Chuyện về những vùng quê “cả làng ăn đong gạo chợ”

“A lô! Mang cho tôi hai chục cân gạo, vẫn gạo ngon như mọi khi nhá…” nghe câu đàm thoại của bà chị “trăm phần trăm gốc gác nông nghiệp” với chủ một đại lý gạo, tạp hóa đầu làng trong buổi chiều ngày giáp Tết, tôi cứ thấy là lạ.

Đem nỗi niềm băn khoăn ấy vào câu chuyện hỏi han xã giao, tôi được chị hồ hởi khoe: Thời buổi “công ty về tận làng”, bây giờ không riêng nhà chị mà hầu như “cả làng ăn đong gạo chợ”, mà cũng chẳng phải đi đong, đi mua, cứ “Alô” là người ta mang đến tận nhà, chú ạ… Nghe chị nói, tôi cũng thấy vui lây với chị, vui lây với vùng quê xóm núi đã bao đời nay mang tiếng thuần nông, nghèo khó, quanh năm làm ruộng vất vả mà cứ luôn canh cánh nỗi lo “ăn đong gạo chợ”…

Tranh minh họa.

Thời trước, khi tôi mới lớn, ở vùng xóm núi xa xôi, cách trở Bồng Lạng (Thanh Nghị, Thanh Liêm) quê tôi mà nhà nào phải “ăn đong gạo chợ” thì coi như bị xem là “gia đình không cơ bản”. Thời ấy, muốn nói gì thì nói, với nhà nông cũng phải có hạt thóc trong nhà mới chắc dạ, yên tâm. Thiếu tiền mua thức ăn thì rau cỏ tự trồng, cá tôm tự kiếm đắp đổi qua bữa nhưng nhất định phải lo cấy cầy, tính toán sao cho có đủ hạt thóc từ vụ này nối sang vụ kế tiếp, để không bị thiếu đói, bị “ăn đong gạo chợ”… 

Những câu chuyện một thuở ấy nếu đem ra kể với đám thanh niên làng tôi bây giờ chắc phần lớn các cháu sẽ khó có thể hiểu cặn kẽ, bởi bây giờ mọi sự đã khác. Thời buổi công nghiệp hóa mà theo cách nói của chị tôi: “Thời buổi công ty về tận làng”, đồng đất, nhân lực lao động trong làng đã chuyển dịch một trời, một vực so với cái thuở thuần nông trước kia. Những chân ruộng “trên se, dưới sút” chủ yếu cấy một vụ chiêm bấp bênh đã được dành ra làm nhà máy. Ba phần tư lao động trong độ tuổi “đi làm công ty”, đám trẻ làm cho những công ty có yêu cầu tuyển dụng lao động trẻ, khỏe; người trung niên làm công nhân lĩnh lương hằng tháng cho công ty may, công ty sản xuất đồ chơi, rồi làm lao động thời vụ, cấp dưỡng, cung ứng lương thực, thực phẩm cho các bếp ăn công ty, làm dịch vụ vệ sinh môi trường…, chưa kể vô số các loại hàng quán, dịch vụ mọc lên ở cái làng quê vốn xưa kia có tiếng “thuần nông 100%” này. Chính bởi thế nên phần lớn các gia đình đều có việc làm, thu nhập ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Và bởi vậy, chuyện “cả làng ăn đong gạo chợ” tự nhiên đã trở thành chuyện thường ngày, chuyện vui, chẳng thấy ai mảy may lo lắng, bất an như trước. 

Nhắc đến điều này, tôi bỗng chợt nhớ đến một con số thú vị trong báo cáo của tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế mới đây, rằng trước thềm năm mới Canh Tý 2020, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại đã chiếm đến trên 90% và tỷ trọng kinh tế nông nghiệp hiện chỉ còn chưa đến 10% trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh. Lao động trong nông nghiệp phần lớn đã chuyển sang làm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, hoặc làm công nhân trên những thửa ruộng chuyên canh cây nông sản hàng hóa ứng dụng công nghệ cao. Có việc làm, thu nhập ổn định nên dù có “ăn đong gạo chợ” cũng chẳng còn là mối lo “kinh tế gia đình không cơ bản”, không chắc chắn nữa.

Mang theo dư âm vui vui trong câu chuyện “nhà nông ăn đong gạo chợ” quê mình, tôi đến thôn Thần Nữ (Bạch Thượng, Duy Tiên), một vùng quê chiêm trũng điển hình mà trước đây có mức bình quân ruộng đất 1,6 sào/khẩu để hiểu rõ hơn về câu chuyện ăn đong gạo chợ” hay đúng hơn là câu chuyện về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng như sự đổi thay trong đời sống các vùng quê nông thôn. 

Gặp Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phan Văn Toàn trong một chiều cuối năm và nhờ câu chuyện trải lòng của anh tôi dễ dàng hình dung ra rõ hơn diện mạo nơi vùng quê chiêm trũng một thời thuần nông nay đang hừng hực nhịp điệu công nghiệp hóa này. Nếu như trước đây, ở các gia đình thôn Thần Nữ trong mấy gian nhà vốn chưa mấy rộng rãi luôn phải dành riêng một chỗ cao ráo, không mưa dột để quây cót lúa, để hòm lúa dự trữ. Từ vụ này sang vụ kia cứ phải có trên dưới tấn lúa trong nhà mới yên tâm không lo những ngày giáp hạt. Bây giờ hầu hết trong số hơn 400 hộ dân gần như chẳng còn thấy bóng dáng cót lúa, hòm lúa nữa, bởi lẽ từ gạo tẻ dùng thường ngày đến gạo nếp, đỗ đậu, măng miến dùng cho những khi có việc… tất tật cần gì đều đã có đại lý cung cấp tận nơi. 

Không chỉ cung cấp đủ loại sản phẩm gạo, các cửa hàng dịch vụ đầu làng, cuối xóm hầu như có đủ những mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt thường ngày nên người dân rất tiện lợi khi mua sắm. Công việc, thu nhập ổn định nên sức mua của người dân cũng tốt hơn rất nhiều. Trước nhu cầu của người dân không những tăng về số lượng, chất lượng mà còn gia tăng cả sự đa dạng, phong phú về chủng loại hàng và mức độ phục vụ nên các chủ đại lý cũng thể hiện rõ hơn trách nhiệm bảo đảm chất lượng, sự an toàn, chu đáo. Chính bởi vậy, lượng gạo và các nhu yếu phẩm chuyển đế tận nhà theo yêu cầu của khách ngày càng lớn, nhất là vào dịp những ngày nghỉ cuối tuần, ngày giáp Tết. Chỉ riêng mặt hàng gạo thôi cũng đã thấy rõ sự đa dạng về nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ các loại gạo bình dân, phổ thông thường thấy như: Tạp giao, PC, Bắc thơm,… đến các loại đặc sản vùng miền như: Tám Điện Biên, Tám Hải Hậu, Séng Cù, Nếp nương Tây Bắc…

Tiếp nối câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Bạch Thượng Trần Xuân Việt, chủ đề “cả làng ăn đong gạo chợ” lại có thêm nhiều chi tiết vui. Ấy là thời buổi công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn nên nhịp điệu làng quê cũng sôi động, khẩn trương hơn hẳn. Trước đây cứ xẩm tối quãng đường từ quốc lộ 38A về các thôn Thần Nữ, Văn Phái… đã vắng hoe, chẳng mấy người đi lại. Nay khác lắm rồi, điện đường thắp sáng, xe máy của công nhân đi làm ca, xe máy, ô tô tải nhỏ của tư thương đến giao dịch bỏ mối, cất hàng… chạy gần như suốt đêm. 

Lại nữa, bởi có việc làm, thu nhập ổn định tại chỗ nên nhà nhà ung dung, người người phấn khởi, việc vận động đóng góp xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp các công trình phúc lợi dân sinh theo tiêu chí nông thôn mới hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu không còn khó khăn, vất vả như trước. 

Đặc biệt, nhịp điệu sinh hoạt ở làng quê cũng bắt đầu có sự thay đổi rất rõ theo hướng công nghiệp hóa. Đình đám, giỗ chạp, việc công, việc tư… bây giờ đều phải tính toán, lựa chọn tổ chức vào ngày nghỉ cuối tuần, hoặc giờ nghỉ chiều tối mới có thể mong mọi người góp mặt đông đủ, lý do là bởi trong giờ hành chính “mọi người đi làm công ty”, đi làm dịch vụ cả…

Đầu Xuân năm mới nói chuyện “ăn đong gạo chợ” nhưng không còn thấy lo như mối lo khó khăn, thiếu đói một thuở, thậm chí còn thấy vui bởi những đổi thay đến không ngờ ở mỗi vùng quê nông thôn, nông nghiệp, ở mỗi hộ nông dân. Nhịp điệu công nghiệp hóa, chuyên nghiệp hóa quyện hòa cùng nét xuân phơi phới và không khí đón Tết bình yên, đầm ấm đang hiện hữu ngày càng rõ hơn ở nhiều vùng quê nông thôn mới.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy