kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Cần nhiều bể bơi cho trẻ em

Cần nhiều bể bơi cho trẻ em

Mỗi dịp hè về, nhu cầu học bơi và bơi của các em thiếu niên, nhi đồng lại tăng mạnh. Ở thành thị, nhu cầu bơi lội của các em cơ bản được đáp ứng do có bể bơi dịch vụ.

Ngược lại, tại vùng nông thôn do không có bể bơi nên trẻ em thường tận dụng ao, hồ để bơi. Một tin vui đến với trẻ em nông thôn hiện nay, đó là một số tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống bể bơi nhằm giúp các em vui chơi, rèn luyện sức khỏe, đồng thời góp phần tích cực trong việc phòng, chống tai nạn đuối nước.

Có mặt tại bể bơi Thành Đạt, Thôn 4, xã Chính Lý (Lý Nhân) vào một buổi chiều muộn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự nhộn nhịp của nơi đây. Dưới hồ bơi là những tiếng đập nước bập bõm, tiếng cười đùa từ các em nhỏ tạo ra không khí khá náo nhiệt. Phía trên là các bậc phụ huynh đang theo dõi con mình bơi, nô đùa và nhìn nét mặt ai ai cũng phấn khởi. Em Nguyễn Văn Hậu, học sinh lớp 6, Trường THCS xã Chính Lý hồ hởi nói: Lần đầu tiên trong đời cháu được bơi ở hồ bơi sạch đẹp như thế này. Chúng cháu còn được giáo viên hướng dẫn từ bài khởi động, cách mặc áo phao đến các bài thực hành kỹ thuật bơi. Học bơi và bơi không chỉ giúp cháu được vui chơi trong những ngày hè nóng bức, được rèn luyện sức khỏe mà còn giúp cháu biết cách phòng, chống đuối nước. 

Cần nhiều bể bơi cho trẻ em
Bể bơi Thành Đạt, Thôn 4, xã Chính Lý (Lý Nhân) hằng ngày luôn thu hút đông đảo trẻ em đến tắm, học bơi.

Đang chờ con trai tập bơi, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, xã Hợp Lý cho biết: Nhà tôi cách đây gần 3km nhưng cứ mỗi tuần 3 buổi sau khi cháu đi học về tôi thường thu xếp thời gian để đưa cháu đến đây bơi. Mặt khác, giá vé 20 nghìn đồng/lượt và vé tháng là 350 nghìn đồng/người/tháng cũng hợp lý với thu nhập của người dân. Tôi nghĩ rằng việc xây dựng các bể bơi ở vùng nông thôn là rất cần thiết trong việc rèn luyện sức khỏe cũng như phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ. Qua tìm hiểu được biết, bể bơi Thành Đạt được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2019 với diện tích trên 200m2 và được chia làm 2 ngăn. Một ngăn có độ sâu 0,6m dành cho trẻ em và 1 ngăn sâu 1,6m dành cho người lớn. Bể có mái che, có huấn luyện viên là các thầy giáo chuyên nghiệp, có hệ thống nhân viên cứu hộ luôn túc trực, có hệ thống lọc xử lý nước cấp cho bể bơi bảo đảm theo quy định. Ngoài ra, bể còn có các công trình phụ trợ như nhà điều hành, phòng kỹ thuật, phòng thay quần áo, nhà vệ sinh, quán giải khát và lán để xe. Anh Nguyễn Huy Hiệp, hiện là giáo viên Trường THCS xã Chính Lý, đồng thời là chủ bể bơi Thành Đạt cho biết: Xuất phát từ tình hình trẻ em vùng nông thôn bị đuối nước do tắm sông, ao, hồ, cộng với nhu cầu bơi lội của trẻ em vùng nông thôn mỗi dịp hè, năm 2019 tận dụng diện tích đất vườn trước cửa nhà tôi đã xây dựng bể bơi với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Sau khi đưa vào hoạt động đến nay, trung bình mỗi ngày bể bơi đón từ 100-120 người các lứa tuổi đến tắm và học bơi. Năm 2019, tôi còn phối hợp với tổ chức đoàn địa phương và các nhà trường được 8 lớp dạy bơi, thu hút gần 200 thiếu niên, nhi đồng tham gia. 

Còn tại bể Hương Chính, Tổ dân số Văn Phái, phường Bạch Thượng (thị xã Duy Tiên) được đưa vào sử dụng từ năm 2017, nay đã trở thành một địa điểm luôn thu hút một lượng lớn các em thiếu niên, nhi đồng đến tắm, học bơi. Đặc biệt, những ngày gần đây, do nắng nóng kéo dài nên trung bình mỗi buổi chiều bể bơi này đón từ 200-250 lượt người, chủ yếu là trẻ em. Bác Nguyễn Văn Bình, phường Tiên Nội chia sẻ: Tôi cho cháu đến đây học bơi từ năm 2019, nay cháu cơ bản đã biết bơi. Hiện các cháu phải học hai buổi/ngày nên cứ chiều muộn tôi lại cho cháu đến đây bơi để giúp các cháu giải tỏa áp lực sau mỗi ngày học tập, rèn luyện sức khỏe, đặc biệt có khả năng tự phòng, chống đuối nước. 

Còn bà Trương Thị Huê, chủ bể bơi Hương Chính cho biết: Do nhu cầu tắm, học bơi của trẻ em, năm 2017, gia đình đã đầu tư hệ thống bể bơi này với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng. Bể được xây dựng theo đúng quy chuẩn, có hệ thống tường rào, có khu tắm tráng, khu vệ sinh, phòng thay đồ, có ghế ngồi xung quanh, có giáo viên hướng dẫn và thường xuyên có nhân viên cứu hộ quan sát để xử lý sự cố có thể xảy ra. Từ ngày khai trương đến nay, trung bình mỗi năm bể bơi này đón khoảng 35-40 nghìn lượt người đến tắm, học bơi. Hằng năm, chúng tôi còn phối hợp với tổ chức đoàn của huyện tổ chức dạy bơi cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trong mỗi dịp hè về. 

Được biết, ngoài 2 bể bơi nêu trên, thời gian gần đây một số tổ chức, cá nhân đã đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bể bơi tại một số vùng nông thôn. Có nơi xây dựng bể kiên cố, còn có nơi  trang bị hệ thống bể di động được đặt tại các điểm công cộng, trường học đã và đang thu hút một lượng lớn người đến tắm, học bơi, nhất là các cháu thiếu niên, nhi đồng. 

Có thể nói, việc thiếu sân chơi cho trẻ em, đặc biệt là vùng nông thôn hiện nay khiến nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn, lo lắng trong mỗi dịp hè nên việc xây dựng bể bơi ở mỗi làng quê là nhu cầu cấp thiết. Từ những mô hình này, thiết nghĩ, các cấp, ngành chức năng tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực xã hội hóa việc xây dựng hệ thống bể bơi ở nông thôn, tạo điều kiện để các em có những mùa hè lành mạnh, an toàn và đầy ý nghĩa.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy