Nỗ lực cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

>>> Bài 1: Vì sao một số chỉ tiêu thành phần giảm điểm?

Bài 2: Đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc

Lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có quy mô lớn, triệu tập tới cán bộ cấp phòng của các sở, ban, ngành và cán bộ trực tiếp làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”. Tại hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư  Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: PCI là một vấn đề được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện thứ hạng. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương, trên cơ sở phân tích của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng bộ phận, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải tiên phong, gương mẫu hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ người thân của mình. 

Theo đánh giá của các ngành chức năng, PCI năm 2021 giảm có nhiều nguyên nhân, song tập trung ở một số điểm cơ bản như: sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư trên địa bàn có thời điểm còn chưa thường xuyên. Một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao PCI nên chất lượng công tác tham mưu, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời.  Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, làm việc kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý.

Công tác cải cách thủ tục hành chính còn bất cập, nhất là việc xây dựng các biểu mẫu hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính. Việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, công khai các văn bản, cơ chế, chính sách của tỉnh chưa kịp thời. Các chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều; chất lượng đào tạo lao động và giới thiệu việc làm chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng về tính cạnh tranh bình đẳng của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh còn thiếu quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và xem xét của các nhà đầu tư. 

Trên cơ sở ý kiến phản ánh từ phía các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã phân tích làm rõ trách nhiệm và yêu cầu từng ngành nhanh chóng vào cuộc giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao những chỉ số thành phần giảm điểm như: Chi phí gia nhập thị trường; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của chính quyền; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Nỗ lực cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Công nhân Công ty TNHH Đồng kỹ thuật Korea ở KCN Đồng Văn I kiểm tra sản phẩm.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp trong nhóm ngành xây dựng đánh giá việc thanh tra, kiểm tra còn nhiều, nhưng thực tế qua rà soát năm 2021, Sở Xây dựng chỉ phối hợp tổ chức thanh tra có 2 doanh nghiệp và được lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt. Có thể, các doanh nghiệp chưa hiểu rõ khi một công trình xây dựng có nhiều ngành vào kiểm tra, thuộc trách nhiệm riêng như kiểm tra phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động… song lại cho đó là thanh tra xây dựng. Việc thanh kiểm tra chuyên ngành của Sở Xây dựng, các doanh nghiệp phản ánh trực tiếp đến sở để đơn vị có thể giải thích rõ ràng. 

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Các doanh nghiệp có ý kiến bày tỏ số ngày thay đổi đăng ký kinh doanh còn cao. Thực tế cho thấy, việc cấp Giấy phép kinh doanh hiện nay đều gửi hồ sơ qua mạng và thời gian quy định cho phép tối đa 7 ngày, nhưng thực tế thời gian cấp Giấy phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện nay chỉ còn 3 ngày. Về phần kiến nghị của các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục cho rà soát, phân tích đánh giá và kiến nghị với các ngành chức năng để có thể cắt giảm thời gian thực hiện cấp phép đăng ký kinh doanh. 
Trong thời gian tới, để nâng cao chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các ngành chức năng tập trung rà soát các dịch vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bổ sung các dịch vụ cần thiết… hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để cải thiện, nâng cao PCI của tỉnh trong năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải năng động, tiên phong trong việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” ở địa phương. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các cấp, các ngành triển khai thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Hà Nam đứng thứ 42 trong bảng xếp hạng PCI 2021

Hà Nam đứng thứ 42 trong bảng xếp hạng PCI 2021

Sáng 27/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI, để nâng cao PCI, trong thời gian tới tỉnh Hà Nam cần có một số chính sách thay đổi như: Tình trạng chi trả chi phí  không chính thức khá phổ biến, cần được cải thiện; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc gia nhập thị trường; cấp phép kinh doanh có điều kiện, thời gian thủ tục cấp phép còn rườm rà, kéo dài; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” cần cải thiện nhiều hơn nữa; đồng thời giảm số lần thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra xây dựng, lao động và phòng cháy, chữa cháy; tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng và lãi suất cho doanh nghiệp...

Tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao  PCI, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy nhấn mạnh: Các ngành cần tính toán giảm số lần thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng chồng chéo trong thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ phụ trách bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa’’ và cán bộ giải quyết thủ tục hành chính. Áp dụng công nghệ số vào giải quyết công việc trực tuyến, hạn chế cán bộ tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý một số cán bộ cố tình gây khó dễ, có biểu hiện tiêu cực trong giải quyết công việc. Một số vị trí công tác cần luân chuyển cán bộ để nâng cao chất lượng giải quyết công việc. Công an tỉnh rà soát lại tình hình an ninh trật tự trong các KCN, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các ngành công khai thủ tục hành chính để doanh nghiệp biết rõ và thực hiện. Chính quyền tỉnh luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy