Bảo đảm an toàn lao động cho lao động tự do

Cũng như ở nhiều địa phương, lực lượng lao động tự do trên địa bàn Hà Nam chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số người ở độ tuổi lao động. Không có hợp đồng lao động, không tham gia các loại hình bảo hiểm, không được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ...số lao động này luôn đối diện với nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.

Công nhân xây dựng là nhóm lao động nặng nhọc, nguy hiểm, chiếm tỷ lệ khá cao so với tổng số lao động tự do trong toàn tỉnh.

So với nhiều công việc khác, công nhân xây dựng thuộc nhóm lao động nặng nhọc, nguy hiểm do thời gian làm việc trong ngày kéo dài, tần suất làm việc ở ngoài trời lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao… Thế nhưng, hầu hết trong số họ lại không được trang bị kiến thức về an toàn lao động, không có đủ bảo hộ lao động cần thiết trong khi làm việc.

 Đặc biệt, phần lớn lao động ở lĩnh vực này không có hợp đồng với chủ thầu xây dựng. Vì vậy, họ không được hưởng các chế độ đãi ngộ hay tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Khi không may xảy ra tai nạn lao động, họ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Đơn cử như mới đây, trong một vụ sập trần nhà ngay sau khi đổ mái tầng 1 tại công trình xây dựng nhà ở dân sinh trên đường Nguyễn Hữu Tiến, phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) do anh N.V.N (phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) làm chủ thầu xây dựng đã khiến cho một thợ xây bị thương khá nặng.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến tai nạn sập trần nhà là do làm cốp pha kém chất lượng. Thế nhưng, người chịu hậu quả và thiệt thòi nhất không ai khác chính là nạn nhân trong vụ sập trần nhà. Được biết, công nhân lao động này trong quá trình làm việc không sử dụng mũ, quần áo, giày… bảo hộ lao động. Đó chính là nguyên nhân khiến anh bị thương nặng hơn ở phần đầu và chân.

Không thuộc nhóm lao động nặng nhọc và nguy hiểm như công nhân xây dựng nhưng những lao động ngành may mặc, thêu ren cũng là đối tượng dễ bị mắc bệnh nghề nghiệp nếu không làm tốt công tác bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.

Qua khảo sát một số cơ sở may mặc, thêu ren bằng máy vi tính trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết lao động may không sử dụng bông nút tai, khẩu trang khi làm việc mặc dù làm những công việc này, người làm thường xuyên phải nghe tiếng ồn lớn của máy may, máy thêu và tiếp xúc nhiều với sợi bông, bụi vải, bụi từ máy móc, hóa chất nhuộm công nghiệp…

Chị Trần Thị Ngọc, lao động làm thuê tại một xưởng may gia công trên địa bàn xã Tiêu Động (Bình Lục) cho biết: Tôi làm việc ở đây gần một năm nay rồi. Thu nhập được hưởng theo sản phẩm  nên giữa chủ sử dụng lao động và người làm chỉ ràng buộc nhau về mặt hiệu quả công việc, còn các yếu tố khác như an toàn lao động, sử dụng thiết bị bảo hộ lao động, chế độ khi ốm đau hay mắc bệnh nghề nghiệp… thì tôi cũng không thấy ai nói đến.

Do đặc thù của các cơ sở may mặc, thêu ren là sử dụng chủ yếu lao động nữ, trình độ không cao nên nhận thức về kỷ luật lao động, trang bị bảo hộ lao động còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều chủ sử dụng lao động vẫn chưa quan tâm đến vấn đề thực hiện pháp luật lao động cũng như trang bị thiết bị bảo hộ cần thiết cho người lao động. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lao động nghề may mặc và thêu ren dễ bị các bệnh nghề nghiệp liên quan đến da, tai, đường hô hấp…

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Trung Hiếu, Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: Hiện nay, Nhà nước mới chỉ có chính sách về tiền lương, an sinh xã hội cho nhóm lao động khu vực chính thức. Đối với nhóm lao động tự do thì chưa có quy định cụ thể nào. Hầu hết lao động tự do làm việc thông qua sự thỏa thuận bằng miệng với chủ sử dụng lao động chứ không có hợp đồng lao động quy định rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên. Do không có hợp đồng lao động nên khi xảy ra tranh chấp, tai nạn, họ phải chịu nhiều thiệt thòi.

Đặc biệt, vì không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm nên họ không được hưởng chế độ thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, bảo hộ lao động cũng như chưa được tổ chức huấn luyện an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ…

Từ thực tế trên, những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân để tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Thế nhưng, tỷ lệ lao động tự do tham gia còn rất thấp do trình độ, nhận thức của người lao động tự do còn hạn chế, thu nhập thấp, công việc không ổn định…

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Nhà nước cũng đã có những điều chỉnh trong thực hiện chính sách, cụ thể như từ ngày 1/1/2018, Luật Bảo hiểm xã hội quy định đối với người lao động có hợp đồng từ 1 tháng thì bắt buộc phải mua bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Luật An toàn vệ sinh lao động cũng quy định rõ, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền được pháp luật bảo vệ quyền được làm việc trong điều kiện an toàn; được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Lao động tự do được tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện và sẽ được hỗ trợ về mức đóng do Chính phủ quy định…

Bảo đảm an toàn lao động cho công nhân là vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển. Theo đó, chủ sử dụng lao động cần nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng lao động. Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi cho mình, những người làm công việc thường xuyên, liên tục tại các cơ sở sản xuất, công trình xây dựng…  nên yêu cầu chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động. Khi đó, người lao động mới được hưởng các chế độ chăm lo cũng như được bảo vệ khi có tranh chấp, tai nạn lao động không may xảy ra.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy