Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Thủ đô Hà Nội, trùng với ngày Quốc khánh 2/9 của nước ta. Trong những ngày này triệu con tim người dân Việt Nam vừa hân hoan với niềm vui ngày Quốc khánh, ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vừa bùi ngùi tưởng nhớ vị lãnh tụ, vị Cha già kính yêu của dân tộc đã ra đi mãi mãi.
Đã 51 năm kể từ ngày Bác Hồ ra đi, tôi thế hệ sinh sau 1975 chỉ được biết đến sự kiện trọng đại ấy thông qua những thước phim, bài báo tư liệu. Cho đến hôm nay, tôi thật sự xúc động, rưng rưng lệ khi được tận tay lật giở từng trang của tờ báo đưa tin ngày Bác mất đã úa màu thời gian còn được lưu giữ cẩn thận, trân trọng trong ngăn tủ của một người sưu tầm cổ vật. Đó là tờ báo Quân đội Nhân dân, năm thứ hai mươi, số 2983, thứ tư 10/9/1969.
Tờ báo có 4 trang, trang đầu tiên ngay dưới măng sét là bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía bên phải măng sét đầu trang là lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bản Di chúc được Bác chỉnh sửa vào ngày 10/5/1969, là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Toàn bộ nửa cuối trang đầu tiên chạy dòng tít “Ngày 9/9/1969, tại Hà Nội đã cử hành với nghi thức trọng thể nhất Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch”. Hai tít phụ cho biết một triệu nhân dân thủ đô cùng với đại biểu các địa phương cả nước và anh em bầu bạn quốc tế đã tưởng niệm Người; Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc điếu văn và Lời Di chúc của Hồ Chủ tịch, có kèm ảnh minh họa.
Trang 2, phía trên, tờ báo đăng điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch. Bản điếu văn chứa đựng tình cảm, tâm huyết, tinh hoa trí tuệ của các đồng chí lãnh đạo: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Tùng và ông Đống Ngạc (Thư ký của Tổng Bí thư Lê Duẩn) dành cho Người. Những dòng chữ mở đầu điếu văn: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại. Phong trào Cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết! Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Từng lời, từng chữ đọc lên trong thời khắc thiêng liêng chúng ta vĩnh biệt Người luôn khiến “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” (Bác ơi! – Tố Hữu).
Hồ Chủ tịch ra đi khi đất nước còn chiến tranh, hai miền Nam - Bắc còn bị chia cắt nên bản điếu văn vĩnh biệt Người hết sức đặc biệt. Phần lớn nội dung điếu văn là 5 lời thề danh dự: Vĩnh biệt Người chúng ta thề quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước; tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa; giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi; phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người.
Những lời thề vĩnh biệt Bác suốt 51 năm qua đã và đang được toàn Đảng và nhân dân ta, các thế hệ người Việt Nam ra sức thực hiện. Bản điếu văn đọc trong Lễ truy điệu Người là một văn kiện lịch sử đặc biệt quý giá, một áng văn hào hùng, xúc động. Phần cuối trang 2 đưa một số tin về các đoàn đại biểu các nước đến viếng Hồ Chủ tịch; các nước Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan treo cờ tang tưởng nhớ Hồ Chủ tịch…
Toàn bộ trang 3 của tờ báo tường thuật Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch tại Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Bài báo nói về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng sáng chói của Hồ Chủ tịch, nhân cách cao cả của Người, hình ảnh Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập cũng tại Quảng trường Ba Đình năm 1945; miêu tả khung cảnh lễ truy điệu, những băng zôn, khẩu hiệu, hình ảnh trên lễ đài; giới thiệu các đoàn đại biểu dự lễ truy điệu, có hơn một triệu nhân dân thủ đô, các đoàn đại biểu miền Nam và các địa phương cùng anh em bầu bạn khắp năm châu tưởng niệm Người. Bài báo cho biết, những lời đầu tiên trong bản điếu văn được đọc lên không ai cầm được nước mắt, nhưng mọi người cố kìm nén để giữ sự trang nghiêm. Sau mỗi lời thề, đều có những tiếng hô: Xin thề! Xin thề… vang lên tại quảng trường và khắp các đường phố Hà Nội. Ngay sau khi điếu văn kết thúc, hàng chục chiếc máy bay của Quân chủng Phòng không Không quân xuất hiện trên bầu trời Hà Nội nghiêng cánh chào vĩnh biệt Người. Khi đoàn quân nhạc cử hành bản nhạc lễ Hồn tử sĩ, những tiếng khóc không còn kìm nén nổi nữa đều òa lên nức nở. Tường thuật các đoàn đại biểu lên vĩnh biệt Bác lần cuối cùng, bài báo có đoạn: “Trước linh cữu Bác, các em nước mắt ròng ròng, bàn tay phải khép kín đặt chếch trên mái tóc xanh chào Bác theo nghi thức Đội. Và sau các em là đoàn đại biểu các lực lượng vũ trang, đoàn đại biểu công nhân, nông dân…mắt đăm đăm, lòng nén lại, từ từ diễu qua linh cữu Bác như thấy trách nhiệm nặng nề của mình thực hiện mong muốn cuối cùng của Bác là: …“Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Hàng triệu người trên khắp đất nước Việt Nam khóc Người, trang 4 của tờ báo có những bức ảnh cho thấy điều đó. Hình ảnh các nữ sinh, đại biểu các đồng bào dân tộc ít người tỏ lòng thương tiếc Bác Hồ, những gương mặt chan chứa nước mắt; những ánh mắt buồn vô hạn của cán bộ và chiến sĩ bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ thủ đô lắng nghe lời Di chúc của Hồ Chủ tịch; các chiến sĩ Không quân nhân dân trang nghiêm chào vĩnh biệt Bác Hồ. Bức ảnh toàn cảnh với dòng chú thích: 10 vạn đồng bào Hà Nội tập hợp ở Quảng trường Ba Đình đang lắng nghe đồng chí Lê Duẩn đọc điếu văn.
Gấp lại tờ báo, nguồn tư liệu lịch sử quý giá, cảm xúc lắng lại, nhưng những ngày này chắc hẳn mọi người dân Việt Nam đều nhớ về Người: “Bác để tình thương cho chúng con. Một đời thanh bạch chẳng vàng son. Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (Bác ơi! – Tố Hữu).
Chu Bình