Nỗ lực cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Để cải thiện PCI trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. 

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tổng số điểm đạt 63,28 (giảm 0,19 điểm so với năm 2020), tỉnh Hà Nam xếp thứ 42 trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 (giảm 12 bậc so với năm 2020). Trong các chỉ số thành phần, giảm sâu nhất  là Chỉ số  “Chi phí gia nhập thị trường” đạt 6,73 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố (giảm 1,46 điểm, hạ 21 bậc) và Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền” đạt 6,7 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố (giảm 0,38 điểm, hạ 32 bậc).  

Bài 1: Vì sao một số chỉ tiêu thành phần giảm điểm?

PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. PCI 2021 có thang điểm 100 và tiếp tục được đánh giá trên 10 chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. 

Để nâng cao PCI, trong nhiều năm qua tỉnh Hà Nam đã quan tâm đến các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Với việc duy trì và thực hiện nghiêm 10 cam kết với nhà đầu tư, một số dịch vụ đã có chuyển biến rõ nét như: chất lượng dịch vụ điện, nước sạch, xử lý nước thải, tiêu thoát nước mưa trong các KCN đã được nâng lên đáng kể. Tại các KCN, tình trạng mất điện đột ngột đã giảm và nguồn điện cung cấp cho các doanh nghiệp ổn định hơn. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư phản ánh “biên độ giao động của dòng điện chưa ổn định’’ dẫn tới máy móc thiết bị hiện đại tự ngắt, gây gián đoạn sản xuất. Đối với những trường hợp này, Công ty Điện lực Hà Nam đã khuyến cáo khách hàng sử dụng thiết bị máy móc sản xuất có đặc tính công nghệ cao, yêu cầu khắt khe về chất lượng điện áp phải đầu tư thêm thiết bị lưu điện công suất lớn như sử dụng bộ ổn định điện áp lắp đặt ở những đầu dây chuyền.

Nỗ lực cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Cán bộ Phòng Quản lý Đô thị (thị xã Duy Tiên) trao đổi với các doanh nghiệp về công tác quy hoạch phát triển đô thị.

Ông Vũ Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam cho biết: Những năm qua, công suất sử dụng điện trong các KCN ở tỉnh tăng nhanh, có những năm tăng tới 22 – 25%. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, hằng năm công ty đều phải thống kê công suất sử dụng điện của khách hàng, kịp thời  đầu tư nâng cấp lưới phục vụ các doanh nghiệp trong KCN. Đồng thời, công ty cũng chỉ đạo các điện lực trực thuộc tăng cường kiểm tra lưới, đưa thiết bị công nghệ cao như camera nhiệt, ống nhòm chuyên dụng để phát hiện sự cố đường dây, lưới điện; tập trung vệ sinh công nghiệp, sửa chữa đấu nối các thiết bị, đường dây và TBA theo hình thức hạn chế cắt điện, để không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của khách hàng. 

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xử lý nước thải cũng đã đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp thứ cấp. Tại các KCN đều được quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng biệt. Dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, bảo đảm an ninh trật tự, tài chính ngân hàng… cũng từng bước được cải thiện, nâng cao chất lượng, số lượng, phục vụ nhà đầu tư. Đối với dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, Chi cục Hải quan Hà Nam đã áp dụng hiệu quả công nghệ số trong quá trình khai quan. Doanh nghiệp chủ động khai quan qua mạng và ngành hải quan quản lý theo hình thức tự khai, tự tính và tự chịu trách nhiệm. Trong quá trình giải quyết công vụ, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, so với năm 2020, năm 2021 nhiều chỉ tiêu thành phần PCI giảm điểm. Cụ thể, năm 2021: Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường’’ đạt 6,73 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố (giảm 1,46 điểm, hạ 21 bậc); Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền’’ đạt 6,7 điểm, xếp thứ 41/63 (giảm 0,38 điểm, hạ 32 bậc); Chỉ số “Chi phí không chính thức’’ xếp thứ 48/63, giảm 2 bậc.  Một số chỉ số thành phần tuy có được cải thiện nhưng không đáng kể và cũng nằm trong nhóm bị doanh nghiệp đánh giá thấp như: Chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp’’ đạt 6,2 điểm, xếp thứ 49/63 (tăng 0,81 điểm và tăng 5 bậc); Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự’’ đạt 6,35 điểm, xếp thứ 57/63 (giảm 0,18 điểm và hạ 17 bậc). Vậy nguyên nhân do đâu? 

Báo cáo PCI 2021 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 22 địa phương. Phân tích ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp thông qua tổng hợp của VCCI như: Chỉ  số “Chi phí gia nhập thị trường’’ được doanh nghiệp đánh giá dựa trên kết quả thực hiện 19 chỉ tiêu cơ sở, trong đó có 8 chỉ tiêu cơ sở được cải thiện, 11 chỉ tiêu cơ sở chưa được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp cho rằng: số ngày thay đổi đăng ký kinh doanh còn cao; thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của các sở, ngành chưa được niêm yết công khai đầy đủ; một bộ phận cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước tại bộ phận “một cửa” năng lực trình độ chuyên môn còn ở mức độ, chưa nhiệt tình, thân thiện; doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (giấy phép con). Đối với Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền’’ được doanh nghiệp đánh giá dựa trên kết quả thực hiện 9 chỉ tiêu cơ sở, trong đó có 5 chỉ tiêu cơ sở được cải thiện, 4 chỉ tiêu cơ sở chưa được cải thiện. Doanh nghiệp phản ánh, vẫn còn tình trạng các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh.

Ông Trần Văn M. giám đốc một doanh nghiệp ở Lý Nhân cho biết: Chủ trương cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tỉnh rất tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ vẫn cố tình gây khó dễ cho doanh nghiệp, đặc biệt khi làm các thủ tục liên quan đến đất đai, chính sách thuế, điều chỉnh dự án… Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng thì việc kiểm tra của các ngành các cấp còn nhiều, công trình làm xong chủ đầu tư nợ vốn kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu như các cơ quan có thẩm quyền khắc phục được những bất cập trên sẽ tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. 

Còn ông Ngô Văn Tuyến, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Savina Hà Nam cho rằng: Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về thông tin, định hướng thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Tránh tình trạng phát triển ồ ạt một loại vật liệu xây dựng dẫn tới các doanh nghiệp sản xuất ra dư thừa lớn. Cụ thể, Hà Nam có lợi thế phát triển sản phẩm gạch không nung từ nguồn nguyên liệu đá, xi măng tại chỗ. Chính vì vậy,  trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung đã phát triển ồ ạt dẫn tới dư thừa nhiều, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Đối với ngành ngân hàng cần tháo gỡ khó khăn về vốn, giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp.  

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phản ánh: Tình trạng phải chi trả chi phí  không chính thức của doanh nghiệp còn khá phổ biến, cần được cải thiện; cần giảm số lần thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra xây dựng, lao động và phòng cháy, chữa cháy; tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng và lãi suất cho vay; doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; tỉnh cần quan tâm nhiều đến công tác xúc tiến thương mại, khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất; nhiều doanh nghiệp còn thiếu kiến thức về thị trường... Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lãi suất huy động vốn thấp song các ngân hàng vẫn giải ngân vốn cho khách hàng vay với lãi suất cao từ 9 - 10%/năm.
___________________                                 

Bài 2: Đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.