Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân trong thời đại công nghệ điện tử phát triển mạnh mẽ, ngành bưu điện dần chuyển hướng hoạt động sang dịch vụ đa ngành nghề. Chính vì vậy, công việc của những người làm nghề bưu tá cũng có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều trải nghiệm mới.
Từ sáng sớm các nhân viên bưu tá đã có mặt đông đủ tại nơi làm việc và nhanh chóng sắp xếp, phân loại thư từ, báo chí, công văn, bưu kiện theo lịch trình đường đi, bảo đảm công việc giao, nhận thuận tiện, nhanh chóng, chính xác, hạn chế thấp nhất sai sót, nhầm lẫn. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để hoàn thành chỉ tiêu: kết thúc buổi làm việc phải hoàn thành giao, nhận toàn bộ số lượng bưu phẩm trong ngày không hề dễ dàng chút nào.
Chị Nguyễn Thị Hòa, nhân viên bưu tá hệ 1 thành phố Phủ Lý (có 17 năm gắn bó với nghề) chia sẻ: Mỗi ngày, công việc của tôi bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc khi nhá nhem tối. Như thường lệ, trước mỗi chuyến hành trình quen thuộc, tôi đều kiểm tra, phân loại cẩn thận công văn, bưu phẩm, báo chí… để tránh nhầm lẫn không đáng có. Nhờ có thâm niên lâu năm trong nghề nên hầu như đường ngang, ngõ tắt của thành phố đều như in thành bản đồ trong trí nhớ của tôi. Tuy vậy, hiện giờ các khu dân cư mới, cũ đan xen, tình trạng "nhà không có số, phố không có tên", hoặc trùng số, trùng ngõ… khá nhiều nên để đưa tận tay người nhận bưu phẩm thật không dễ dàng.
Chuyển phát báo chí, thư tín đến cán bộ hưu trí đã là công việc hằng ngày, quen thuộc đối với chị Nguyễn Thị Hòa và nhiều nhân viên bưu tá khác.
Đặc thù công việc thường xuyên đi lại ngoài trời, bất kể nắng, mưa, luôn phải tiếp xúc với khách hàng đòi hỏi nhân viên bưu tá không chỉ có năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng xử lý tình huống mà còn phải có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt.
Chị Hòa tâm sự: Là nghề dịch vụ "làm dâu trăm họ" nên kể cả với khách hàng khó tính, mình vẫn phải khéo léo, kiên trì. Nhiều khách hàng khi nhận bưu phẩm còn yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng, bưu tá phải kiên nhẫn giải thích để họ hiểu nguyên tắc bưu phẩm được giao là bảo đảm niêm phong, đóng kín. Hay khi hộp bìa bao ngoài gói hàng bị móp trong quá trình vận chuyển, bưu phẩm bị dính ướt vì trời mưa, xin lỗi và giải thích là điều cần thiết.
Thâm niên trong nghề không bằng chị Hòa, nhưng chị Phạm Thị Hoa, nhân viên bưu điện văn hóa (BĐVH) xã Khả Phong (Kim Bảng) cũng đã có 13 năm gắn bó cùng công việc bưu tá với bao thăng trầm, nhất là giai đoạn ngành bưu điện gặp khó khăn, nhiều điểm BĐVH xã rơi vào cảnh đìu hiu, một số người không trụ được với nghề.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, theo chị Hoa, công việc đã có nhiều sự khác biệt. Các điểm BĐVH xã không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông mà còn cung cấp nhiều dịch vụ khác: Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, thu tiền điện, tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, bán hàng tiêu dùng, chuyển tiền…
Yêu cầu của khách ngày một cao, chất lượng dịch vụ cũng phải theo đó nâng lên, phạm vi phục vụ đa dạng hơn trước. Mỗi sáng, chị Hoa phân loại, sắp xếp báo chí, công báo, thư tín từ rất sớm để kịp giao đến các cơ quan, đáp ứng yêu cầu công việc của các phòng, ban trong xã. Buổi chiều, chị dành phát bưu kiện, hàng COD (dịch vụ chuyển hàng thu tiền trực tiếp) và bán hàng tiêu dùng. Đầu tháng, chị thực hiện dịch vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, thu tiền điện, tiền bán bảo hiểm từ các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Địa bàn xã rộng, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chị bố trí chi trả lương hưu, trợ cấp tại hai điểm (Nhà văn hóa thôn Khuyến Công và điểm BĐVH xã); riêng thu tiền điện có thêm điểm Nhà văn hóa xóm 8. Hiện tại, hầu hết nhân viên BĐVH xã đều chia nhỏ các điểm như vậy để cung cấp cho khách hàng dịch vụ chất lượng tốt nhất.
Dịch vụ ngày một đa dạng, lượng khách hàng tăng, đa số các nhân viên bưu tá đều tận dụng thứ bảy, chủ nhật để làm việc, nếu để sang đầu tuần, công việc sẽ ùn ứ càng thêm khó giải quyết. Những dịch vụ kể trên đều do bưu điện cung cấp, bản thân những người làm nghề bưu tá nếu muốn có thêm thu nhập thì phải lo chạy doanh số.
Do nỗ lực và có cách sắp xếp công việc hợp lý nên thu nhập hằng tháng của chị Hoa đạt khoảng trên dưới 10 triệu đồng, cá biệt có tháng đạt 14 triệu đồng. Bí quyết của chị Hoa là xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng, "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, từ hàng tiêu dùng đến bảo hiểm, nhờ đó tạo được nguồn khách thân thiết lâu dài.
"Mình phục vụ tận tình thì sẽ được bà con quý mến. Dù là những mặt hàng nhỏ, giá trị thấp nhưng khi có người gọi, mình vẫn phục vụ tận nhà. Lâu dần thành quen, tích tiểu thành đại, doanh thu cũng ngày càng tăng", chị Hoa chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải điểm BĐVH xã nào cũng đạt doanh thu tốt, kéo theo nguồn thu nhập của nhân viên bưu tá ở đó khá "khiêm tốn" (3-4 triệu đồng/người/tháng). Công việc bận rộn, thu nhập giảm do chạy doanh thu không đạt chỉ tiêu, một số nhân viên BĐVH xã đang phải chịu nhiều áp lực từ công việc của mình.
Thuận lợi mở ra nhiều nhưng khó khăn, vất vả cũng không hề ít, những đòi hỏi đặt ra từ sự vận động không ngừng nghỉ của cơ chế thị trường thời đại công nghệ số đang đặt ra những cơ hội và thách thức không nhỏ cho loại hình dịch vụ bưu chính viễn thông cũng như với cá nhân mỗi bưu tá. Riêng với những người làm nghề bưu tá, ngoài nhu cầu việc làm, thu nhập thì niềm vui, niềm tự hào khi làm tròn trách nhiệm: "Bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, kịp thời, chính xác" cũng là một động lực để họ tiếp tục yêu mến, sẵn sàng thích ứng và tha thiết gắn bó với nghề hơn.
Thanh Vân
Thanh Vân