Văn hóa lãnh đạo và văn hóa cầm quyền

Mỗi khi cánh én báo tin xuân cũng là dịp người dân đất Việt kỷ niệm Ngày ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta là đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam và của toàn dân tộc. Đảng còn là tiêu biểu cho văn hóa, trí tuệ Việt Nam - như Bác Hồ từng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Văn hóa Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, trở thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc, nhân văn, nhân nghĩa, điều cha ông ta thường nói tới là: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Như thế, “Đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu” phải được kết tinh những gì tinh túy nhất của văn hóa dân tộc.

Trải qua 94 năm xây dựng và phát triển, tôi luyện và trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng, văn hóa trong Đảng đã hình thành một hệ giá trị. Đó là, bản lĩnh vững vàng của Đảng; những quyết sách chính trị đúng đắn để lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, giành thắng lợi vẻ vang; ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc, Đảng ta không có một lợi ích nào khác; mọi cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Đảng, hết lòng phục vụ nhân dân; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Đảng được nhân dân thừa nhận, tin tưởng là ở sứ mệnh lịch sử, ở những cống hiến to lớn, ở tầm cao của Đảng. Người ta nói bay trên tầm cao chứ không nói trôi ở tầm cao. Bay là có trí tuệ, có chủ đích. Và đó là văn hóa, văn minh.

Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo gần 40 năm qua  đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thành công, song nguyên nhân cơ bản là Đảng mạnh-Dân tin. Đảng luôn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo. Văn hóa lãnh đạo của Đảng thể hiện trên nhiều lĩnh vực, tự nhiên, tự giác, xuyên thấm trong đời sống xã hội. Văn hóa lãnh đạo thể hiện ở chỗ, Đảng biết tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định sao cho có hiệu lực và hiệu quả. Làm thế nào để nghị quyết không “lơ lửng” trên mây, trên giấy? Câu trả lời quen thuộc mà luôn luôn mới: cấp ủy và người lãnh đạo phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phải theo một quy trình. Quy trình ấy được diễn đạt mộc mạc thế này: Có hội thì phải có nghị, có nghị thì phải có quyết nghị, có quyết nghị rồi  thì phải tìm cách thực hiện cho bằng được trí tuệ và ý chí của tập thể. Văn hóa lãnh đạo thể hiện thông qua việc cán bộ, đảng viên có đức, có tài, gương mẫu, tiên phong trong thực thi công vụ. Đã là thủ lĩnh thì phải thực hành đạo đức làm trọng, chứ không chỉ rao giảng đạo đức. Không chỉ kêu gọi mà phải bắt tay làm việc, kiểm tra, giám sát, cùng gỡ khó với mọi người.

Văn hóa lãnh đạo và văn hóa cầm quyền
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức sáng 24/11/2021 tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Khánh

Có người hỏi, vậy văn hóa cầm quyền thì sao? Có “trùng” với văn hóa lãnh đạo? Xin thưa rằng, cầm quyền là khái niệm rộng, là quản trị đất nước bằng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền - nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thước đo văn hóa cầm quyền của Đảng được thể hiện sâu sắc trong mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Đảng là người lãnh đạo, nhưng nhân dân là chủ, mọi hoạt động của Đảng đều vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Thế nhưng, văn hóa lãnh đạo và văn hóa cầm quyền luôn gắn kết với nhau. Văn hóa cầm quyền bảo đảm dân chủ trong thực tế, để làm sao cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng một cách thật sự, như câu nói mộc mạc, hình ảnh từ thời kháng chiến gian nan, nghèo khó, của người nông dân đồng chiêm Hà Nam: Đảng là lúa chín, mùa no.

Văn hóa trong Đảng là một dòng, một nhánh lớn trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, trong các văn kiện chính thức của Đảng ta đã nhiều lần nhắc tới việc xây dựng văn hóa trong Đảng, cũng có tác giả dùng cụm từ “xây dựng văn hóa Đảng” với ý nghĩa tổng quát hơn là văn hóa cầm quyền của Đảng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, đó là: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.

 Vấn đề bao trùm, xuyên suốt được ví như “sợi chỉ đỏ” của văn hóa trong Đảng là mọi chủ trương, đường lối và hoạt động của Đảng phải vì lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của nhân dân. Tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Đảng ta nêu rõ nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Cho đến Đại hội XIII, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu “Tập trung xây dựng Đảng về mặt đạo đức”. Đây được xem là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. 

Xây dựng Đảng về đạo đức - điều chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục làm để Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu  của thời đại số. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc lịch sử, Bác Hồ dặn lại “Trước hết nói về Đảng”. Người  nói đến nguyên tắc ứng xử quan trọng nhất trong nội bộ Đảng - tự phê bình và phê bình: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Đến hôm nay, sau 55 năm, những điều Bác căn dặn vẫn nóng hổi tính thời sự. Đảng ta trong các Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII và XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chỉ rõ các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa để làm trong sạch mình trước, để tập thể chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh.  Nói tự soi, tự sửa không phải là “sách vở” mà là cách nói bắt đầu từ những điều thiết thực trong đời sống.  Sống nghĩa là thay đổi, thay đổi theo hướng tốt lên, đừng “mong mưa lại sợ sấm”, đừng “nhìn bóng vẽ cây”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, đó là: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.

Thấy rõ những sai lầm, khuyết điểm, và dũng cảm, kiên trì sửa chữa là dấu hiệu của một Đảng mạnh. Có một động từ được dùng với nghĩa như một danh từ nói về quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm diệt trừ cái xấu, cái ác: “Đốt lò”!  Công cuộc chống tham nhũng trong những năm qua đã góp phần cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, xử lý nghiêm minh những cán bộ hư hỏng, tha hóa, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Tình trạng trên nóng dưới lạnh đã giảm, hay nói cách khác là dưới cũng ấm dần lên. Thế nhưng, mức độ tham nhũng, hậu quả tham nhũng thì thật khủng khiếp! Nhìn lại mấy vụ án lớn như AVG, Việt Á, vụ án ở Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… mà thấy kinh hoàng về sự tham lam, trí trá vô hạn độ của  những kẻ bất lương. Dã man nhất, kinh hoàng nhất là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch. Trong vòng bốn năm, Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, số tiền hơn 304.000 tỷ đồng. “Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” có tới hơn 1.000 doanh nghiệp, chia làm bốn nhóm chính, trong đó có  “nhóm các công ty ma” tại Việt Nam và mạng lưới công ty tại nước ngoài. Các đàn em thân tín của Lan làm việc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được trả lương cao nhất tới nửa tỷ đồng/tháng.

Thật là đau xót! Hàng trăm người ra hầu tòa trong một vụ án, trong đó có những cán bộ cao cấp, những người từng có một thời có công, có đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.  Con đường nào dẫn họ sa vào  bẫy hiểm, vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân? Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là họ đã không thắng được cám dỗ của vật chất, tiền tài, danh vọng.  Họ đã quên một điều, danh dự mới là thiêng liêng, cao quý nhất. Danh dự của mỗi cá nhân hay tập thể chính là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội, dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó, tập thể đó.

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Điều đó đòi hỏi sự phấn đấu vươn lên, cũng là phù hợp quy luật phát triển: Đảng vững mạnh, dân tộc trường tồn cùng những mùa Xuân nhân loại.

Hải Đường

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy