở những nơi không còn hộ nghèo
Trang trại chăn nuôi gần 100 con bò sữa của gia đình ông Trần Văn Nam, thôn Dỹ Phố, xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động.

Nhu cầu hưởng thụ đa dạng, phong phú

Kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn các địa phương không còn hộ nghèo cũng rạng rỡ hơn, mức sống nhân dân cơ bản đồng đều hơn, nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng được chú trọng hơn. Bà Phạm Thị Mơ, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Kim Bảng khẳng định: So với những địa phương khác,  đời sống của nhân dân xã Thanh Sơn có khá hơn rất nhiều. Xã không có nhiều đất nông nghiệp, nhưng việc làm đối với bà con nhân dân thì không thiếu. Người lao động không chỉ có việc làm mà còn có quyền lựa chọn việc làm nữa. Vì thế, hộ nghèo đa chiều ở Thanh Sơn không còn. 

Về Xuân Khê, huyện Lý Nhân, người dân có một phong cách sống khác hẳn mọi nơi. Bà Trương Thị Quyết, thôn Đông A phấn khởi kể: Ban ngày người dân chúng tôi đều đi làm, chiều về lại gọi nhau ra sân tập thể dục, chơi thể thao. Buổi tối bà con nhân dân các thôn trở về "con đường kiểu mẫu" của xã tụ tập, vui chơi, trò chuyện, hóng mát. Đó là con đường được xây dựng bằng tâm huyết và mong nguyện của người dân. Hai bên trồng hoa, có ghế đá ven đường, đèn sáng khi trời tối. Trẻ con, người già, thanh niên các thôn xóm tụ tập về đây vui chơi... Không ai nghèo nữa nên không có khoảng cách giữa nhà với nhà. Giờ đây ở Xuân Khê những hộ nghèo chỉ là đối tượng tàn tật, già cả không còn sức lao động...

Người dân rõ ràng không muốn nghèo nên luôn tự hào nơi mình ở không ai nghèo. Người ta không ngại khoe những nhu cầu hưởng thụ trong đời sống mới. Ví như ở Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, giờ đây mỗi thôn đều có các thiết chế văn hóa khang trang, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đa dạng, phong phú của người dân cho đời sống tinh thần. Chị Hiền, thôn Hoàn Dương nói: "Cả xã, thôn nào cũng có câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, câu lạc bộ cờ tướng. Ngoài giờ làm việc, các câu lạc bộ thu hút rất đông người tham gia hoạt động. Đó là nơi để mọi người chia sẻ tâm tư, xây dựng tình đoàn kết xóm làng. Họ bảo nhau làm ăn, bảo nhau chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình. Thế nên, số người dân tham gia bảo hiểm y tế ở xã này chiếm trên 95%".

Đúng như lời ông Trần Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã nói: "Người dân Mộc Bắc bây giờ không nghèo nên ai cũng quan tâm đến sức khỏe của bản thân và những người trong gia đình. Ngày trước, rất hiếm khi người ta tự nguyện đi khám bệnh định kỳ hay có dấu hiệu mệt mỏi trong người mà đi khám bệnh. Giờ thì không thế, người dân quan tâm chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế cao cấp, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ vui chơi giải trí".

Không nghèo nên phong cách sống của người dân cũng thay đổi. Họ bớt đi những đắn đo, phiền muộn trước những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội. Người dân có ý thức, trách nhiệm hơn đối với cộng đồng, với xã hội. Những vấn đề về y tế, giáo dục, môi trường, quan hệ xã hội lành mạnh... cũng vì thế mà thay đổi tích cực hơn.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy