Sáng 21/6, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng – an ninh (QP-AN) vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; thường trực HĐND; lãnh đạo UBND tỉnh; trưởng, phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Bí thư Ban cán sự đảng, Đảng đoàn; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW; Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, cơ chế, chính sách để phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN và đạt được nhiều thành tựu.
Kinh tế của tỉnh ổn định và có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá; quy mô kinh tế được mở rộng, so với năm 2005: Tổng GRDP (giá SS2010) gấp 5,3 lần; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) gấp 12,9 lần; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh gấp 25,7 lần; tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 21 lần so với năm 2005... Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng KT-XH của tỉnh. Hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia và trong vùng, tạo thế và lực mới cho sự phát triển KT-XH lâu dài của tỉnh; Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong giai đoạn 2006-2017 đã thu hút được 89 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 3.114 triệu USD. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá; đã có 08 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp đang hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu - cụm công nghiệp chiếm trên 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển và được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. Hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ đô thị hóa. Thành lập thị xã Duy Tiên, xây dựng, nâng cấp thành phố Phủ Lý lên đô thị loại II, diện mạo các đô thị có sự thay đổi rõ rệt và đang được tập trung đầu tư để từng bước hình thành một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tích mới. Chính sách xã hội và an sinh xã hội được kịp thời thực hiện. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm. Hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả; quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện hiệu quả, thực chất hơn. QP-AN và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đảm bảo môi trường sống an toàn cho người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những tồn tại, hạn chế; xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển KT- XH và đảm bảo QP-AN của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xác định những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức.
Theo đó, tỉnh đề ra 6 quan điểm phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Tận dụng tối đa cơ hội và các nguồn lực, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh. Phấn đấu đến năm 2025, Hà Nam đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035. Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nam sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố phát triển hiện đại, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, trung tâm mua sắm lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được của Hà Nam về thực hiện NQ 54; Kết luận 13 của Bộ Chính trị. Qua đó đã giúp Hà Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật về mọi mặt trong 17 năm qua. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Đồng chí đề nghị, tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, có những đề xuất, kiến nghị với Trung ương cũng như đề ra nhiều quyết sách đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững; giữ vững ổn định QP-AN. Đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển công nghiệp, dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái; đào tạo nguồn nhân lực...; đẩy mạnh liên kết vùng 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng, thúc đẩy phát triển KT-XT vùng, đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Thứ nhất, về công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị: tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54 và Kết luận số 13 của Bộ Chính trị; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh uỷ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng đảng trên các lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, đạo đức; tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; công tác dân vận; nội chính và phòng chống tham nhũng.
Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 5 gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của HĐND, UBND, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân; xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Thứ hai, về lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển KT-XH: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid- 19; tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy và phục hồi phát triển KT-XH. Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy lợi thế liên kết vùng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại. Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng KT-XH, trọng tâm là: Hạ tầng giao thông kết nối tỉnh Hà Nam với các tỉnh trong vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng; phát huy lợi thế là cửa ngõ thủ đô khai thác hiệu quả tiềm năng; thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giữa tỉnh Hà Nam với các địa phương trong vùng, đặc biệt là thành phố Hà Nội; phát triển hạ tầng đô thị nhằm thúc đẩy phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị bền vững; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, dự án nhà ở xã hội; phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch, đặc biệt là Khu Đại học Nam Cao, Khu du lịch Tam Chúc; từng bước đưa Hà Nam trở thành trung tâm cấp vùng về đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ - du lịch.
Thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, thu hút đầu tư, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, quy hoạch, đầu tư, xây dựng.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai và các nguồn lực tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, chậm giải ngân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chi ngân sách; bảo đảm tăng thu bền vững, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện tự chủ ngân sách và có điều tiết về Trung ương từ năm 2022.
Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc của Hà Nam; đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, xử lý các tồn tại, hạn chế, vi phạm, khuyết điểm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; bảo đảm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước và đời sống xã hội, hướng tới phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tập trung giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh thủ tục các dự án đầu tư trên địa bàn. Nâng cao chất lượng và trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Thứ ba, về nhiệm vụ đảm bảo QP-AN: Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; tiếp tục củng cố, tăng cường QP-AN, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, xây dựng LLVT địa phương vững mạnh. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn kiềm chế tội phạm; thực hiện tốt các chính sách về tôn giáo. Tập trung giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Với những mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH và bảo đảm QP – AN vùng đồng bằng sông Hồng để triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Nam đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035.
Phương Dung