Đối thoại, lắng nghe để phục vụ nhân dân tốt hơn

Thời gian qua, huyện Kim Bảng triển khai thành công nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giúp huyện sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, đề án phát triển KT-XH, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện luôn coi trọng công tác đối thoại, chủ động lắng nghe nhân dân theo tư tưởng, phong cách Bác Hồ. 

Đối thoại lắng nghe để phục vụ nhân dân tốt hơn
Cán bộ Chi bộ 6, Đảng bộ thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) nêu ý kiến với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương về việc chỉnh trang khu dân cư.

Với tinh thần hướng về cơ sở, coi trọng vận dụng bài học “Lấy dân làm gốc”, từ năm 2015 đến nay, người đứng đầu Huyện ủy, UBND huyện Kim Bảng đã tổ chức 5 cuộc đối thoại; lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện tổ chức 60 cuộc đối thoại với cán bộ, đảng viên (CBĐV), đoàn viên, hội viên (ĐVHV), nhân dân.

Trực tiếp đối thoại, lắng nghe ý kiến của CBĐV, nhân dân có đất nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án khu du lịch quốc gia Tam Chúc, ngoài cung cấp đầy đủ thông tin về công tác xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, chủ trương và lợi ích thiết thực khi triển khai dự án, Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện còn chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của nhân dân về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu, về đạo đức, lối sống, thái độ, tinh thần trách nhiệm của CBĐV trong thực thi công vụ. Đồng thời, trao đổi, giải đáp thỏa đáng những ý kiến đóng góp của nhân dân về chủ trương, chính sách quan trọng, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của nhân dân hoặc những vướng mắc, bất cập trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ở cuộc đối thoại nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện cũng chủ động khuyến khích, gợi mở để CBĐV, ĐVHV, nhân dân đặt câu hỏi, đề đạt nguyện vọng với tinh thần cầu thị, thái độ cởi mở, chân thành. Cùng với tiếp thu ý kiến đóng góp, khi trả lời câu hỏi, tùy từng đối tượng là CBĐV, ĐVHV, nhân dân, lãnh đạo huyện đặc biệt chú ý lựa chọn ngữ điệu, cách diễn đạt phù hợp bảo đảm để người nghe dễ hiểu, dễ tiếp thu, đúng trọng tâm vấn đề được hỏi. Với những vấn đề “nóng”, bức xúc mà dư luận quan tâm, ngoài trực tiếp trả lời câu hỏi, Thường trực Huyện ủy yêu cầu lãnh đạo cơ quan, ban, ngành, địa phương trực tiếp trả lời và đề xuất phương án, thời hạn giải quyết cụ thể. 

Tinh thần dân chủ, cầu thị, cởi mở khi đối thoại, lắng nghe nhân dân không chỉ được người đứng đầu huyện Kim Bảng nêu gương thực hiện nghiêm mà còn được cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn chú ý coi trọng, chấp hành đầy đủ.

Tại buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thị trấn Ba Sao với cán bộ, ĐVHV các đoàn thể, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thường trực đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn chủ động tới sớm, hỏi thăm sức khỏe, tình hình lao động, học tập, công tác của CBHV các đoàn thể. Trong quá trình đối thoại, người đứng đầu thị trấn luôn chú ý lắng nghe, ghi chép, lần lượt trả lời rõ ràng, thỏa đáng từng câu hỏi.

Nhiều vấn đề khó, yêu cầu trả lời thẳng thắn về cách làm, thời gian thực hiện được đưa ra, như: Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân, hội viên Hội Cựu Chiến binh Chi hội 4 hỏi về vấn đề tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ tại địa phương sao cho bảo đảm chỉ tiêu giao quân; hay công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình mà bà Bùi Hà Huấn (hội viên phụ nữ Chi hội 6 đặt câu hỏi)… đều được người đứng đầu thị trấn trả lời cụ thể, chi tiết, tạo sự hài lòng cho cả người hỏi và những người quan tâm ngay tại hội nghị.

Nói về việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với CBĐV, ĐVHV, nhân dân, anh Trần Văn Đoàn (Ba Sao, Kim Bảng) nhận xét: “Tôi thấy cán bộ chủ chốt các cấp trong huyện đã chủ động tổ chức những hội nghị đối thoại bảo đảm thời gian, địa điểm phù hợp. Trong quá trình đối thoại luôn xem xét, giải quyết và trả lời những vấn đề nhân dân phản ánh, kiến nghị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Những vấn đề chưa rõ, đòi hỏi quá trình điều tra, xác minh, hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết… thì nghiêm túc tiếp thu, trả lời bằng văn bản hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét trả lời, giải quyết. Đặc biệt, qua theo dõi, tôi thấy người đứng đầu các cấp trong huyện luôn có thái độ ân cần, gần gũi, tác phong cởi mở, linh hoạt trong đối thoại, không có lời nói, hành vi thể hiện sự thành kiến, khó chịu, gây áp lực đối với cá nhân, tổ chức tham gia đối thoại. Đồng thời, có ý kiến chỉ đạo trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trả lời hoặc giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của nhân dân; ghi nhận, kiến nghị cấp trên giải quyết vấn đề không thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, qua đó tạo sự tin tưởng, phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác trong công tác dân vận “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, trước khi triển khai chủ trương, chính sách, chương trình, đề án phát triển KT-XH, các cấp ủy, chính quyền huyện Kim Bảng đều tổ chức đối thoại, lắng nghe nhân dân. Trong quá trình thực hiện, việc “nghe dân nói”, đối thoại, trả lời trực tiếp với CBĐV, nhân dân cũng luôn được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện duy trì thường xuyên, liên tục theo định kỳ và đột xuất.

Qua các hội nghị đối thoại, cán bộ lãnh đạo các cấp trong huyện nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu đúng, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp tăng cường sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Mặt khác, qua đó rèn luyện phẩm chất đạo đức, thái độ ứng xử, tư duy, phong cách lãnh đạo của người đứng đầu, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, hạn chế sách nhiễu, gây phiền hà cho công dân, tổ chức trong quan hệ công tác và thực thi nhiệm vụ chính trị.

Đây là việc làm cụ thể hóa công tác dân vận gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, qua đó góp phần nâng cao năng lực công tác của CBĐV, khắc phục những biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, đơn vị; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc, đòi hỏi chính đáng của nhân dân… như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra.

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy