Tích tụ ruộng đất không để nông dân mất việc, nghèo đói!

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh như vậy tại hội nghị Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp diễn ra tại Vĩnh Phúc ngày 14.4.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại hội nghị.

Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2015, cả nước hiện có hơn 27,2 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 82,36% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Hộ gia đình, cá nhân hiện đang quản lý sử dụng hơn 15 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 55,05% đất nông nghiệp cả nước, tổ chức kinh tế đang sử dụng 2,7 triệu ha đất nông nghiệp, chỉ chiếm 10,09% đất nông nghiệp. Trong số hơn 27,2 triệu ha này, diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ rơi vào khoảng 0,46 ha và trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Chính bởi vậy, Bộ TNMT nhận định, đất đai manh mún là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.

Hiện tại, các mô hình tập tích tụ tập trung đất đai được thực hiện theo các hình thức: Liên kết, hợp tác với người sử dụng đất. Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tích tụ đất đai). Thuê đất của người sử dụng đất (tập trung đất đai). Và cuối cùng, nhận góp vốn của người sử dụng đất (tập trung đất đai).

Tại hội nghị, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà cho rằng, thị trường chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta hoạt động còn yếu. Thực tế tồn tại không ít trường hợp tích tụ được đất đai nhưng để đất hoang, không đưa vào sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đất khá phổ biến. “Quá trình tích tụ, tập trung đất đai còn quá chậm. Đất đai manh mún đang là vật cản người dân, doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận xét.

Tại hội nghị, chuyên gia nông nghiệp PGS.TS Trần Thị Minh Châu nêu vấn đề, tích tụ ruộng đất vẫn chậm, gặp nhiều khó khăn, lý do người dân không đánh đổi ruộng đông được xem như tài sản quý giá với giá chuyển nhượng, thuê đất hiện tại. Bà Châu dự báo, việc tích tụ ruộng đất trên diện rộng sẽ xuất hiện một bộ phận nông dân không có đất, không tìm được việc làm trong các doanh nghiệp kinh doanh trên đất mua hoặc thuê của họ.

“Tại sao chúng ta kêu gọi tích tụ mà  nông dân chấp nhận bỏ ruộng, không canh tác  vào thành phố kiếm sống mà không  bán đất. Vì giá đất nông nghiệp quá bèo bọt, nếu bán được tí tiền thì không đủ trang trải cuộc sống thành thị. Nên họ sẽ cố giữ đất để khi sa cơ có thể quay về”, bà Châu lý giải.

Chính bởi vậy, chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhiều lần nhấn mạnh, cần bảo đảm hài hòa lợi ích các bên khi tích tụ ruộng đất, mà trước hết phải bảo đảm cuộc sống người dân tham gia tích tụ ruộng đất.

“Cần đánh giá tác động chính sách tích tụ đất đai liên quan đến xã hội, nông nghiệp, môi trường, phân tích kỹ bỏ hạn mức đất nông nghiệp hộ gia đình phải đảm bảo lợi ích nhà nước, chủ thể tham gia phát triển, đặc biệt lợi ích người dân. Tích tụ ruộng đất nhưng không làm nghèo hóa người dân, không làm người dân mất việc làm và khó khăn hơn. Phải giải quyết mâu thuẫn tập trung ruộng đất với giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp với ổn định nâng cao đời sống người nông dân, đây là yêu cầu quan trọng cần thiết. Từ đó đề ra giải pháp để người dân có hình thức chuyển đổi đất, tập trung, tích tụ đất vừa có việc làm, nâng cao đời sống, vừa đảm bảo mảnh đất tập trung có chất lượng cao, sức cạnh tranh cao, từ đó cân đối hợp lí để người dân có lợi nhiều nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Lao Động

Công Thế

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy